10/07/2014 - 09:24

Hà Lan – Argentina 0-0 (penalty 2-4)
“Vũ điệu Tango” nhấn chìm “lốc da cam” ở loạt đá penalty

Đội tuyển Hà Lan và đội tuyển Argentina đều có hàng tấn công “khủng”, nhưng trước ngưỡng cửa vào trận quyết đấu tranh ngôi vương chỉ còn một “bước chân” nên cả hai nhập cuộc khá thận trọng. Trước bài học của đội chủ nhà Brazil, hai đội đều tổ chức phòng ngự chặt chẽ ở sân nhà trước khi tổ chức tấn công về phía khung thành của đối phương. Chính sự thận trọng đã đưa họ đến loạt penalty đầy mai rủi để giành quyền chơi trận chung kết. Kết quả, các cầu thủ Argentina tỉnh táo hơn và giành chiến thắng 4-2 trước các cầu thủ Hà Lan.

Sau những phút đầu tiên muốn đánh phủ đầu các cầu thủ Argentina bằng những pha bóng pressing, các cầu thủ Hà Lan trở lại với lối chơi quen thuộc: tổ chức phòng ngự chặt chẽ ở sân nhà và chớp thời cơ tấn công nhanh về phía khung thành đối phương. Bộ ba huyền thoại V. Persie- Sneijder-Robben liên tục di chuyển để nhận các đường chuyền dài vượt tuyến bất ngờ của đồng đội, buộc hàng phòng ngự của Argentina phải làm việc hết công suất. Tuy nhiên, cặp trung vệ M. Demichelis- E. Garay đã thi đấu rất tập trung, tạo nên thế trận phòng ngự chủ động cho các vũ công Tango nên những pha tấn công của “cơn lốc màu da cam” thường phải kết thúc trước vạch 16m50 của thủ môn S. Romero (Argenrina). Áp sát khung thành không khả thi, Sneijder, Persie nhiều lần tổ chức dứt điểm từ xa nhưng cũng không hiệu quả.

Messi (10- Argentina) được tuyến phòng ngự Hà Lan “chăm sóc” rất tốt.

Cũng như trận gặp Bỉ, ở trận này, Messi lại được HLV A. Sabella chỉ đạo chơi lùi khá xa khung thành của thủ môn Cillessen (1-Hà Lan) để kéo giãn đội hình phòng ngự của Hà Lan. Tuy nhiên, nhận biết được sự nguy hiểm của Messi, các cầu thủ phòng ngự Hà Lan tổ chức “bắt” Messi rất chặt, khiến cầu thủ chủ công của Argentina khó phát huy được khả năng. Các cầu thủ Argentina thường sử dụng những đường chuyền dài vượt tuyến để xuyên thủng tuyến phòng ngự dày đặc của Hà Lan. Các pha tấn công của Argentina trong trận đấu này thường khởi phát từ Mascherano. Những đường chuyền của Mascherano cho Messi tổ chức tấn công khá chính xác và có tính hợp lý cao. Tuy nhiên, do Messi bị bao vây chặt và nhất là thiếu A. Maria (bị chấn thương)- mắc xích quan trọng gắn kết tuyến tiền vệ với các chân sút- nên số 10 của Argentina thiếu bóng để tấn công hoặc chuyền bóng “dọn cỗ” cho đồng đội. Messi vừa đóng vai trò ghi bàn, vừa phải điều tiết trận đấu nên sức mạnh tấn công của các vũ công Tango suy giảm hẳn.

Sự thận trọng của các HLV, thế trận phòng ngự kín kẽ của cầu thủ hai đội, khiến các ngôi sao của Argentina lẫn Hà Lan đều bị cô độc trong đội hình và không có cơ hội để tỏa sáng. Messi mất hút trong tuyến phòng ngự của Hà Lan; còn Persie, Robben cũng rất ít có bóng để tấn công về phía khung thành Argentina. Thế trận giằng co, tranh chấp bóng quyết liệt ở khu trung tuyến được hai đội duy trì đến hết 45 phút đầu tiên của trận đấu. Các pha dứt điểm của cầu thủ hai đội đều kết thúc trước khi đến khu vực cấm địa của đối phương. Chưa có đội nào tạo ra được cơ hội ghi bàn rõ ràng. Trong 45 phút, đội tuyển Hà Lan chỉ có 1 lần sút bóng, nhưng không trúng hướng cầu môn; còn đội tuyển Agentina cũng tạo được 3 cú sút, trong đó có 1 cú sút về phía cầu môn.

Đầu hiệp 2, HLV Van Gaal có sự thay đổi nhân sự, khi tung D. Janmaat vào, thay B. Martins. Ông cũng thay đổi về lối chơi khi chuyển sang tấn công mạnh mẽ hơn về phía khung thành thủ môn S. Romero (1- Argenrina). Các cầu thủ Hà Lan thường xuyên tổ chức lên bóng từ hai cánh, với những đường chuyền dài, nhưng vẫn chưa có “cơn lốc” thật sự nào được tạo ra. Trong khi đó, đội tuyển Argentina chuyển sang lối đá không có trung phong bởi vì cả Messi, Higuain, Lavezzi đều di chuyển và hoán đổi vị trí cho nhau liên tục để làm náo loạn tuyến phòng ngự của Hà Lan. Messi cũng bắt đầu chịu sử dụng kỹ thuật cá nhân để áp sát khung thành Cillessen, nhưng anh vẫn không thoát khỏi sự truy cản của 2- 3 cầu thủ Hà Lan. Thế trận giằng co vẫn được hai đội duy trì ở khu vực giữa sân, chưa đội nào dám mạo hiểm dâng cao đội hình nên sức ép mà họ tạo ra chưa đủ để làm nên những pha bóng nguy hiểm thật sự.

Chiến lược gia Van Gaal tiếp tục tung J. Clasie, cầu thủ chưa từng thi đấu trận nào ở vòng chung kết World Cup năm nay vào sân nhằm tạo sự khác biệt. Khác với những trận đấu trước, chiến thuật thay đổi nhân sự của ông ở trận này chưa phát huy hiệu quả. Trong khi đó, mọi thứ đi vào ngõ cụt. Phút 80, HLV A. Sabella làm cuộc cánh mạng ở hàng công khi tung cùng lúc 2 tiền đạo S. Aguero, R. Palacio vào sân thay tiền vệ E.Perez và tiền đạo G. Higuain. Cả hai HLV đều đã tăng cường tấn công nhưng nỗ lực giải quyết trận đấu trong 90 phút bất thành, hai đội buộc phải vào thi đấu hai hiệp phụ.

Sân vận động Sao Paulo có mưa to, lối chơi kỹ thuật của cầu thủ hai đội bị ảnh hưởng khá nhiều. Trận đấu càng trôi về thời gian quyết định, khi mà mọi sai lầm dù nhỏ cũng không có cơ hội sửa sai, hai đội càng chơi thận trọng hơn. Do đó, trong cả hai hiệp phụ, hai đội đều không dám đột phát về lối chơi nên cũng không ghi được bàn thắng và phải bước vào loạt đá luân lưu nghẹt thở trên chấm 11.

Ở loạt đá penalty, đội tuyển Argentina sút thành công 4 lần; trong khi đó, các cầu thủ Hà Lan chỉ có 2 lần thành công. Thủ môn S. Romero (1-Argenrina) trở thành người hùng đưa đội tuyển Argentina vào thi đấu trận chung kết với đội tuyển Đức, khi cản phá thành công hai cú sút penalty của hai cầu thủ kỳ cựu của Hà Lan là R. Alaar và Sneijder. Đội tuyển Hà Lan sẽ gặp đội tuyển chủ nhà Brazil trong trận tranh hạng ba.

Quang Khuê

Trong vòng vây của các cầu thủ Argentia, Van Persie (9- Hà Lan) không thể thi đấu tốt hơn.

Pha tranh chấp bóng quyết liệt giữa cầu thủ hai đội.

Các cầu thủ Argentina ăn mừng chiến thắng trước đội tuyển Hà Lan sau loạt đá penalty.

Thủ môn S. Romero (1-Argenrina) trở thành người hùng của đội tuyển Argentina.

Chia sẻ bài viết