26/09/2011 - 21:51

Hấp dẫn thị trường truyền thống ở Nga

Sau một thời gian rơi vào khủng hoảng và suy thoái, nền kinh tế Nga đã hồi sinh mạnh mẽ trong nhiều năm qua và đang trở thành một thị trường hấp dẫn cho tất cả các nước. Liên bang Nga có mối quan hệ chính trị tốt đẹp với nước ta và luôn là thị trường truyền thống lớn của Việt Nam, nhưng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước còn quá khiêm tốn so với tiềm năng.

Một siêu thị tại Thủ đô Mát-xcơ-va của Nga. Ảnh: Thomas Mayer 

Năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Nga chỉ đạt 1,827 tỉ USD, trong đó nước ta xuất khẩu 829 triệu USD và nhập khẩu 999 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, chúng ta đã trở lại vị thế “thặng dư” khi xuất khẩu 628 triệu USD và nhập khẩu 356 triệu USD. Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng dẫn đầu và chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tại Nga. Các mặt hàng quan trọng tiếp theo là thủy sản, dệt may, giày dép các loại, cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, các sản phẩm máy tính-điện tử và linh kiện, trà, gạo, dầu thô...

Lãnh đạo nước ta và Liên bang Nga đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 3 tỉ USD vào năm tới và 10 tỉ USD vào cuối thập niên này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hai nước có thể vượt xa mục tiêu trên nếu các doanh nghiệp của hai bên phát huy hết tiềm năng. Đặc biệt, vào đầu năm tới, Việt Nam và Nga sẽ khởi động đàm phán xây dựng Thỏa thuận Tự do Thương mại (FTA) trong khi Nga chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nga là thị trường hơn 100 triệu người tiêu dùng, có kim ngạch nhập khẩu hơn 237 tỉ USD năm 2010. Nền kinh tế Nga có quy mô lớn, đứng thứ 7 thế giới với GDP 1.465 tỉ USD và GDP sức mua ngang giá đứng thứ 6 với 2.220 tỉ USD năm 2010. Kinh tế Nga chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp (dầu khí, quốc phòng, hóa chất) chiếm tới gần 37% GDP, dịch vụ chiếm 59%, trong khi nông nghiệp chỉ chiếm 4%. Do đó, Nga có nhu cầu nhập khẩu lớn những mặt hàng nông lâm ngư nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam mà tại Nga gần như không có như thủy hải sản, may mặc, cao su, giày dép, trái cây nhiệt đới, cà phê, trà, hạt điều, gạo, nước chấm...

Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo “Hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Liên bang Nga” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hồi tháng 8 vừa qua, các doanh nghiệp cho biết xuất khẩu sang Nga gặp nhiều trở ngại do các hàng rào kỹ thuật, như thủ tục thuế quan không theo thông lệ quốc tế, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tươi và sơ chế, hình thức thanh toán và giấy bảo lãnh tín dụng giao dịch thương mại. Thông qua cuộc hội thảo này, giới hữu quan Bộ Công thương nước ta sẽ có những khuyến cáo, hướng dẫn giúp các doanh nghiệp dễ dàng thông suốt các “cửa ải” của thị trường này, đồng thời sẽ chủ động gởi các kiến nghị, thắc mắc của các doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý của Nga tại các cuộc họp thường niên của Ủy ban Liên chính phủ giữa hai nước.

PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết