12/12/2017 - 15:35

Hiệu quả từ Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” 

Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được triển khai thực hiện từ cuối năm 2016 đến nay đã đạt nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng Cảnh sát biển trong tình hình mới. Mô hình được cấp ủy, chính quyền người dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao; góp phần xây dựng thế trận lòng dân trên biển ngày càng vững chắc.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tặng ngư dân huyện đảo Bạch Long Vĩ cờ Tổ quốc và áo phao

Dấu ấn của lực lượng Cảnh sát biển

Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về mô hình công tác dân vận tiêu biểu ở các đơn vị quân đội thời gian gần đây, Đại tá Ngô Thanh Hải, Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tâm đắc giới thiệu về mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”:

Mặc dù được triển khai chưa lâu, nhưng đây là mô hình mới, phù hợp với đặc thù của lực lượng Cảnh sát biển trong thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của quân đội trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã khảo sát tìm hiểu việc thực hiện mô hình này ở các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển Việt Nam.

Thượng tá Bùi Văn Tăng, Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Dân vận và công tác quần chúng, Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) cho biết: Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới, vào cuối năm 2016, Phòng Dân vận và công tác quần chúng đã tham mưu cho cấp trên xây dựng và thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.

Theo đó, mô hình mang màu sắc riêng của lực lượng Cảnh sát biển, phù hợp với nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn và duy trì việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam. Mô hình được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nhất trí và cho triển khai trong toàn lực lượng. Mặc dù mới được triển khai nhưng mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Lật giở chồng thư tại phòng làm việc của Phòng Dân vận và công tác quần chúng, chúng tôi hết sức ấn tượng với lá thư của Chủ tịch UBND xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) Võ Quang Đạt, trong đó khẳng định: Được phối hợp với Hải đội 102 (Vùng Cảnh sát biển 1) cùng xây dựng chương trình thực hiện mô hình công tác dân vận là niềm tự hào của địa phương, qua đó giúp ngư dân trong xã có được thông tin hữu ích về tình hình biển đảo, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; có thêm kiến thức cơ bản cần thiết khi khai thác đánh bắt thủy sản trên biển...

Từ lá thư cảm ơn của Chủ tịch UBND xã Quảng Đông chúng tôi nhớ lại, vào một ngày đầu tháng 5/2017, khi Hải đội 102 (Vùng Cảnh sát biển 1) và xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch ký kết chương trình phối hợp thực hiện Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.

Hôm đó, người dân địa phương đến dự rất đông, ai cũng vui mừng, phấn khởi. Nhiều người xin được gặp riêng chỉ huy hải đội để đề đạt nguyện vọng được nhận thêm tờ rơi tuyên truyền về biển đảo tặng người thân.

Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Mại (thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông) đã được chỉ huy Hải đội 102 cấp thêm 20 tờ rơi để bà gửi cho các cháu đang đánh bắt cá trên biển không có điều kiện về dự buổi ký kết chương trình phối hợp thực hiện mô hình dân vận...

Chương trình phối hợp thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được các hải đội và địa phương xác định cụ thể công việc thời gian hoàn thành, người phụ trách.

Theo Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam, hoạt động phối hợp với địa phương triển khai mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được các đơn vị triển khai nghiêm túc và bài bản.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và các Vùng Cảnh sát biển xác định: Thực hiện mô hình là biện pháp quan trọng nhằm phát huy vai trò đội quân công tác của lực lượng Cảnh sát biển, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương các xã (huyện) đảo vững mạnh, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển tiến hành khảo sát các đảo ven bờ, các đảo có căn cứ hậu cần nghề cá, giao cho các đơn vị tàu thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển thống nhất với địa phương xã (huyện) đảo xây dựng chương trình phối hợp hoạt động.

Tới thời điểm này, các đơn vị trong toàn lực lượng đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” với 8 xã (huyện) đảo. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân và ngư dân ở các vùng biển trong cả nước đều đánh giá cao và ủng hộ mô hình. Từ hiệu quả đó động viên lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục triển khai mô hình ở quy mô rộng hơn, nội dung phong phú hơn.

Nội dung tuyên truyền phong phú, hiệu quả thiết thực

Chương trình phối hợp thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” giữa Hải đội 402 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) và thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã xác định nhiều trọng tâm trong công tác tuyên truyền về biển đảo Việt Nam.

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc Huỳnh Thanh Đảm, các nội dung tuyên truyền đã đáp ứng nhu cầu thông tin của bà con ngư dân trong việc đánh bắt hải sản xa bờ.

Nhiều buổi nói chuyện tuyên truyền phải kéo dài thêm hàng giờ liền bởi người dân muốn tìm hiểu thêm về Luật Biển Việt Nam, Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; những vấn đề pháp lý liên quan đến khai thác hải sản trên các vùng biển, Luật biển của các nước có vùng biển giáp ranh, vùng biển chồng lấn; truyền thống của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam…

Qua tìm hiểu ở các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, chúng tôi thấy: Công tác tuyên truyền về biển đảo luôn được các đơn vị đặt lên hàng đầu trong chuỗi các nội dung hoạt động của mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.

Thực hiện mô hình này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đến các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển thống nhất chỉ đạo tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (nhất là Luật Biển) để ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi làm ăn trên biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản, làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước.

Tuyên truyền cho ngư dân thấy được tác hại nguy hiểm của hình thức đánh bắt “tận diệt”, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái biển. Phối hợp cấp ủy, chính quyền các xã (huyện) đảo vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo.

Tổ chức các hoạt động hỗ trợ ngư dân: Tặng quà gia đình người có công, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; đỡ đầu các cháu học sinh là con ngư dân nghèo học giỏi; khám, cấp thuốc, chữa bệnh miễn phí; tập huấn sơ, cấp cứu người bị đuối nước; tặng áo phao, cờ Tổ quốc cho ngư dân...

Phát huy vai trò của ngư dân kịp thời cung cấp thông tin cho lực lượng Cảnh sát biển trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, cướp biển, cướp có vũ trang, góp phần giữ vững an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, từ đầu năm 2017 đến nay, các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền cho hơn 4.500 cán bộ, ngư dân; cấp phát 205 sổ tay tuyên truyền pháp luật, 700 tờ rơi về những điều ngư dân cần biết; tặng 700 lá cờ Tổ quốc cùng nhiều phần quà (hạt rau giống, lò nướng điện, bình ga, trứng gà, tivi, xe đạp, áo phông in hình Tổ quốc).

Các đơn vị khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 637 lượt ngư dân; tặng 100 cuốn sổ tay hướng dẫn cấp cứu thông thường trên biển; 60 tủ thuốc và túi thuốc quân y; 340 áo phao cá nhân, phao tròn; thăm, tặng quà 489 gia đình người có công, ngư dân nghèo; nhận đỡ đầu 18 cháu học sinh nghèo là con của ngư dân học giỏi đến hết 18 tuổi với số tiền 500.000 đồng/tháng...

Kinh phí thực hiện mô hình hơn 1 tỷ đồng đã được xã hội hóa thông qua sự ủng hộ giúp đỡ của 12 tổ chức chính trị - xã hội, 9 nhà tài trợ và hàng trăm cá nhân tham gia cùng lực lượng Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân.

Nói về mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) khẳng định: “Mô hình rất ý nghĩa, góp phần tăng cường hơn nữa tình đoàn kết quân - dân, củng cố lòng yêu nước, yêu biển, đảo quê hương; nâng cao trách nhiệm của ngư dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự trên biển đảo Tổ quốc”.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng

Chia sẻ bài viết