29/05/2021 - 17:47

Hai thế lực lớn của bóng đá Anh 

Chelsea và Man City đã thống trị bóng đá xứ sương mù trong thập niên qua, với tổng cộng 7 lần vô địch Ngoại hạng Anh (EPL). Ðiều này sẽ còn tiếp diễn bởi những yếu tố sau đây.

Chuyển nhượng cầu thủ

Khi phân tích những yếu tố chính đứng sau sự trỗi dậy của Chelsea và Man City, chi tiền trên thị trường chuyển nhượng luôn là yếu tố hàng đầu. Cả hai đội bóng này đã thay đổi diện mạo bóng đá bằng những khoản đầu tư lớn vào các cầu thủ. Với 315 triệu USD rót vào phiên chợ hè năm ngoái, Chelsea đã nâng tổng số tiền chiêu mộ cầu thủ kể từ khi tỉ phú Roman Abramovich mua lại CLB vào năm 2003 lên hơn 2,8 tỉ USD. Trong khi đó, Man City đã chi hơn 2,4 tỉ USD để mua sắm cầu thủ trong 13 năm tính từ lúc ông Sheikh Mansour trở thành chủ sở hữu đội bóng này năm 2008. Trong thập niên qua, chi tiêu ròng của Man City (tổng số tiền mua cầu thủ trừ đi tiền bán cầu thủ) là 1,3 tỉ USD, cao nhất ở EPL giai đoạn đó. Con số này của Chelsea là 581 triệu USD.

Man City (trái) và Chelsea tạo nên trận Chung kết Champions League 2020-2021 toàn Anh. Ảnh: besoccer

Phát triển tài năng trẻ

Những năm đầu dưới triều đại Abramovich, Chelsea đã chú trọng đào tạo cầu thủ trẻ và đến nay chứng kiến 46 “sản phẩm” thi đấu cho đội một. Kể từ năm 2010 đến nay, Chelsea đã giành được 7 danh hiệu FA Youth Cup và 2 lần là Á quân. U19 Chelsea cũng lên ngôi UEFA Youth League vào năm 2015 và 2016.

Trong khi đó, Man City học hỏi cách đào tạo cầu thủ trẻ của Chelsea và cũng đang gặt hái những “quả ngọt” mà một trong số đó là Phil Foden. Kể từ năm 2008, có 44 tài năng trẻ ở học viện đã được đôn lên đội một. Trong 10 năm qua, Man City chỉ mới giành 1 danh hiệu FA Youth Cup. Mùa này, “The Citizens” lên ngôi U23 và U18 Premier League.

Những nhân vật tài ba

Khi ông Abramovich mua lại Chelsea, Marina Granovskaia được chuyển sang làm việc tại đội bóng thành Luân Ðôn, nhưng chủ yếu quản lý điều hành với các công việc hành chính. Mãi gần đây, bà mới được toàn quyền trong chức vụ Giám đốc điều hành và quản lý toàn bộ công tác chuyển nhượng theo quan điểm của mình, thay vì phụ thuộc hoặc bị phản đối từ những chuyên gia khác của CLB. Nhờ tài nhạy bén và sắc sảo trong kinh doanh, “bóng hồng” 46 tuổi này từng bước trở thành “người phụ nữ quyền lực nhất tại EPL”. Ðặc biệt qua các phi vụ chuyển nhượng khôn ngoan, Granovskaia giúp Chelsea chỉ trong vài mùa bóng trở lại đây thu lợi cực lớn.

Còn tại Man City, Chủ tịch Khaldoon al Mubarak từng giám sát việc thuê Ferran Soriano và Txiki Begiristain lần lượt làm Giám đốc điều hành và Giám đốc thể thao vào năm 2012. Các nguồn tin tiết lộ HLV Pep Guardiola chuyển đến dẫn dắt Man City năm 2016 là để được làm việc với Soriano và Begiristain (những sếp cũ của Barcelona), nhưng chiến lược gia này đồng ý ký hợp đồng mới hồi cuối năm ngoái là vì khâm phục ông Mubarak. Mubarak và Soriano đóng vai trò quan trọng đối với thành công của đội chủ sân Etihad.

Với việc Chelsea và Man City đều đã đoạt vé dự Champions League mùa tới, đang được lèo lái bởi những thuyền trưởng giỏi và được hậu thuẫn bởi những ông chủ siêu giàu, giai đoạn thống trị bóng đá Anh của hai đội bóng này có thể kéo dài 10 năm nữa.

13 trong số 22 danh hiệu lớn của Man City giành được là kể từ khi tỉ phú Mansour “thâu tóm” đội bóng. 16/26 danh hiệu lớn của Chelsea có được cũng là kể từ khi Abramovich lên nắm quyền.

BÌNH DƯƠNG (Theo ESPN)

Chia sẻ bài viết