08/12/2016 - 10:33

Hoa kiểng vào mùa

Gần đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, các làng nghề trồng hoa kiểng, đan bội hoa trong TP Cần Thơ nhộn nhịp hẳn lên. Bà con các làng nghề tất bật tìm mua tre, nứa; chẻ nan, đan bội hoa; chăm sóc, xuống giống các loại hoa Tết...

NHỘN NHỊP LÀNG NGHỀ

Mấy tháng nay, Tổ hợp tác sản xuất bội hoa ấp Tân Long và Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền nhộn nhịp công việc chẻ nan, đan bội. Ông Nguyễn Tấn Lực, thành viên Tổ hợp tác sản xuất bội hoa ấp Tân Long, cho biết: "Năm nào cũng vậy, khoảng 2 -3 tháng trước Tết, làng nghề đan đát trở nên tất bật hơn, bởi phải "tăng tốc" để đảm bảo đáp ứng nhu cầu bội trồng hoa của các làng nghề hoa kiểng. Năm nay, các làng hoa kiểng đặt hàng nhiều hơn mọi năm, thành viên tổ hợp tác làm việc liên tục để có đủ sản phẩm cung cấp cho khách hàng". Cả gia đình ông Lực, mỗi người đảm nhận một công đoạn để cho ra nhiều sản phẩm, cho thu nhập khá hơn. Theo ông Lực, cây tre giá khoảng 40.000 đồng, vợ chồng ông đan trên 100 bội hoa; trừ chi phí, thu lợi nhuận khoảng 250.000 đồng. Nhờ nghề này, gia đình ông và hàng trăm hộ trong 2 ấp có việc làm, thêm thu nhập, chăm lo các con ăn học, mua sắm dịp Tết.

Người dân Làng nghề Hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ chăm sóc hoa chuẩn bị bán dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Vào thời điểm này, làng nghề Hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ cũng nhộn nhịp không kém. Gia đình ông Đinh Văn Bé Ba, ngụ khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy trồng trên 2.500 bội hoa các loại: cúc Đài Loan, cúc mâm xôi, vạn thọ… Từ tháng 6-7 âm lịch, ông Bé Ba chuẩn bị phân rơm, tro, xơ dừa, đặt mua hoa giống... Ông Bé Ba cho biết: "Năm nào cũng vậy, vào thời điểm này, bà con làng hoa tất bật chuẩn bị phân, giống, bội hoa cho mùa hoa Tết. Trồng hoa Tết tuy vất vả, đòi hỏi phải có kỹ thuật và sự tỉ mỉ cao hơn những cây trồng khác nhưng bù lại khi thu hoạch sản phẩm bán chạy, cho lợi nhuận cao. Cái khó của nghề này là yếu tố thời tiết cùng kinh nghiệm xuống giống và xử lý ra hoa đúng dịp Tết. Vụ hoa Tết năm ngoái, gia đình tôi trồng trên 3.000 bội hoa cúc, vạn thọ; sau khi trừ chi phí còn lãi vài chục triệu đồng. Năm nay, thời tiết thuận lợi, hy vọng mấy ngàn bội hoa cho lợi nhuận khá hơn năm trước".

Theo Ban chủ nhiệm Làng nghề Hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, hiện làng nghề có trên 200 hộ, trồng khoảng 400.000 giỏ hoa các loại. Để thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, làng nghề cũng trồng nhiều giống hoa mới như: dâu tây, cẩm tú cầu, ngọc thảo, hoàng lan… Đa số giống hoa này có nguồn gốc từ Đà Lạt và Châu Âu. Do sự khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng nên khâu chăm sóc ban đầu gặp không ít khó khăn nhưng nhờ ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ kỹ thuật, thêm kinh nghiệm người trồng nên các giống hoa mới phát triển tốt và hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Hợp tác xã (HTX) Quốc Noãn (xã Trường Thắng, huyện Thới Lai) chuyên sản xuất, gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre nứa cũng hòa chung niềm vui vì sản phẩm làm ra được tiêu thụ nhanh do nhu cầu bội hoa Tết rất cao. Chị Trần Thanh Thủy, thành viên HTX Quốc Noãn, cho biết: "Gia đình ít ruộng đất nên vợ chồng tôi mưu sinh bằng nghề làm mướn. Mấy năm gần đây, vợ chồng tôi làm nghề đan đát tại HTX Quốc Noãn với thu nhập khá. Thời điểm này, nhu cầu bội hoa Tết tăng nhiều nên vợ chồng tôi tranh thủ đan thêm ban đêm. Mỗi ngày, chúng tôi đan khoảng 250 bội hoa, thu nhập vài trăm ngàn đồng, vừa ổn định việc làm, thu nhập, vừa không phải đi làm thuê xa nhà…".

TẠO ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN

Theo Ban chủ nhiệm HTX Quốc Noãn, quá trình làm cần xé thường bỏ đi ruột tre nứa nên thành viên HTX nảy sinh ý định tận dụng. Ban chủ nhiệm HTX tìm đến các địa phương, làng nghề trồng hoa trên địa bàn TP Cần Thơ và Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) để liên hệ hợp đồng cung ứng bội hoa. Có nơi tiêu thụ ổn định, các thành viên HTX an tâm đan bội hoa. Số lượng đặt hàng ngày càng nhiều trong khi thiếu nhân công, HTX Quốc Noãn liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thới Lai tổ chức lớp nghề đan bội hoa cho lao động trong xã và hướng dẫn cho nhiều người. Qua đó góp phần phát triển nghề đan bội hoa, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động.

Thời gian qua, Phòng LĐ-TB&XH huyện Phong Điền phối hợp với các cấp Hội Cựu chiến binh giới thiệu, tín chấp cho bà con vay vốn mua nguyên liệu, góp phần tăng hiệu quả hoạt động các Tổ hợp tác sản xuất bội hoa. Nhiều năm nay, bà con đan bội trồng hoa được tín chấp vay hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phong Điền. Ông Phạm Văn Nguyên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thới, cho biết: "Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi nên bà con có điều kiện tăng năng suất, sản lượng, có thu nhập ổn định. Mỗi năm, sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và tiêu thụ nhanh tại các làng hoa nên bà con phấn khởi". Ngành Khuyến nông quận Bình Thủy cũng hỗ trợ cây giống để giúp bà con giảm chi phí sản xuất, trồng các loại hoa mới. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông quận tổ chức tập huấn và thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho người trồng hoa kiểng, đảm bảo năng suất, chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng dịp Tết…

Làng nghề truyền thống trồng hoa kiểng, đan đát ở TP Cần Thơ hình thành nhiều năm nay. Các làng nghề không những là nét đẹp văn hóa mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân địa phương mỗi dịp Tết.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết