02/06/2009 - 08:28

Mô hình dạy học 2 buổi/ ngày

Hiệu quả, nhưng còn khó nhân rộng

Trong các đóng góp cho Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2020, nhiều ý kiến đề nghị mở rộng mô hình trường phổ thông dạy 2 buổi/ ngày để nâng cao chất lượng và giáo dục học sinh một cách toàn diện. Mô hình dạy 2 buổi/ ngày đã được thực hiện từ nhiều năm nay và khẳng định được hiệu quả nhưng lại khó triển khai đại trà… Vì sao?

Mô hình giáo dục học sinh toàn diện

Năm học 2008-2009, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Ninh Kiều có 46 lớp, trong đó, có 27 lớp bán trú, 7 lớp 2 buổi/ ngày và 12 lớp 1 buổi. Thầy Trần Quang Khiêm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, nhận xét: “Hầu như tất cả các lớp dạy học 2 buổi/ ngày đều có chất lượng cao hơn các lớp 1 buổi cùng khối”. Thời khóa biểu của các lớp 2 buổi/ ngày thoải mái hơn so với các lớp 1 buổi. Cụ thể, mỗi ngày, học sinh lớp 2 buổi học 7 tiết; trong đó, 4 tiết buổi sáng dành để học các môn chính khóa còn 3 tiết buổi chiều dùng để ôn tập bài buổi sáng, làm bài tập và học các môn năng khiếu. Trong khi đó, học sinh lớp 1 buổi phải học 5 tiết/ buổi mới tải hết chương trình chính khóa và cả các môn tự chọn, năng khiếu... Rõ ràng, so với học sinh lớp 1 buổi, học sinh học 2 buổi/ ngày thuận lợi hơn về thời gian và được thầy cô ôn tập, hướng dẫn thêm ở buổi thứ hai.

Học theo mô hình 2 buổi/ngày, học sinh có thời gian phát triển các môn năng khiếu. Trong ảnh: Giờ học vi tính của học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều.  

Theo cô Trần Thị Lệ Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giảm tải nhiều lần nhưng chương trình hiện nay vẫn khá nặng với học sinh. Thêm vào đó, học sinh còn phải học các môn năng khiếu, Anh văn... Cô Thủy nói: “Nhiều buổi học xong 5 tiết, học sinh bơ phờ, mệt mỏi”. Chính áp lực thời gian nên ở các lớp 1 buổi, giáo viên không thể ôn tập, hướng dẫn học sinh làm bài tập kỹ càng. Học sinh tiếp thu kiến thức trên lớp được bao nhiêu hay bấy nhiêu, về nhà chủ yếu là tự học. Trong khi đó, học sinh lớp 2 buổi/ ngày được học các môn năng khiếu, được giáo viên hướng dẫn bài tập khó... vào buổi chiều.

Các lớp dạy học 2 buổi/ ngày càng thể hiện rõ tính ưu việt về chất lượng khi thực hiện chương trình mới. Cô Đặng Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Số 2 phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, cho biết: “Thời gian qua, trường luôn dẫn đầu quận về chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng các phong trào mũi nhọn là nhờ trường tổ chức được mô hình dạy học 2 buổi/ ngày cho tất cả học sinh”. Ngoài ra, với những phụ huynh làm việc theo giờ hành chánh, mô hình dạy học 2 buổi/ ngày giúp giải tỏa nỗi lo quản lý con cái.

Do những ưu điểm nêu trên, mô hình dạy học 2 buổi/ ngày, ngày càng phát triển. Hiện nay, trên 50% trường tiểu học của TP Cần Thơ thực hiện mô hình này. Riêng tại quận Ninh Kiều, có đến 10/13 phường có trường tiểu học dạy học 2 buổi/ ngày nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của phụ huynh. Dự kiến, năm học 2009-2010, sau khi Trường THCS Lương Thế Vinh, quận Ninh Kiều nâng cấp xong dãy phòng học cũ thì đây sẽ là trường THCS đầu tiên của thành phố triển khai dạy học 2 buổi/ ngày.

Mặc dù biết rằng thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời, nhu cầu cho con em học 2 buổi/ ngày của phụ huynh ngày càng tăng, nhưng để mở rộng mô hình này không phải dễ dàng.

Khó từ nhiều phía

Khó khăn đầu tiên chính là cơ sở vật chất trường lớp, bởi muốn dạy học 2 buổi/ ngày, số phòng học của các trường phải tăng gấp đôi so với dạy học 1 buổi. Ngay như Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, dù cơ sở vật chất vừa được xây dựng mới, khang trang nhưng để 100% học sinh học 2 buổi/ ngày, trường cần thêm 6 phòng học nữa. Ở các huyện vùng ven, mô hình 2 buổi/ ngày đang có dấu hiệu chựng lại. Điển hình như huyện Vĩnh Thạnh chỉ có khoảng 1/3 trường tiểu học trên địa bàn huyện thực hiện được mô hình 2 buổi/ ngày do cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu thốn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân không kém phần quan trọng là từ khi UBND thành phố quyết định “cắt” khoản hỗ trợ 10.000 đồng/ buổi thứ hai cho giáo viên tiểu học, thì các trường cũng không mặn mà với việc triển khai mô hình này.

Năm 1997, Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn, được ngành giáo dục chọn thí điểm mô hình dạy học 2 buổi/ ngày đối với học sinh THPT. Sau 3 năm thực hiện, chất lượng đại trà, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng đều cao hơn những năm học trước. Thầy Thạch Khên, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước, nhận xét: “Thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày, tình trạng học sinh học thêm giảm hẳn; giáo viên gần gũi với học sinh hơn để giáo dục đạo đức, rèn luyện, định hướng nhân cách cho học sinh”.

Thế nhưng, Trường THPT Lưu Hữu Phước cũng gặp không ít khó khăn. Những học sinh ở xa trường, buổi trưa phải ở lại; nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn, ăn uống tạm bợ, thiếu chỗ nghỉ trưa... ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Thầy Thạch Khên kể: “Không ai quản lý, giờ nghỉ trưa, nhiều em không ngủ trưa, mang bài ra đánh, tụ tập vào hàng quán, chơi games, chat... rất dễ sinh ra tiêu cực”. Mặt khác, năm học 2000-2001, Trường THPT Lưu Hữu Phước “nở nồi” về số lượng, cơ sở vật chất không đáp ứng kịp nên trường đành trở về dạy học 1 buổi. Hiện nay, ở bậc THPT, chỉ còn Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, dạy học 2 buổi/ ngày nhưng cũng chỉ thực hiện mỗi tuần 3 ngày. Trường không thu học phí buổi thứ hai nên gặp không ít khó khăn về kinh phí.

* * *

Mô hình dạy học 2 buổi/ ngày đã khẳng định được hiệu quả giáo dục ưu việt. Tuy nhiên, việc triển khai rộng khắp mô hình này đang vướng phải không ít khó khăn do cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu thốn, xuống cấp. Thêm vào đó, đời sống của phần lớn người dân vùng ven còn nhiều khó khăn, việc đóng góp cho con em học buổi thứ 2 vượt quá khả năng kinh tế của họ. Chính vì vậy, để phát triển mô hình dạy học 2 buổi/ ngày, nâng cao chất lượng giáo dục, cần có những giải pháp căn cơ hơn trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp và có chính sách hỗ trợ kinh phí buổi thứ 2 cho nhà trường, giáo viên ở những vùng khó khăn.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết