08/06/2009 - 08:30

Góp tiếng nói xóa bỏ lao động tồi tệ với trẻ em gái

Ngày 7-6, tại Hà Nội, hơn 50 trẻ em đến từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ, trung tâm dạy nghề Nhân Đạo KOTO, trường trung học du lịch Hoa Sữa đã có cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn với đại diện lãnh đạo Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO tại Việt Nam) về chủ đề “Cơ hội cho trẻ em gái - xóa bỏ lao động đối với trẻ em”.

Hoạt động ý nghĩa này do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với ILO Việt Nam tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày thế giới chống lao động trẻ em (12-6).

Tiến sĩ Nguyễn Đình Tôn (Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam) cho biết: Hiện nay nước ta có trên 3 triệu trẻ em hoàn cảnh khó khăn, trong đó hơn 9 nghìn em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; khoảng 10.600 em phải lang thang kiếm sống; gần 800 em làm việc xa gia đình. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ trẻ em gái nằm trong số đó là khá lớn. Những trẻ em này thường phát triển không toàn diện, sớm phải gánh vác, lao động cơ bắp, thui chột về sức khoẻ, kiến thức, kỹ năng và lao động kỹ thuật. Do thiếu thốn về tình cảm nên chúng dễ có hành động vô thức, bộc phát, ảnh hưởng xấu đến gia đình và cộng đồng.

Tại hội thảo, các em cũng đã tâm sự về hoàn cảnh của mình hay những gì mình được chứng kiến hàng ngày trong cuộc sống với mong muốn góp một tiếng nói xóa bỏ lao động tồi tệ với trẻ em. Nhiều em trong số này đã từng là trẻ em lang thang, phải tự mình bươn chải kiếm sống. Song hiện nay, nhờ sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm, của các tổ chức dạy nghề nhân đạo như Hoa Sữa, KOTO, các em đã có cơ hội được đi học, được dạy nghề như bao bạn nhỏ khác.

Nhiều giải pháp đã được các chuyên gia và các em nêu ra nhằm tạo cơ hội được học tập, vui chơi và cải thiện cuộc sống cho trẻ em lao động sớm, nhất là trẻ em gái như: tăng cường các hoạt động tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ trẻ em gái giải quyết việc làm; tăng các dịch vụ xã hội và tạo quyền bình đẳng cho mọi trẻ em, không phân biệt giới tính; nghiên cứu, xây dựng và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về việc xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân sử dụng lao động trẻ em làm những công việc nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm….

VIỆT HÀ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết