22/02/2018 - 10:54

Hiến máu cứu người trong những ngày Tết 

Trong khi mọi người, mọi nhà đang sum họp đón Xuân thì nhiều người dân, kể cả bác sĩ và nhân viên y tế vẫn túc trực, sẵn sàng hiến máu và tiểu cầu cứu người qua cơn thập tử nhất sinh...

Anh Nguyễn Văn Tác đã 75 lần hiến máu, hiến tiểu cầu. Ảnh: H.HOA

Anh Nguyễn Văn Tác đã 75 lần hiến máu, hiến tiểu cầu. Ảnh: H.HOA

Đang trực điều trị tại Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ, phát hiện bệnh nhân  ung thư máu bị tiểu cầu xuống thấp, chảy máu chân răng, nguy cơ xuất huyết não rất cao, tiểu cầu dự trữ không còn, không chần chừ, bác sĩ Danh Chường, Trưởng Khoa Điều trị nội trú chạy ngay đi hiến tiểu cầu cứu bệnh nhân. Sau khi được truyền tiểu cầu, bệnh nhân hết chảy máu chân răng và xuất huyết dưới da, không còn nguy cơ xuất huyết não.

Đó không phải là lần đầu trong ca trực, bác sĩ Danh Chường hiến tiểu cầu cấp cứu bệnh nhân. Vị bác sĩ trưởng khoa này đã có 15 lần hiến máu và tiểu cầu cứu bệnh nhân. Bác sĩ Danh Chường tâm sự: “Là bác sĩ, tôi hiểu rõ máu quan trọng với sinh mạng bệnh nhân như thế nào nên khi bệnh nhân cần, tôi luôn sẵn sàng. Hiến tiểu cầu xong cũng là 21 giờ ngày mùng 1 Tết, bệnh nhân ổn là tôi về quê ăn Tết cùng gia đình. Tết càng thêm ý nghĩa vì mình giúp được người bệnh”.

Với anh Lê Minh Chánh, Phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, đây là lần đầu ngồi trên “ghế nóng” hiến tiểu cầu. Những lần trước anh Chánh hiến máu toàn phần. Anh Lê Minh Chánh kể: “Sáng 30 Tết, nhận được điện thoại, tôi chạy  ngay vào Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ hiến tiểu cầu. Ban đầu cũng hơi lo vì đây là lần đầu hiến tiểu cầu bằng máy chiết tách tiểu cầu và cũng lo sau hiến, mệt không lo Tết hay về quê được nhưng hiến xong, nằm nghỉ, rồi uống trà đường, khỏe re chở vợ, con về quê ăn Tết. Lúc tôi hiến máu cũng có gần chục cán bộ, nhân viên y tế ở  các đơn vị y tế hiến cùng, anh em có dịp tâm sự cuối năm rất vui”.  Trong Tết, có 32 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đăng ký hiến tiểu cầu.  Khi đăng ký, trong ngày dự kiến hiến, chuẩn bị sẵn tâm lý, sức khỏe, không bia, rượu, không đi xa, khi bệnh nhân cần, là hiến.

Còn với anh Nguyễn Văn Tác, ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, khoảng 16 giờ ngày 29 Tết, khi đang dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị Tết thì nghe Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ gọi báo có bệnh nhân nguy kịch, cần tiểu cầu. Anh Tác bỏ dở công việc, điện thoại xe cứu thương từ thiện nhờ chở ngay đến BV hiến tiểu cầu. Sau hơn một giờ có mặt ở BV, anh Tác làm xét nghiệm và hiến tiểu cầu, đến 21 giờ mới về đến nhà. Đây là lần thứ 5 anh Tác hiến tiểu cầu trong ngày Tết và cũng là lần thứ 75, người nông dân này làm nghĩa cử hiến máu cứu người.

Anh Tác cho biết: “Lần đầu tôi hiến máu để cứu một sản phụ là người quen bị băng huyết sau sinh. Sau khi được truyền máu, chị  được cứu sống, tiếp tục nuôi con, tôi thấy được việc làm này rất ý nghĩa nên từ đó đến nay, miễn bệnh viện điện thoại là tôi sẵn sàng cho máu. Dù đang làm gì, ở đâu, cứ nhận được điện thoại là tôi bỏ hết để đi hiến máu vì biết bệnh nhân đang cơn nguy kịch”.

Trước đây, anh Tác hiến máu toàn phần, còn gần đây anh chuyển hẳn sang hiến tiểu cầu, bởi theo anh: “Hiến máu toàn phần thì 3 tháng sau mới hiến được nữa, còn hiến tiểu cầu thì sau 2 tuần là tiếp tục hiến được nên tôi chuyển sang hiến tiểu cầu luôn. Tôi luôn trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị sức khỏe, tâm lý để khi có điện thoại là lên đường”. Điều đáng quý là anh đã gởi toàn bộ số tiền bồi dưỡng khi hiến tiểu cầu cho Hội chữ thập đỏ xã để mua gạo ngon phát cho người nghèo ăn Tết. Từ trước đến nay, tất cả tiền bồi dưỡng khi hiến máu, hiến tiểu cầu, anh đều dành tặng cho người nghèo.

Theo Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ, trong 7 ngày Tết (từ 29 đến hết Mùng 5), có 42 cán bộ, nhân viên y tế và người dân, sinh viên đến bệnh viện hiến tiểu cầu cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Trong đó, cán bộ, nhân viên y tế là 27 người. Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ, cho biết: “Tiểu cầu chỉ bảo quản được có 5 ngày. Sau ngày 26 Tết không có đơn vị nào đăng ký hiến máu nên không có tiểu cầu cung cấp cho cấp cứu, điều trị. Bệnh viện chạy máy chiết tách tiểu cầu, lấy tiểu cầu trực tiếp từ người cho để cấp cứu, điều trị. Khi có bệnh nhân cần, chúng tôi huy động người đến hiến tiểu cầu. Nhờ nghĩa cử của những người tình nguyện mà nhiều bệnh nhân được cứu sống. Đây là việc làm cao đẹp, đầy tính nhân văn”.

H.HOA

Chia sẻ bài viết