27/08/2008 - 07:55

Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Góp ý dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và dự thảo Luật cơ quan đại diện nước CHXNCNVN ở nước ngoài

Sáng 26-8, tiếp tục phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, các Ủy viên Ủy ban đã thảo luận về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tập trung vào các nội dung: đối tượng chịu thuế, mức thuế suất, căn cứ tính thuế, thẩm quyền điều chỉnh thuế suất và việc miễn giảm thuế.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là loại thuế gián thu, thu vào một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước cần điều tiết thu nhập và hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng. Luật thuế TTĐB sau quá trình thực hiện đã có tác động tích cực đến nền kinh tế - xã hội của đất nước và đã đạt được những mục tiêu đề ra. Tuy nhiên trước bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, bên cạnh một số ưu điểm, Luật thuế TTĐB vẫn còn bộc lộ một số vấn đề cần phải xem xét để tiếp tục hoàn thiện. Dự thảo lần này bổ sung ô tô dưới 24 chỗ ngồi vừa chở người vừa chở hàng; các chế phẩm từ lá thuốc lá; mô tô có dung tích xi lanh từ 175 phân khối trở lên; tàu bay và du thuyền (trừ tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch) vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Đồng thời quy định thuế suất cụ thể đối với mặt hàng rượu, bia; ô tô; tàu bay và du thuyền; kinh doanh vũ trường, mát-xa, ka-ra-ô-kê; dịch vụ casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược; kinh doanh gôn...

Dự kiến, Luật thuế TTĐB (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-4-2009. Riêng đối với mặt hàng rượu, bia, để bảo đảm có đủ thời gian cho các doanh nghiệp điều chỉnh cơ cấu sản xuất và thực hiện đúng lộ trình đã cam kết về thuế TTĐB khi gia nhập WTO, áp dụng thuế suất mới từ ngày 1-1-2010. Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) gồm 4 Chương, 11 Điều.

Bày tỏ quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng mức độ mở rộng đối tượng chịu thuế trong Dự thảo luật còn thấp; mới chỉ bổ sung du thuyền, tàu bay, môtô có dung tích 175 cc vào đối tượng chịu thuế. Ngoài ra, trong Dự thảo luật quy định đối tượng không thuộc diện chịu thuế quá rộng so với luật hiện hành và điều đáng lưu ý là qua thực tế thi hành Luật, đã phát sinh việc lợi dụng các quy định này để trốn thuế (ô tô vừa có chỗ đứng, vừa có chỗ ngồi; ôtô sử dụng đa mục đích...), cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi.

Ông Hiển nhận xét, việc điều chỉnh thuế suất đối với một số mặt hàng còn mang tính đột biến (như: thuế suất về rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ tăng từ 30% lên 55%, tăng 83%, thuế suất đối với ô tô từ 6 đến 9 chỗ ngồi có dung tích xilanh trên 3000cc tăng từ 30% lên 70%, gấp hơn 2 lần) sẽ gây biến động cho thị trường và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, riêng đối với mặt hàng bia, việc sửa đổi Luật thuế TTĐB dẫn đến giảm thu NSNN 1.500 tỉ/năm.

Đa số Ủy viên Ủy ban đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh thuế suất nhằm tránh gây đột biến trong sản xuất, tiêu dùng và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế đất nước trong thời điểm lạm phát hiện nay.

* Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 11, cho ý kiến lần đầu về Dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là Luật CQĐD), trên cơ sở Tờ trình của Bộ Ngoại giao - cơ quan được giao trách nhiệm vụ soạn thảo và Báo cáo thẩm định của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Các thành viên UBTVQH nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật CQĐD. Bởi trong hệ thống pháp luật hiện hành đã có Pháp lệnh CQĐD nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài và Pháp lệnh lãnh sự. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện, nhiều quy định của hai Pháp lệnh này đã bộc lộ sự thiếu nhất quán và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động của các CQĐD. Các thành viên trong UBTVQH cho rằng Dự thảo Luật đã cơ bản thể hiện được quan điểm, đường lối và các nguyên tắc vận dụng chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại trong thời kỳ mới, góp phần nêu cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các thành viên UBTVQH cũng cho rằng trong Tờ trình Quốc hội, Ban soạn thảo cần trình bày rõ thêm về cơ cấu tổ chức bộ máy của CQĐD, trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu CQĐD ở nước ngoài; sự phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc cử người tham gia CQĐD...

Dự thảo Luật này sẽ được UBTVQH tiếp tục xem xét, cho ý kiến để hoàn thiện trình Quốc hội khóa XII vào kỳ họp thứ 4.

BÍCH THỦY - PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết