10/08/2019 - 13:02

Kỷ niệm 58 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2019)

Hết lòng chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/Dioxin 

Thường xuyên gần gũi, trực tiếp quản lý, chăm sóc nạn nhân và chịu trách nhiệm với hội cấp trên, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CÐDC)/Dioxin cấp cơ sở thực hiện vai trò cầu nối giữa nạn nhân với hội cấp trên và với những tấm lòng nhân ái. Qua đó, Hội cơ sở trở thành chỗ dựa tinh thần tin cậy của nạn nhân CÐDC/Dioxin...

Những ngày đầu tháng 8, các cơ sở hội nạn nhân CĐDC/Dioxin tất bật chuẩn bị hoạt động họp mặt, kỷ niệm ngày thảm họa da cam tại Việt Nam. Chị Ngô Thị Mỹ Nga, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin phường Lê Bình, quận Cái Răng tranh thủ liên hệ các địa chỉ thiện nguyện để vận động thêm quà cho các nạn nhân còn khó khăn. Thêm được mỗi suất quà, chị Nga lại thêm mừng. Ánh mắt lấp lánh, chị nói: “Vậy là yên tâm, dịp 10-8 này, 92 nạn nhân CĐDC/Dioxin trên địa bàn phường đều có quà”. Theo chị Nga, hằng năm, hội vận động xã hội hóa tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng quà, hỗ trợ vốn, học bổng cho gia đình và con em nạn nhân với tổng trị giá trên 1 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều mạnh thường quân hỗ trợ thường xuyên như: thầy Chí, tịnh thất Ngọc Kim; nhạc sĩ Thái Nguyên; Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương; chùa Long An;…

Bà Nguyễn Kim Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin phường Bùi Hữu Nghĩa cũng gấp rút chuẩn bị 100 phần quà và sắp xếp, chuẩn bị hoạt động tặng quà, khám bệnh, cấp phát thuốc cho nạn nhân. Bà Kim Chính cho biết: “Mỗi phần quà trao cho nạn nhân CĐDC lần này gồm 10kg gạo, đường, dầu ăn, nước tương,… trị giá 250.000 đồng. Bên cạnh đó, nạn nhân có nhu cầu sẽ được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí ngay tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao của phường”. Bà Chính năm nay 71 tuổi, là Đội trưởng Đội Xã hội tình nguyện phường và đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin phường được gần 3 năm nay. Bà cho biết, hồi mới tham gia công tác xã hội từ thiện, bà vận động được khoảng 300kg gạo/tháng. Còn bây giờ, con số này đã lên tới khoảng 600-700kg, hỗ trợ thường xuyên cho 78 hộ là hội viên nạn nhân CĐDC của phường Bùi Hữu Nghĩa, một số phường bạn và bếp ăn từ thiện của 3 bệnh viện lớn tại trung tâm TP Cần Thơ. Ông Nguyễn Văn Nhịn, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai cũng phấn khởi cho biết: “Đến nay, tất cả nạn nhân CĐDC/Dioxin của xã (21 nạn nhân CĐDC, trong đó có 14 nạn nhân không tự phục vụ được) đã ổn định về nhà ở. Hội còn kết nối được 7 địa chỉ đỏ, góp phần giúp 7 gia đình nạn nhân vơi bớt phần nào khó khăn, thêm động lực vươn lên”.

Bà Ngô Thị Mỹ Nga (đứng thứ 3 từ phải qua) cùng công nhân viên Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương trao quà cho nạn nhân CĐDC phường Lê Bình. ảnh: CTV

Giữ nhiệm vụ quản lý, nắm bắt trực tiếp tình hình hội viên, các thành viên Ban Chấp hành Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tuyến cơ sở đã nhiệt tình, hết lòng với nạn nhân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Từ sau khi thành lập vào năm 2006, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin TP Cần Thơ liên tục được củng cố, kiện toàn tổ chức từ thành phố đến cấp quận - huyện, xã - phường. Bà Trần Liên Kiều, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin TP Cần Thơ, cho biết: “Hầu hết các hội cơ sở hoạt động rất tốt. Hằng năm, hội cơ sở thường chiếm trên 50% tổng số tiền vận động chi chăm sóc nạn nhân CĐDC của các cấp hội toàn thành phố. Hội cơ sở cũng là đầu mối rà soát, quản lý tình hình nạn nhân chính xác nhất. Rất nhiều hội cơ sở vận động xã hội hóa chăm lo cho nạn nhân CĐDC rất tốt. Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin phường Thuận An (quận Thốt Nốt) quản lý tình hình hội viên, nạn nhân rất chu đáo, có hẳn quyển sổ thể hiện các thông tin hình ảnh, địa chỉ, tình trạng nạn nhân,… Thành hội đã chỉ đạo nhân rộng cách làm này tới các hội cơ sở khác. Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin  xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ xây dựng được mô hình tiết kiệm và vay vốn trong hội viên...”.

Theo chị Trần Thị Huệ, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, Hội ưu tiên tổ chức những hoạt động hỗ trợ các gia đình nạn nhân ổn định cuộc sống. Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã hiện có 3 tổ tiết kiệm, thu hút 39 hội viên tham gia. Theo đó, các hội viên góp vốn và phát vay vào 2 mùa lúa, với số tiền góp vào cao nhất là 10 triệu đồng/hội viên. Số vốn tiết kiệm khá lớn, mỗi đợt rút vốn, các hội viên có thể dùng thuê đất sản xuất, đầu tư trồng vườn, rẫy,… Bên cạnh đó, Hội thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình nạn nhân để kịp thời hỗ trợ cho những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những gia đình nạn nhân còn khó khăn về nhà ở. Hội năng động kết nối các nhà hảo tâm để vận động hỗ trợ cho những nạn nhân còn nhiều khó khăn. Chị Huệ cho biết, trong dịp này, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin xã đã vận động được 70 phần quà, sẽ sắp xếp trao tặng cho các nạn nhân sau ngày 10-8.

*

*       *

“Xem các nạn nhân là người thân, vui mừng khi chia sẻ khó khăn với họ, có vậy mới gắn bó bền lâu với hoạt động Hội, tiếp tục hỗ trợ, giúp các nạn nhân phần nào vơi bớt nỗi đau” - tâm nguyện này của bà Nguyễn Kim Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin phường Bùi Hữu Nghĩa, cũng là điều mà nhiều cán bộ Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin cơ sở nỗ lực thực hiện. Với tâm nguyện đó, sẽ ngày càng có nhiều hơn những tấm lòng thiện nguyện giúp đỡ nạn nhân CĐDC vươn lên trong cuộc sống.

Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết