22/02/2020 - 09:59

Hạn hán khốc liệt, Cà Mau “cầu cứu” chuyên gia 

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn Cà Mau thời gian qua gây ra nhiều thiệt hại. Ngoài hàng chục ngàn héc-ta lúa bị ảnh hưởng thì tình hình sụt lún, sạt lở đất cũng liên tiếp xảy ra. Trước tình hình có chiều hướng phức tạp, tỉnh Cà Mau cầu cứu các bộ, ban ngành Trung ương, các chuyên gia hỗ trợ làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục.

Diện tích lúa Đông - Xuân của Cà Mau vừa trổ đòng đã bị thiếu nước trầm trọng, nguy cơ tiếp tục thiệt hại.

►Hàng chục ngàn héc-ta lúa thiệt hại

Trên diện tích đất làm mô hình tôm - lúa khoảng 3ha, năm ngoái, gia đình ông Diệp Tấn Đạt (ấp 9, xã Khánh An, huyện U Minh) thu hoạch được 135 bao lúa. Năm nay, lượng mưa nhiều, gia đình ông làm vụ lúa vào khoảng tháng 7 (âm lịch) cũng rất thuận lợi. Tuy nhiên, đến lúc  lúa chuẩn bị no đòng thì nắng hạn gay gắt đến, vì vậy mà vụ này gia đình ông chỉ thu được 55 bao. “Hạn, mặn không đến sớm thì vụ này còn trúng hơn vụ trước. Nhưng cuối cùng, vừa giảm tổng số bao lúa thu hoạch được mỗi công mà lúa còn mất ký. Mỗi bao lúa nhẹ hơn năm trước cả chục ký lô, thương lái không muốn mua do lúa lép nhiều. Vụ này tôi đầu tư hết khoảng 10 triệu đồng, bán chắc được 3 triệu đồng, vừa lỗ tiền lại tốn công” - ông Đạt than thở.

Tính cả huyện U Minh đã có khoảng 9.300ha lúa bị thiệt hại do hạn hán đến sớm. Trong đó, khoảng 3.000ha thiệt hại từ 30-70%, còn lại phần lớn diện tích thiệt hại trên 70%. Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau còn cho thấy thực trạng nghiêm trọng hơn. Tính đến giữa tháng 2 này, toàn tỉnh có khoảng 42.000ha lúa thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại. Trong đó, hơn 18.000ha lúa đã bị thiệt hại và phần lớn là thiệt hại trên 70%. “Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, thống kê và xem xét toàn diện mức độ thiệt hại như thế nào, sắp tới nếu đủ điều kiện công bố tình huống thiên tai thì sẽ công bố. Người dân cần lưu ý các khuyến cáo của ngành chuyên môn trong hoạt động sản xuất. Khi đã công bố thiên tai rồi thì hộ dân nào đã thực hiện đầy đủ các khuyến cáo nhưng bị thiệt hại mới được hỗ trợ theo quy định” - ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết.

►Đường, đê bị sụt lún nghiêm trọng

Thực trạng hạn hán khốc liệt thời gian qua không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất mà còn đang gây ra tình trạng sụt lún, sạt lở đất nghiêm trọng trong vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau. Số liệu thống kê của UBND tỉnh Cà Mau cho thấy, từ đầu mùa khô đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 900 vụ sụt lún, sạt lở đất. Trong đó, có những công trình giao thông quan trọng của tỉnh bị thiệt hại. Vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 vừa qua, liên tiếp 2 vụ sụt lún đất đã xảy ra trên tuyến đường Tắc thủ - Đá Bạc. Hai đoạn sụt lún có chiều dài khoảng 50m, lún sâu khoảng 2m và làm hư hỏng mặt đường từ 2-5m, tùy vị trí. Chính quyền địa phương đã cấm các loại xe trọng tải lớn lưu thông trên tuyến đường này.

Đặc biệt, vào ngày 18-2, tuyến đường phòng hộ đê biển Tây (đoạn Đá Bạc - Kênh Mới, thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) cũng bị sụt lún nghiêm trọng. Khoảng 100m đường đê phòng hộ (bao gồm toàn bộ phần mặt đường 5,5m và lề đường mỗi bên khoảng 1m) bị lún xuống sâu khoảng 2m. Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đoạn sụt lún này nằm trong Dự án nâng cấp đê biển Tây của tỉnh, mỗi ki-lô-mét có giá trị đầu tư khoảng 10 tỉ đồng. Nối tiếp đoạn sụt lún hiện hữu, có thể tiếp tục xảy ra lún. UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo nhanh chóng làm rõ nguyên nhân để khẩn trương khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho vùng ngọt hóa trước khi mùa mưa bão đến. “Chúng tôi hoàn thành đoạn đê biển này trong năm 2019, vừa qua đi kiểm tra vẫn an toàn. Tuy nhiên, mùa khô hạn năm nay khắc nghiệt quá, đã gây ra sụt lún cục bộ. Tại hiện trường ghi nhận bùn từ dưới đáy trồi lên lòng kênh. Có thể tuyến kênh này quá khô, không còn lượng nước để phản áp lại, còn bên dưới đê có túi bùn nên bị sụt lún” - ông Nam nhận định nguyên nhân ban đầu của vụ sụt lún.

Bài, ảnh: Hiếu Nghĩa

Chia sẻ bài viết