15/06/2009 - 20:15

Các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế

Hay nhưng khó phát triển

Học tập tại Việt Nam, chi phí vừa phải nhưng vẫn có thể thụ hưởng nền giáo dục chất lượng cao và nhận được bằng cấp quốc tế. Đó là những điểm ưu việt của các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế hay còn gọi là chương trình du học tại chỗ. Ở TP Cần Thơ, những chương trình này đã được triển khai từ khá lâu nhưng khó phát triển, mở rộng…

Một bước tiến về chất lượng

Từ năm 1994, với sự giúp đỡ của Cộng đồng các trường đại học nói tiếng Pháp (AUF), Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) bắt đầu đào tạo chương trình song ngữ Pháp- Việt. Chương trình nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ trong lĩnh vực CNTT và biết tiếng Pháp. 15 năm qua, đã có trên 40 sinh viên tốt nghiệp chương trình này với luận văn bằng tiếng Pháp. Tiến sĩ Lê Quyết Thắng, Trưởng Khoa CNTT&TT, cho biết: “Đây là điều kiện để sinh viên thụ hưởng nền giáo dục chất lượng cao mà học phí vừa phải. Với chứng chỉ tiếng Pháp, sinh viên có thể tiếp tục học sau đại học ở Pháp và các nước nói tiếng Pháp như Bỉ, Canada...”.

Trang thiết bị hiện đại là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là phục vụ cho các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐHCT đang truy cập internet tại Trung tâm học liệu của trường.  

Từ năm học 2007-2008, Khoa CNTT&TT hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Nantes (Pháp) đào tạo thạc sĩ CNTT theo chương trình đào tạo trực tuyến. Vẫn ở tại Cần Thơ nhưng các học viên theo học chương trình này sẽ được học tập, làm việc trực tiếp với các giáo sư Pháp. Thạc sĩ Lâm Chí Nguyện, cán bộ Khoa CNTT&TT, một trong những học viên theo học chương trình này, cho biết: “Với chương trình này, ngoài kiến thức, tôi còn học được phương pháp làm việc sao cho hiệu quả hơn. So với ra nước ngoài du học, học phí của chương trình khá mềm; thời gian học nhanh hơn”.

Từ năm 2005, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh (KT&QTKD), Trường ĐHCT, cũng đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo Quốc tế KENT tại TP Hồ Chí Minh (thuộc Học viện Công nghệ và Quản trị KENT- Úc) đào tạo chuyên ngành QTKD cho học sinh đã tốt nghiệp THPT. Theo chương trình này, học viên học tập trung tại Việt Nam từ 1 năm rưỡi đến 2 năm và được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học. Sau đó, học viên có thể học chuyển tiếp từ 1 đến 1 năm rưỡi ở các trường đại học tại Úc, Mỹ, Anh, Singapore... có liên thông với Học viện KENT để lấy bằng cử nhân quốc tế. Giảng dạy chương trình này là những giảng viên nước ngoài và hoặc giảng viên trong nước đã qua đào tạo ở nước ngoài, có trình độ từ tiến sĩ trở lên.

Gần đây, Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ (TTĐHTC CT) liên kết với Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AITCV) triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ hai giai đoạn ở các ngành: KT&QTKD, Quản lý dự án chuyên sâu vào dự án Xây dựng, Quản lý xây dựng, Kỹ thuật và Cơ sở hạ tầng, Kỹ thuật và Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật công nghiệp và sản xuất, Địa kỹ thuật và Quản lý. Chương trình đào tạo do Trường Kỹ thuật và Công nghệ (SET) thuộc AIT đảm trách. Những chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế đang được triển khai tại Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, dường như sức hút của các chương trình này vẫn chưa thật mạnh do nhiều rào cản...

Khó phát triển, mở rộng

Tiến sĩ Lê Quyết Thắng, Trưởng khoa CNTT&TT, Trường ĐHCT, cho biết: “Những năm gần đây, ngày càng ít người theo học chương trình song ngữ Pháp- Việt. Cụ thể, năm 2009 chỉ có 2 sinh viên theo học chương trình này”. Khoa CNTT&TT cũng đã đặt mối quan hệ hợp tác đào tạo với các đơn vị Anh, Mỹ... nhưng không thể triển khai được. Nguyên nhân là do chương trình học nặng, chi phí đào tạo vẫn khá cao so với đời sống người dân trong vùng. Đặc biệt, các chương trình này đòi hỏi học viên phải giỏi ngoại ngữ. Tương tự, chương trình liên kết đào tạo giữa Khoa KT&QTKD với Học viện KENT cũng chỉ tổ chức được 2 khóa rồi thôi do quá ít học viên. Nguyên nhân là chương trình chỉ đào tạo tương đương bậc trung cấp, muốn học liên thông lên bậc học cao hơn, học viên phải lên TP Hồ Chí Minh hoặc ra nước ngoài học tập. Học phí của giai đoạn này khá cao, ít học viên có điều kiện tham gia.

Trong nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chính khiến các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế khó phát triển là rào cản ngoại ngữ. Theo tiến sĩ Lê Quyết Thắng, để tham gia vào các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, người học phải sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thật lưu loát. Hiện nay, rất ít học sinh, sinh viên đạt được yêu cầu này. Ông Nguyễn Văn Ấu, Phó Hiệu trưởng TTĐHTC CT, cũng lo lắng: “Chúng tôi lo nhất là trình độ ngoại ngữ của học viên không đáp ứng được yêu cầu của phía đối tác đưa ra”.

Một số giải pháp đã được đề ra để khắc phục điểm yếu này. Tiến sĩ Lê Quyết Thắng nói: “Năm nay, ở chương trình song ngữ Pháp- Việt, chúng tôi dự kiến sẽ chuyển sang đào tạo bằng đôi. Tức là, tùy theo năng lực của mỗi người mà có thể lấy bằng Việt Nam hoặc của Pháp, hay lấy cả 2 bằng”. Còn theo bà Tất Thiên Thư, Điều phối viên của AITCV tại Cần Thơ, AIT chỉ cần người học có bằng đại học đúng chuyên ngành, giao tiếp Anh văn tốt. Bà Thư cho biết: “AITCV sẽ kết hợp với TTĐHTC CT tổ chức bồi dưỡng tiếng Anh 7 tuần cho các ứng viên có nhu cầu nâng cao các kỹ năng tiếng Anh trước khi tham gia phỏng vấn của chương trình”. ***

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, với các mối quan hệ liên kết, sẽ có ngày càng nhiều những chương trình hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế được triển khai tại Cần Thơ. Hiện nay, dù các chương trình chưa phát triển mạnh mẽ nhưng có thể thấy đây là hướng mở trong tương lai cho việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực vùng ĐBSCL. Vấn đề còn lại là học sinh, sinh viên sẽ khắc phục điểm yếu về ngoại ngữ như thế nào để có thể tận dụng những cơ hội thụ hưởng nền giáo dục chất lượng cao.

Bài, ảnh: B. NGỌC

Chia sẻ bài viết