05/02/2008 - 22:00

"Hiệp sĩ" của học sinh nghèo

Trụ trì chùa Long Thạnh, một ngôi chùa nhỏ nằm sâu trong một xóm nhỏ của thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, là thầy Thích Quảng Tâm. Người dân địa phương quen gọi ông là thầy Út, “hiệp sĩ” của học sinh nghèo.

* Dang rộng vòng tay từ thiện

Vừa bước vào cổng chùa, tôi buộc phải dừng lại để ngắm nhìn hàng chục em ở tuổi nhi đồng chia ra thành nhiều tốp chơi trò bắn bi. Chốc chốc, có đứa nhảy cửng lên hò reo vì vừa giành chiến thắng. Cũng có đứa thút thít khóc vì bị thua phải đưa mắt cá chân cho đứa thắng cuộc bắn viên bi vào.

Thấy tôi đến, các em đồng loạt đứng dậy chắp tay trước ngực và cúi đầu chào khách đến thăm chùa theo lễ nghi của nhà Phật. Cũng lúc này, tiếng thầy Út phát ra từ phía hậu liêu: “Minh Trí bảo các bạn không bắn bi nữa, tập trung ôn lại những thế võ, những bài múa lân để chiều lên tỉnh biểu diễn!”. “Dạ!”, Minh Trí ra hiệu cho các bạn dừng bắn bi đến một khoảng sân rộng cùng ôn võ cổ truyền đã được truyền dạy từ trước trông rất khí thế. Minh Trí là đứa lớn nhất trong nhóm tuổi nhi đồng ở chùa Long Thạnh. Tết này cậu bé tròn 11 tuổi.

Thầy Út (đứng giữa) tiếp ông Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, tới thăm chùa Long Thạnh.

Thầy Út bước ra đón khách với nụ cười mãn nguyện. Thầy cho biết: Chùa hiện có 20 trẻ ở tuổi nhi đồng vừa mới đến không lâu. Em nhỏ nhất vừa tròn 4 tuổi, lớn nhất cũng mới 11 tuổi. Các em phần lớn là mồ côi cha mẹ, không có người thân chăm sóc, còn lại là con nhà nghèo, cha mẹ các em không có khả năng cho ăn học nên gởi vào đây. Những em chưa đủ 6 tuổi được thầy gởi vào trường mẫu giáo thị trấn, những em khác được vào học trường tiểu học trung tâm huyện. Khi mới đến đây có nhiều em khóc đòi về nhà, buộc thầy Út phải cùng ăn cùng ngủ với các em. Bọn trẻ rất thích được thầy ôm vào lòng, cất giọng ầu ơ, ví dầu trước khi ngủ.

* Chắp cánh cho học sinh nghèo

Ngoài những trẻ trong độ tuổi nhi đồng, chùa Long Thạnh còn cưu mang trên 40 học sinh nghèo đang theo học từ lớp 6 đến lớp 12. Đây là những học trò được thầy Út mang về từ các xã vùng sâu của huyện Thủ Thừa, điều kiện đi lại hãy còn khó khăn. Nếu không có thầy Út, các em buộc phải bỏ học phụ giúp gia đình sau khi học xong bậc tiểu học. Từ năm 1985, thầy Út đã khởi xướng chương trình vận động phật tử đóng góp giúp đỡ trẻ em nghèo ở các xã vùng sâu học hết phổ thông trung học. Tất cả học sinh được thầy mang về chùa đều được lo ăn, mặc, đóng học phí. Đôi khi kinh phí đóng góp không đủ nuôi đám trẻ, thầy Út phải đi vay mượn gạo, xin cơm nguội, rau muối của bá tánh đem về cho đám trẻ đỡ lòng. Tuy bây giờ phật tử thập phương đến với chùa nhiều hơn, nhưng để trên 60 đứa trẻ có đủ cơm ăn, áo mặc, sách vở đến trường luôn là nỗi lo canh cánh của thầy Út.

Từ năm 1985 đến nay, thầy Út đã đem về chùa Long Thạnh trên 700 em học sinh nghèo, tất cả đều được thầy chăm lo cho học hết chương trình phổ thông, một số em thi đỗ vào các trường đại học, một số em vào các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Có nhiều học sinh sau khi có việc làm ổn định đã quay lại chùa Long Thạnh nhờ thầy Út đứng ra cưới vợ, lập gia đình, xin được gọi thầy bằng cha. Trường hợp của Phạm Văn Chiêu ở xã Long Thuận là một ví dụ. Nhiều năm qua, năm nào Chiêu cũng dắt vợ con về thăm thầy Út vào dịp Tết đến. Con của Chiêu gọi thầy bằng ông nội. Hạnh phúc đó giúp thầy thêm nghị lực tận tâm giúp nuôi dạy trẻ em nghèo cơ nhỡ để các em trở thành người có ích cho xã hội.

Trong sổ theo dõi sĩ số học tập của các em, tôi thấy có phần ghi chép về hoàn cảnh đặc biệt của chị Trịnh Thị Huân ở xã Mỹ An. Sau khi chồng qua đời, chị phải tần tảo nuôi bốn đứa con học hết cấp 1, nhưng không có tiền cho các em lên huyện học cấp 2. Thấy vậy, thầy Út lần lượt rước các em về chùa Long Thạnh nuôi ăn học tiếp cấp 2 và cấp 3. Đứa con lớn của chị là Mai Thế Vinh đang học lớp 12, con thứ hai Mai Phúc Lợi học lớp 10, con thứ ba Mai Phương Nhi học lớp 8, con út Mai Quang Huấn học lớp 6. Cả bốn em đều ngoan, học giỏi.

* “Hiệp sĩ” phổ cập tin học

Năm 2001, thấy trẻ em nghèo trong huyện không có điều kiện tiếp cận với tin học, thầy Út đi xin, mua lại những chiếc máy cũ đem về sửa chữa, nâng cấp để dạy những đứa trẻ ở chùa. Thầy vận động phật tử ủng hộ xây một lớp học vi tính rộng trên 30m2, dạy miễn phí cho học sinh nghèo ngoài xã hội. Lúc đầu lớp chỉ nhận dạy không quá 15 học viên, sau đó nâng lên 40, thậm chí đến 60 học viên, chia làm 3 buổi, học cả ngày và đêm. Đối tượng theo học có cả giáo viên các trường ở vùng sâu, vùng xa của huyện. Học viên sau khi qua khóa phổ cập vi tính có thể sử dụng thành thạo Word và Excel, truy cập Internet. Có những học viên đi thi lấy chứng chỉ A, B và tiếp tục thi đỗ trường đại học, cao đẳng công nghệ thông tin và quay trở lại chùa trợ giúp phổ cập tin học cho học sinh nghèo.

Thầy Út tên thật là Nguyễn Minh Tiến, tuổi Canh Tý, năm nay tròn 48 tuổi. Thầy sinh ra và lớn lên tại thị trấn Thủ Thừa, là con một gia đình nghèo đông con. Tuy bá tánh gọi thầy là thầy Út, nhưng trong gia đình thầy còn 2 người em nữa. Năm 15 tuổi, thầy xuất gia tu tại chùa Long Thạnh cho đến nay.

Tôi hỏi đã có bao nhiêu học sinh nghèo ở huyện Thủ Thừa được phổ cập tin học từ chùa Long Thạnh, thầy Út mỉm cười đáp: “Không thể nhớ. Phàm làm việc thiện cho bá tánh tôi không quan tâm đến việc có bao nhiêu trẻ đã đến đây học, mà chỉ biết làm thế nào để dạy các em tốt hơn mà thôi”. Nhưng theo một nhà sư trợ giúp thầy Út ở chùa Long Thạnh, từ năm 2001 đến nay đã có hàng ngàn lượt người đến đây học vi tính miễn phí. Năm 2004, thầy Út được Tuần tin công nghệ thông tin-viễn thông E-chip phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”, vì có công đóng góp đặc biệt cho việc xã hội hóa tin học, đưa tin học đến với cộng đồng.

Bài, ảnh: Hoa Hạ

Chia sẻ bài viết