Nhiều triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về Hà Nội xưa và nay được tổ chức bằng hình thức trực tuyến dịp kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2021). Các triển lãm đã giúp người xem thêm hiểu và yêu Thủ đô ngàn năm văn hiến - thành phố vì hòa bình - trái tim của cả nước.

Quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn.
Nổi bật là triển lãm trực tuyến “Ký ức Hà Nội” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Triển lãm trưng bày 25 tác phẩm hội họa, đồ họa bằng các chất liệu như sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, chì, khắc gỗ… được lựa chọn trong bộ sưu tập của bảo tàng.
Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng sáng tác, đề tài hấp dẫn trong nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Trong mỹ thuật, các họa sĩ đã sáng tạo các tác phẩm giá trị, đậm chất hiện thực, khắc họa những hình ảnh sống động, chân thực và sâu sắc về Thủ đô. 25 tác phẩm đã đưa người xem về với những ngày tháng lịch sử, khi Hà Nội kiên cường, anh dũng kháng chiến.
Qua các tác phẩm ký họa, trực họa, các tác phẩm đã in đậm trong lòng công chúng: “Kháng chiến (cảnh tiêu thổ)” của tác giả Lê Quốc Lộc, “Thủ đô kháng chiến” của tác giả Nguyễn Quang Phòng, “Chiến lũy” của tác giả Lê Anh Vân... Và còn có những bức vẽ mang đến cho người xem cảm giác như vỡ òa cùng niềm vui chiến thắng, Thủ đô rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về qua “Hà Nội đêm giải phóng” của tác giả Lê Thanh Ðức, “Phố Hàng Ðường” của tác giả Trịnh Hữu Ngọc, “Niềm vui giải phóng” của Trần Khánh Chương... “Những ký ức về một thời hào hùng của quân và dân Thủ đô luôn mang đến những cảm xúc đầy tự hào cho người xem. Các họa sĩ đã khơi dậy cảm xúc tự hào đó”, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu.
Một triển lãm trực tuyến khác cũng rất hấp dẫn là “Hồ Gươm, giao lộ Ðông - Tây”, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức. Triển lãm mang đến cho người xem cái nhìn toàn diện về sự thay đổi của Hồ Gươm suốt hơn 1 thế kỷ qua với hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ được giới thiệu.
Với 3 cụm chủ đề: “Quá trình thay đổi diện mạo Hồ Gươm”, “Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử Hồ Gươm” và “Hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí”, người xem thêm yêu nơi được xem là “trái tim Hà Nội” với “mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời”, với vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn và sôi động. Với vị trí đắc địa, Hồ Gươm đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang thành phố Hà Nội ngay khi họ đặt chân đến mảnh đất này. Qua đó, Hồ Gươm như một giao lộ kết nối kiến trúc và văn hóa Ðông - Tây. Những kiến trúc Tây phương cổ kính, hòa cùng những công trình của người Việt ngàn năm trên đất Thăng Long - Hà Nội, tất cả điểm xuyết cho nét đẹp Thủ đô và Hồ Gươm.

Nếu muốn hiểu hơn về Thủ đô Hà Nội hôm nay, công chúng có thể xem triển lãm ảnh Hà Nội trong tôi lần thứ 16 - năm 2021 bằng hình thức trực tuyến với chủ đề “Hà Nội - Những ngày không quên”. Hơn 90 tác phẩm ảnh được chia làm 3 phần: “Ðồng lòng chống dịch”, “Hà Nội - Những ngày giãn cách” và “Tình người Hà Nội”. Ðây là các tác phẩm của nhiếp ảnh gia, nhà báo... ghi lại những hình ảnh đáng nhớ của Thủ đô trong những ngày tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Những tác phẩm ảnh nghệ thuật đầy tính thời sự, thể hiện sự chung lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân Thủ đô trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và những nghĩa tình dành cho nhau để vượt qua khó khăn mùa dịch.
“Hà Nội một trái tim hồng”, Thủ đô “linh thiêng và hào hoa” mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19, những triển lãm trực tuyến về Hà Nội đã khơi dậy trong mỗi người niềm tự hào, tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn. Ðể ngàn đời ta hát vang: “Hà Nội mến yêu của ta. Thủ đô mến yêu của ta. Là ngôi sao Mai rạng rỡ...” như lời ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân.
Bài, ảnh: DUY KHÔI