05/09/2010 - 21:04

Thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, thị trấn:

Hiệu quả bước đầu

Sau hơn một năm triển khai Kế hoạch số 34-KH/TU, ngày 7-4-2009, của Ban Thường vụ Thành ủy về “về việc thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, thị trấn” tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn thành phố, Thành ủy vừa tiến hành khảo sát, đánh giá về hiệu quả của mô hình này. Thực tế cho thấy, đa số các xã, thị trấn thực hiện mô hình này bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực về nhiều mặt, hiệu quả quản lý, điều hành được nâng lên, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội đều hoàn thành tốt, tạo sự phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mô hình này còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục ...

Tại thành phố Cần Thơ, mô hình trên đã được triển khai thực hiện ở 13 xã, thị trấn. Trong đó, bên cạnh 3 xã và 1 thị trấn triển khai thí điểm theo Kế hoạch 34-KH/TU của Thành ủy là: Xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ), Thới Thạnh (huyện Thới Lai), xã Giai Xuân (huyện Phong Điền) và thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) thì có 9 xã thực hiện mô hình này trước khi có hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, gồm: Đông Thuận, Trường Xuân B, Tân Thạnh, Xuân Thắng (huyện Thới Lai); Nhơn Nghĩa, Tân Thới (huyện Phong Điền); Thới Hưng, Đông Thắng, Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do có biến động về nhân sự nên 3 xã (Đông Thuận, Tân Thạnh, Xuân Thắng) của huyện Thới Lai không tiếp tục thực hiện mô hình bí thư kiêm chủ tịch. Toàn thành phố còn 10 xã, thị trấn thực hiện mô hình này cho đến nay.

Đến thời điểm này, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền đã thực hiện vượt chỉ tiêu xây dựng giao thông nông thôn năm 2010. 

Tìm hiểu tình hình thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND xã tại xã Giai Xuân (huyện Phong Điền), chúng tôi ghi nhận được nhiều chuyển biến đáng phấn khởi sau hơn 1 năm áp dụng mô hình này. Tính đến thời điểm này, xã đã đạt gần 80% các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2010, trong đó nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu cả năm như: phát triển đảng viên, thu thuế nhà đất, vận động nhân dân đóng góp xây dựng giao thông nông thôn... Qua trao đổi, nhiều đảng viên phấn khởi cho rằng việc thực hiện thí điểm chủ trương trên có nhiều ưu thế hơn trong việc lãnh đạo và quản lý điều hành, cụ thể như: triển khai chỉ thị nghị quyết của cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền nhanh và hiệu quả hơn; đồng chí bí thư - chủ tịch có điều kiện triển khai thực hiện kịp thời, xử lý nhanh các tình huống đặt ra... Theo đồng chí Đàm Ngọc Thoại, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) xã, việc áp dụng mô hình này đã giảm bớt các cuộc họp, thời gian họp cũng nhanh hơn, góp phần rút ngắn các khâu trung gian không cần thiết trong lãnh đạo quản lý, từ đó cán bộ dành thời gian nhiều hơn cho việc chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử như trước đây, khi UBND muốn huy động các đoàn thể thực hiện các công trình giúp dân thì phải lập kế hoạch, xin ý kiến, chủ trương của Thường trực Đảng ủy, sau khi được Đảng ủy thống nhất, thì khối vận mới họp các đoàn thể để triển khai... Từ khi thực hiện chủ trương này, công việc tập trung vào một đầu mối, lãnh đạo xã có thể quyết định nhanh chóng, hiệu quả công việc cũng được nâng lên. Nhờ đó, năm qua, Giai Xuân là một trong những địa phương sớm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế văn hóa-xã hội năm 2009, giữ vững danh hiệu “Xã văn hóa” và thành tích đó tiếp tục được giữ vững và phát huy...

Đến các ấp trên địa bàn xã, chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến đồng tình của người dân về sự “nhanh, gọn” khi thực hiện chủ trương bí thư đồng thời là chủ tịch. Theo nhiều người dân ấp Bình Thạnh và Thới An B kể, tháng 7 vừa qua, khi đồng chí Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đi công tác, nghe bà con phản ánh cầu Bông Vang bị xuống cấp, đi lại khó khăn. Ngay sau đó, đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã gọi điện mời đồng chí Phó chủ tịch và cán bộ phụ trách giao thông nông thôn xã đến để cùng cán bộ ấp họp bàn giải pháp sửa chữa cầu. Cuộc họp thống nhất trích một phần ngân sách địa phương cộng với huy động sức dân để thực hiện công trình. Chỉ sau vài ngày tập trung thực hiện quyết liệt, cầu Bông Vang đã được nâng cấp, tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Nhiều cán bộ, đảng viên xã cho biết thêm, trước đây, khi chưa hợp nhất chức danh bí thư và chủ tịch, mỗi khi bí thư hay chủ tịch đi công tác, nghe người dân phản ánh những trường hợp bức xúc thì chỉ ghi nhận, rồi về bàn bạc lại trong Thường trực Đảng ủy, UBND... rồi tiếp tục chờ chủ trương, nên công việc giải quyết rất chậm...

Thực tế cho thấy, khi thực hiện chủ trương trên, đồng chí bí thư kiêm chủ tịch không chỉ chủ động giải quyết nhanh những bức xúc của người dân mà còn khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa chủ trương lãnh đạo và triển khai thực hiện thực tế, tình trạng chồng chéo hoặc không thống nhất giữ đồng chí bí thư và đồng chí chủ tịch do quan điểm khác nhau; đồng thời khắc phục cả hai xu hướng lấn sân hoặc buông lỏng công tác lãnh đạo. Điều này đòi hỏi người đứng đầu cấp xã phải năng động, bám sát công việc, địa bàn hơn. Tâm đắc vấn đề trên, đồng chí Lê Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “So với khi chưa kiêm nhiệm hai chức danh thì công việc hiện nay của tôi áp lực hơn rất nhiều. Dù vậy, tôi luôn sắp xếp thời gian để xuống các ấp. Việc sâu sát cơ sở, nắm chắc địa bàn sẽ giúp tôi có những quyết định sát tình hình thực tế và từng bước nâng cao năng lực về công tác Đảng và quản lý Nhà nước. Cũng nhờ đi cơ sở, lắng nghe ý kiến của đảng viên, nhân dân và hiểu rõ tình hình các ấp, tôi chỉ đạo Đảng ủy xã xây dựng kế hoạch hàng tháng, năm phù hợp với tình hình thực tế hơn, từ đó việc triển khai thực hiện cũng đạt hiệu quả cao hơn”. Đồng chí Nguyễn Văn Hoa, Bí thư Chi bộ ấp Thới Hiệp 2, ghi nhận: “ Nhờ sâu sát cơ sở, Đảng ủy, chính quyền mà cụ thể là người đứng đầu địa phương đã năng động sáng tạo hơn trong chỉ đạo các ấp xây dựng nghị quyết và triển khai thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Hiện trên địa bàn ấp Thới Hiệp 2 đã có nhiều mô hình như sản xuất lúa giống, nuôi cá trên ruộng, nuôi cá lóc trong vèo...”. Ở các ấp khác, các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả ngày càng được nhân rộng. Từ đó, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,47% so với cuối năm 2009.

Nhằm tránh tình trạng tập trung quyền lực có thể dẫn đến tình trạng chuyên quyền, nhiều địa phương thực hiện chủ trương trên luôn chú trọng phát huy dân chủ trong nội bộ đến quần chúng nhân dân. Đồng chí Từ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, cho biết : “Hầu hết mọi công việc trọng tâm trong công tác Đảng, công tác cán bộ... đồng chí bí thư- chủ tịch xã đều đưa ra họp 4 Thường trực (Đảng ủy - HĐND -UBND- UBMTTQ) của xã lấy ý kiến thống nhất. Các khoản thu chi tài chính hàng tháng đều được công bố rõ ràng, rành mạch, tạo điều kiện để cán bộ xã, ấp tiện việc giám sát”. Cũng như ở xã Thới Xuân, việc thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ cũng được lãnh đạo xã Giai Xuân, huyện Phong Điền chú trọng. Trong xây dựng kế hoạch hàng tháng, quí, sau khi thông qua 4 Thường trực, Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ triển khai cho đảng viên quán triệt, đóng góp ý kiến, chỉnh sửa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Từ đó, hầu hết các chủ trương Đảng ủy, UBND đề ra được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình thực hiện.

Qua hơn 1 năm chỉ đạo các cấp ủy một số huyện thực hiện thí điểm chủ trương bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã, thị trấn, theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy, mô hình này đã mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi. Thực tế ở các địa phương cho thấy, khi đồng chí bí thư đồng thời giữ vai trò là chủ tịch UBND xã, thị trấn sẽ kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý điều hành, khắc phục được tình trạng bao biện, làm thay hay buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy. Việc chỉ đạo thống nhất cũng giúp đoàn kết nội bộ được tăng cường, hệ thống chính trị từng bước được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được tăng lên. Vì vậy, đa số các xã, thị trấn sau khi thực hiện mô hình này có nhiều tiến bộ, kinh tế - xã hội có bước phát triển tốt, uy tín của các đồng chí bí thư - chủ tịch được nâng lên. Qua quá trình khảo sát, kiểm tra, thăm dò ý kiến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân các xã, thị trấn thực hiện thí điểm chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND, hầu hết cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cán bộ đảng viên, quần chúng và nhân dân đồng tình. Qua Đại hội đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2010-2015, kết quả cho thấy các đồng chí bí thư kiêm chủ tịch đều trúng cử vào cấp ủy với tỷ lệ phiếu bầu đạt từ 90% trở lên, có những đồng chí đạt số phiếu 100%, điển hình như ở xã Nhơn Nghĩa, thị trấn Vĩnh Thạnh. Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Phong Điền, Cờ Đỏ nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiều đảng viên đã tập trung thảo luận, đánh giá tốt mô hình trên và đề nghị tiếp tục mở rộng thí điểm thực hiện mô hình này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện, mô hình này còn bộc lộ những mặt hạn chế cần khắc phục. Trong đó, phần lớn các đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch, do áp lực công việc, hội họp nhiều, nên từng lúc còn bị động, xử lý công việc chưa bao quát toàn diện. Đồng chí Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, Phong Điền thừa nhận: “Do chưa có kinh nghiệm thực tế, nên trong thời gian đầu, tôi xử lý công việc còn lúng túng, chưa kịp thời, còn lẫn lộn giữa hai nhiệm vụ của Đảng ủy và chính quyền”. Không riêng xã Giai Xuân, việc chọn cán bộ để thực hiện chủ trương trên cũng gặp không ít khó khăn, bởi mô hình này đòi hỏi cán bộ thật sự có uy tín, bản lĩnh và kinh nghiệm trong cả công tác Đảng và chính quyền. Bên cạnh đó, cấp ủy nơi thực hiện mô hình trên cũng còn lúng túng trong việc xây dựng, thực hiện qui chế làm việc, nhất là mối quan hệ làm việc giữa thường trực cấp ủy, thường trực HĐND và thường trực UBND. Đồng chí Lê Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Đông Thắng, cho biết: “Thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã là một mô hình mới, chưa được qui định trong Điều lệ Đảng và các văn bản pháp luật khác, nên khi tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng, khó khăn, địa phương chủ yếu vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng đôi lúc không tránh khỏi những bất cập”...

Thực tế cho thấy mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã, thị trấn đang triển khai thực hiện ở các xã, thị trấn trong hơn 1 năm qua bước đầu khẳng định được những mặt ưu điểm, tích cực. Để mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo cấp ủy, UBND cấp trên trực tiếp tiếp tục quan tâm theo dõi, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị thực hiện thí điểm để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, tạo điều kiện để các đồng chí bí thư-chủ tịch thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Đồng thời, cần có kế hoạch nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các đồng chí bí thư - chủ tịch và cấp phó, nhằm thực hiện tốt vai trò điều hành, tham mưu trong việc thực hiện nhiệm vụ. Thành ủy cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát việc xây dựng quy chế làm việc, bảo đảm tính khoa học, linh hoạt giúp đồng chí bí thư - chủ tịch tránh sự trùng lắp, lẫn lộn giữa công tác Đảng và công tác chính quyền, cũng nhằm tránh trường hợp lạm quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bài, ảnh: SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết