14/04/2015 - 08:34

Hillary Clinton và chiến dịch tranh cử mới

Ảnh: Chicago Tribune

Với thông báo ứng cử hôm 12-4, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (ảnh) đã chính thức bước vào cuộc đua để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của xứ sở cờ hoa.

Rút kinh nghiệm lần thất bại trước

Đây không phải lần đầu tiên cựu Đệ nhất Phu nhân ghi tên mình vào đường đua đến Nhà Trắng. Trước đó vào năm 2008, bà Clinton từng cạnh tranh vị trí ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ nhưng phải chấp nhận thua cuộc trước Tổng thống Barack Obama. Khi ấy, chiến dịch của cựu Ngoại trưởng bị chỉ trích nặng nề do truyền tải đến cử tri cảm giác về sự "ngạo mạn và quyền thế", không gắn liền với chủ trương tiến bộ của đảng Dân chủ.

Rút kinh nghiệm từ thất bại 8 năm trước, bà Clinton trong đoạn clip mở màn chiến dịch tranh cử lần này đã phác họa hình ảnh ứng viên "đồng cảm và ấm áp", thiết lập nền móng về một chương trình nghị sự kinh tế thu hút lòng dân hơn. Cụ thể sau tuyên bố "Tôi đang chạy đua chức tổng thống", nữ chính trị gia 67 tuổi cho biết người dân Mỹ đã tự mình chiến đấu trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, nhưng chướng ngại vẫn còn rất nhiều. Do đó, "mỗi ngày họ đều cần một người tiên phong và tôi muốn trở thành người tiên phong đó" – bà Clinton khẳng định.

Có thể thấy, ngoài tập trung vấn đề bất bình đẳng kinh tế vốn đang được công chúng quan tâm thì thông điệp này còn thể hiện rõ mong muốn của cựu Ngoại trưởng, đó là "sẽ chiến đấu vì một sân chơi bình đẳng" cho những người đang cố gắng khắc phục khó khăn về tài chính. Một điểm nhấn nữa trong đoạn clip là phần phỏng vấn người dân về khát vọng của họ trong tương lai, xen kẽ hình ảnh bà Clinton đang lắng nghe và phát biểu vài câu ngắn gọn. Với đoạn kết: "Tôi đang trên đường để giành lá phiếu của các bạn và tôi hy vọng các bạn sẽ sát cánh bên tôi trong hành trình sắp tới", thông điệp lần này được nhìn nhận mang tính tiếp cận và thu hút cử tri hơn so với tuyên bố "Tôi ở đây để giành chiến thắng" mà bà Clinton "độc diễn" trước ống kính hồi năm 2007.

Chậm mà chắc

Không chỉ thay đổi về phương hướng, việc mở đầu chiến dịch thông qua video, email và mạng xã hội bao gồm Twitter, Facebook và YouTube cho thấy bà Clinton đã rút được kinh nghiệm về phương tiện truyền tải thông điệp sau thất bại trước ông Obama. Vào thời điểm đó, bà từng bị cho là kém hơn ông chủ Nhà Trắng về khoản tận dụng công nghệ.

Hiện tại, tờ Washington Post cho biết bà Clinton đang có kế hoạch khởi động chiến lược "đi chậm từng bước", xây dựng sự ủng hộ từ gốc tại các tiểu bang quan trọng của đảng Dân chủ. Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, cựu Ngoại trưởng Mỹ đang có ưu thế rất lớn trước các đối thủ tiềm năng của đảng Dân chủ và rất ít khả năng đảng này có thêm ứng cử viên tham gia tranh cử. Theo một cuộc thăm dò ý kiến ​​của Reuters, hiện có đến 60% thành viên đảng Dân chủ ủng hộ bà Clinton. Đặc biệt trong đó bao gồm sự hậu thuẫn của Tổng thống Obama khi ông chủ Nhà Trắng nhìn nhận cựu Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang New York sẽ là "một vị tổng thống tuyệt vời".

Tuy nhiên, đối với một nhân vật nổi tiếng với nhiều vai trò trên chính trường Mỹ trong nhiều thập kỷ như bà Clinton thì việc tạo mối quan hệ gắn kết thực tế với công chúng vẫn còn là một thách thức rất lớn - các chuyên gia phân tích nhận định. Trong đó, các tuyên bố của bà Clinton sử dụng ngôn từ mạnh mẽ nhưng vẫn chưa đề xuất chính sách cụ thể nào cho tầng lớp lao động Mỹ cũng như vấn đề bất bình đẳng kinh tế. Đặc biệt, tuyên bố còn phản ánh chủ nghĩa dân túy khi đề cập tới vấn đề tiền lương của giới lãnh đạo doanh nghiệp, có thể dấy lên quan ngại đối với những người ủng hộ bà Clinton tại Phố Wall.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC)

Chia sẻ bài viết