* Góp ý về dự án Luật quản lý nợ công
Sáng 22-9, tại Hà Nội đã khai mạc phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự phiên khai mạc.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết phiên họp thứ 12 này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ và Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến 2007. Tiếp đó, UBTVQH sẽ dành phần lớn thời gian cho ý kiến vào 12 dự án luật; cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2009 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, phiên họp sáng 22-9 tập trung cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ và Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2005-2007.
Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương trong các năm 2005-2007 đánh giá: tiến độ các dự án sử dụng vốn nhà nước rất chậm, thủ tục đầu tư xây dựng rườm rà, hiệu quả đầu tư của nhiều dự án thấp, còn thất thoát, lãng phí so với đầu tư bằng nguồn vốn khác, đầu tư thiếu đồng bộ. Tình trạng bố trí vốn dàn trải vẫn còn khá phổ biến. Các dự án phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện có xu hướng tăng lên về số lượng cũng như tỷ lệ. Công tác chuẩn bị đầu tư, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt dự án tại một số bộ, ngành, địa phương chưa tốt, công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán của hầu hết các đơn vị được kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu nên phải thay đổi, bổ sung, điều chỉnh, kéo dài thời gian đầu tư... Vẫn còn nhiều vi phạm pháp luật đầu tư xây dựng cơ bản, pháp luật bảo vệ môi trường, an toàn lao động... gây bức xúc trong nhân dân.
Chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản, Báo cáo giám sát đề cập tới những nguyên nhân chủ quan cần nhấn mạnh đó là: hệ thống văn bản còn vướng mắc, thủ tục quy định còn phiền hà; công tác phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa tốt, chậm được khắc phục; năng lực của chủ đầu tư, Ban QLDA, thiếu trình độ chuyên môn, thiếu tính chuyên nghiệp; năng lực của một số nhà thầu tư vấn và xây lắp còn yếu; một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản chưa đủ mạnh và nghiêm minh.
Về công tác quy hoạch, đại biểu Phùng Quốc Hiển đánh giá, chiến lược quy hoạch chúng ta còn thấp, tính dự báo kém, thiếu chiến lược trong xây dựng quy hoạch. Đại biểu cho biết vấn đề quy hoạch ở một số địa phương trong tình trạng thay đổi thường xuyên. Vừa qua, theo đánh giá của các bộ, Chính phủ đã xử lý rất kiên quyết hàng ngàn quy hoạch treo nhưng hiện còn trên 400 dự án chưa xử lý. Đây cũng là vấn đề báo cáo Giám sát của Quốc hội cần làm rõ. Đại biểu đánh giá tình trạng vi phạm có xu hướng tăng, cụ thể: đầu tư không hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, không đúng thẩm quyền, thẩm định dự án, đấu thầu sai phạm... Đại biểu đề nghị phải tìm cho ra nguyên nhân tại sao lại có nhiều sai phạm.
* Chiều 22-9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng một số bộ, ban, ngành liên quan đã dự phiên họp.
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật quản lý nợ công. Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, việc ban hành luật sẽ tạo ra khung pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý, xác định rõ các nội dung quản lý chủ đạo như: phạm vi quản lý nợ công, mục đích vay nợ, trách nhiệm trả nợ, tổ chức quản lý nợ tập trung và thống nhất nghĩa vụ, quyền hạn của các cơ quan và đưa ra các nguyên tắc chính nhằm chuẩn hóa quy trình vay, trả nợ, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện kiểm tra, kiểm soát của toàn xã hội đối với việc vay, trả nợ, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, những quy định đối với các bộ, ngành có liên quan trong dự án luật này là quá ngắn gọn, chưa quy định rõ trách nhiệm. Hơn nữa, trách nhiệm giám sát, vai trò kiểm tra, thanh tra của Quốc hội như thế nào cần phải được quy định cụ thể. Về khoản vay của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nếu vay để đầu tư các công trình, dự án mục tiêu trọng điểm quốc gia như: mua máy bay; đầu tư trong lĩnh vực dầu khí; làm đường cao tốc... thì Chính phủ đứng ra bảo lãnh vốn vay. Còn lại thì doanh nghiệp thực hiện tự vay, tự trả, đó là thể hiện quyền tự chủ của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, không điều chỉnh trong luật này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị cần làm rõ đầu mối thống nhất trong quản lý nợ công. Từ đó, các bộ, ngành có sự phân công cụ thể để phối hợp hoạt động hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải bổ sung, hướng dẫn thêm. Chuẩn bị nhanh dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật, làm sao để khi luật có hiệu lực thi hành thì các văn bản quy định hướng dẫn chi tiết thi hành luật được ban hành ngay...
QUỲNH HOA - VŨ ANH MINH (TTXVN)