20/01/2019 - 08:49

Đầu tư chiếu sáng đô thị TP Cần Thơ

Hài hòa cảnh quan, tiết kiệm năng lượng 

Quyết định số 3183/QĐ-UBND ngày 5-12-2018 của UBND TP Cần Thơ về “Quy hoạch chiếu sáng đô thị TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã xác định rõ mục tiêu phát triển thành phố bền vững, sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng góp phần thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện đặc trưng của thành phố. Đây là cơ sở để thành phố triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống chiếu sáng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, hài hòa với cảnh quan kiến trúc đô thị.

Đèn nghệ thuật trang trí tại  vòng xoay Đại lộ Hòa Bình.

Mục tiêu cụ thể của quy hoạch chiếu sáng đô thị TP Cần Thơ là nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị; sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện. Nghiên cứu và từng bước sử dụng năng lượng mặt trời trong chiếu sáng đô thị đảm bảo 100% các công trình giao thông không gian công cộng và quảng cáo trên địa bàn thành phố (bao gồm công trình xây mới, cải tạo và nâng cấp) sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao tiết kiệm điện.

Theo đó, đến năm 2030 phấn đấu từ 30-50% các công trình chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời đạt tiêu chuẩn. Từng bước nâng tỷ lệ chiếu sáng đường phố đến năm 2030 tại các quận huyện đạt 100% chiều dài đường; tại các thị trấn đạt từ 85-90% chiều dài các tuyến đường phố chính; đường phố khu vực tỷ lệ chiếu sáng ngõ hẻm đạt 75%.

Theo bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Cần Thơ, trong quy hoạch chiếu sáng đô thị, các công trình giao thông được chiếu sáng đầy đủ với các chức năng định vị và dẫn đường. Thiết kế chiếu sáng có tính thẩm mỹ cao, thuận tiện và an toàn trong quá trình sử dụng. Chiếu sáng không gian công cộng đô thị, chiếu sáng quảng cáo trang trí phải đảm bảo các yêu cầu về ánh sáng, an toàn, góp phần bảo vệ an ninh, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan tăng vẻ mỹ quan đô thị, góp phần thu hút khách du lịch và các dự án đầu tư lĩnh vực du lịch của thành phố.

Các giải pháp quy hoạch chiếu sáng bao gồm: chiếu sáng giao thông đô thị, chiếu sáng không gian công cộng trong đô thị như công viên, vườn hoa, đài tưởng niệm, trục đi bộ, cầu cảnh quan đi bộ, chợ đêm. Chiếu sáng mặt ngoài công trình; chiếu sáng trang trí lễ hội, chiếu sáng quảng cáo… Trong đó, chiếu sáng giao thông đô thị tập trung vào các trục cảnh quan đô thị với các tuyến đường trung tâm như: Hòa Bình, Ba Mươi Tháng Tư, Ba Tháng Hai, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Cách Mạng Tháng Tám, Võ Nguyên Giáp, Quang Trung- Cái Cui... Chiếu sáng hệ thống cầu như cầu Cần Thơ, cầu Quang Trung, cầu Trần Hoàng Na, cầu Cái Răng…

Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, chia sẻ: Hiện nay, hệ thống chiếu sáng trên địa bàn quận ngoài phục vụ chiếu sáng giao thông đô thị còn mang ý nghĩa tạo cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch. Trong các dịp lễ, Tết, bên cạnh đường đèn nghệ thuật được thành phố đầu tư, quận cũng chủ động trang trí đèn nghệ thuật chiếu sáng cảnh quan ở khu vực hồ Xáng Thổi và các cầu giao thông bắc qua rạch Khai Luông và rạch Cái Khế như: cầu Cái Khế, cầu Ninh Kiều, cầu Rạch Ngỗng, cầu Xô Viết Nghệ Tĩnh, cầu đi bộ Bến Ninh Kiều. Quận cũng đang đề xuất với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thay mới hệ thống đèn giao thông trên địa bàn sang sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng nhằm tạo tính đồng bộ về hệ thống chiếu sáng đô thị, cảnh quan trên địa bàn.

Theo quy hoạch chiếu sáng đô thị của thành phố, về phân kỳ đầu tư, giai đoạn 2018-2025 thay thế hệ thống đèn cao áp hiện hữu bằng đèn led kết hợp nhằm hệ thống hóa đường dây cấp điện chiếu sáng trên các trục đường chính, đường khu vực trên địa bàn thành phố; đặc biệt là tại quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, thị trấn Phong Điền. Đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng cảnh quan, chiếu sáng trang trí các công trình như cầu Quang Trung, cầu Trần Hoàng Na, tuyến công viên dọc sông Cần Thơ, ven sông Hậu, cặp rạch Khai Luông, công viên ven hồ điều hòa, quảng trường, trục đi bộ, các trục cảnh quan chính của đô thị, các công trình điểm nhấn, kiến trúc tiêu biểu. Xây dựng trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng cho từng quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, thị trấn Phong Điền với trung tâm điều khiển chính đặt tại Ninh Kiều.

Quy hoạch cùng hướng đến đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý. Giai đoạn 2025-2030 định hướng đến năm 2050 sẽ hoàn thành việc thay thế toàn bộ các bộ đèn cao áp chiếu sáng công cộng hiện hữu bằng đèn led tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố; hoàn thành việc hạ ngầm toàn bộ đường dây cáp điện chiếu sáng. Xây dựng kết nối hệ thống chiếu sáng từ các đô thị thuộc huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ về trung tâm điều khiển chiếu sáng của thành phố.

Dự kiến nguồn vốn đầu tư hệ thống chiếu sáng đô thị bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn hợp tác công tư (PPP), vốn xã hội hóa, vốn vay ODA, vốn tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư, vay thương mại trong nước. Bên cạnh đó là nguồn vốn tự có của các đơn vị quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư và người thụ hưởng của dự án.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, quy hoạch hệ thống chiếu sáng đô thị đã xác định rõ tầm nhìn chiến lược về chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố đến năm 2030 và đến năm 2050. Qua đó, đề xuất kế hoạch lộ trình giải pháp và xác định nguồn lực thực hiện theo quy hoạch làm cơ sở cho việc lập các dự án đầu tư xây dựng mới cải tạo nâng cấp hệ thống chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố. Thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp với Sở Xây dựng trong việc thẩm định các dự án đầu tư hạ tầng chiếu sáng đô thị tại các quận huyện. Theo đó yêu cầu các đơn vị khi xây dựng dự án phải tuân thủ việc chuyển đổi sang sử dụng đèn led tiết kiệm điện thì ngành hữu quan mới tiến hành phê duyệt, thông qua dự án.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết