03/01/2021 - 08:32

Góp thêm tư liệu khi trích dẫn “Đại Nam nhất thống chí” trong sưu khảo 

Rất nhiều nhà sưu khảo sử dụng bộ “Đại Nam nhất thống chí” được biên soạn dưới thời vua Tự Đức như tài liệu tin cẩn nhất. Nhưng theo cụ Trần Văn Giáp, sách này khởi thảo từ năm 1865 đến năm 1882 mới kết thúc, nhưng chưa được chuẩn phê; đòi hỏi nhà nghiên cứu phải cẩn trọng và đối chiếu nhiều tư liệu để sử dụng bộ sách này một cách chính xác.

Một góc Tân Châu. Ảnh: Vĩnh Thôn

Cụ Trần Văn Giáp trong “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm”, tập I, NXB Văn hóa Hà Nội, 1984, tr.362, cho biết: Khi bản thảo sách “Ðại Nam nhất thống chí” làm xong, các quan trong Sử quán tâu xin đưa khắc in, vua Tự Ðức bảo: “Cần làm thật kỹ rồi hãy khắc, để tránh khỏi bị chê cười về sau”. Vua lại sai làm tập bổ biên. Thế rồi bổ biên chưa kịp tiến hành thì xảy ra việc lộn xộn năm Hàm Nghi thứ I (1885), bản thảo bị thất lạc. Ðáng kể là phần viết về 6 tỉnh phía Nam, thời xưa gọi là Nam Kỳ lục tỉnh, hình như triều đình Huế không kể đến nữa sau khi người Pháp chiếm cứ hết các tỉnh miền Tây (1867). Năm 1909 Sử quán Huế soạn lại bộ “Ðại Nam nhất thống chí” và đem khắc in lại chỉ thu hẹp trong các tỉnh Trung Kỳ gồm 12 tỉnh và 1 đạo, không nói tới Nam Kỳ. Còn học giả Lê Thọ Xuân thì từng nhắc các nhà sưu khảo, đại ý rằng: Tác giả cứ chép theo sách của Lê Quang Ðịnh và Trịnh Hoài Ðức rồi thêm chút ít điều xảy ra sau thời họ Lê, họ Trịnh… điều này có lúc đã gây cho người hiếu học nhiều lầm lạc về kiến thức khó sửa chữa.

Trong viết soạn, tất nhiên nhà khảo cứu phải tôn trọng tư liệu lịch sử, đồng thời cần soi rọi để điều chỉnh sai sót, tránh cho điều sai sót đó di họa vào văn học và sử học. Với tư tưởng đó, tác giả Trương Minh Ðạt trong “Nghiên cứu Hà Tiên” đã nêu hàng loạt sai lệch trong “Ðại Nam nhất thống chí”, phần tỉnh Hà Tiên cũ. Ðể góp thêm tư liệu, bài viết ngắn này xin đề cập đến trường hợp sai lệch trong “Ðại Nam nhất thống chí”, tập V, phần tỉnh An Giang, bản dịch Viện Sử học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, H., 1971. Ðó là đoạn chép về sông Tân Châu ở trang 165: “Ở bên cạnh lỵ sở huyện Ðông Xuyên, đường sông từ bảo Tân Châu ở Tiền Giang suốt sang thủ Châu Giang ở Hậu Giang, dài hơn 550 trượng, thượng lưu rộng 6 trượng, hạ lưu rộng 3 trượng, sâu trên dưới 9 thước, khởi công đào từ năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) cho tên là sông Long An, sau đổi tên hiện nay (tức sông Tân Châu)”.      

Sách ghi sông rộng 6 trượng, hạ lưu rộng 3 trượng, sâu trên dưới 9 thước, nhưng về chiều dài hơn 550 trượng là không đúng; mà phải là 3.695 trượng (tương đương trên 15km, cũng sát hợp với đường bộ cặp theo sông từ vàm chí ngọn hiện nay khoảng 17km). Ðiều này đã được ghi chép trong “Ðại Nam thực lục”, tập VI, NXB Giáo dục, trang 571: Giáp Thìn, Thiệu Trị năm thứ 4 (1844), vua dụ Nguyễn Công Nhàn rằng: “Giặc Man dám đắp đồn ở gần, thế phải nên đuổi đánh, chỉ vì đương có việc đào sông (sông Tân Châu) không muốn lại làm mệt sức dân. Các ngươi nên châm chước, tùy tình thế hoãn cấp, trù tính cho hợp sự nghi mà thôi”. Tiếp theo tại trang 593 có ghi: Sông Tân Châu ở tỉnh An Giang đã đào xong. Mùa đông năm ngoái, bắt đầu đào đường sông từ cửa sông Chu [Châu] Giang ngang qua sông Tiền Giang, đến Tân Châu (dài 3.695 trượng), cuối năm thì nghỉ việc; mùa xuân năm nay lại làm. Thuê nhân công làm việc này, cấp cho tiền và gạo. Vừa một tháng thì sông đào xong (trên rộng 6 trượng, dưới rộng 3 trượng, sâu trên dưới 9 thước). Dùng cọc tre (33.300 đoạn; tiền thuê: 63.021 quan, gạo 21.021 phương). Thưởng tất cả cho nhân viên chuyên biện, thừa biện có khác nhau. Trước đặt tên là sông Long An, đến đây đổi gọi là sông Tân Châu. Tuần phủ Nguyễn Công Trứ tâu: “Cửa sông Chu (Châu) Giang cùng đồn Tân Châu cách nhau hơi xa, có một khu đất cao gọi là Giồng Tượng, giặc Thổ thường đến ẩn nấp nơi đây. Vậy xin đặt một đồn ở đất ấy, trích lấy 50 biền binh ở 2 đồn Tân Châu và An Lạc đóng giữ. Lại nên dời đồn Chu (châu) Giang đặt lên phía trên sông Tân Châu, để tiện việc tuần sát”. Vua y cho.

Bờ sông Tân Châu. Ảnh: Vĩnh Thông

Chi tiết chưa chính xác này của “Ðại Nam nhất thống chí” đã được sử dụng trong sách “Tân Châu” (1870-1964), in năm 1966: “Kinh Vĩnh An Hà. Ðúng theo cổ sử thì kinh này gọi “sông Tân Châu” (Tân Châu hà), nằm bên cạnh huyện trị Ðông Xuyên, tức cũng khởi con kinh tại thôn Long Sơn, chỗ quận lỵ Tân Châu bây giờ. Ðường sông (hay kinh) thông từ Tân Châu bảo (trước là Tân Châu đạo, sau đổi ra Tân Châu bảo) ở Tiền Giang đến Châu Giang thủ (phía trên xóm Châu Giang hiện nay ở Hậu Giang). Dài hơn 550 trượng, trên miệng rộng 6 trượng, dưới đáy rộng 3 trượng, sâu 9 thước (thước cổ). Khởi đào vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) và hoàn tất vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845). Kinh này còn có tên là Long An hà, Vĩnh An hà và sau cùng đổi ra Tân Châu hà dưới đời Tự Ðức. Sau đó, một tấm bia khắc bằng chữ nho: “Vĩnh An Hà - Thiệu Trị đệ ngũ - Kiết nhựt tạo” được dựng lên ở tả ngạn vàm kinh… Tác giả chú: Các vị kỳ lão nói lại để lưu niệm công tác đào kinh do dân 3 tỉnh: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên nên người xưa ghép mỗi chữ đầu của mỗi tỉnh thành kinh Vĩnh An Hà”.

Vậy là sách “Tân Châu” (1870-1964) còn đưa thêm cho người đọc một chi tiết cần nghiên cứu nữa. Bởi như trên đã dẫn, chữ “hà” ở đây không phải là tiếng nói rút địa danh Hà Tiên - lúc bấy giờ trải nhiều phen binh lửa, dân đinh tỉnh Hà Tiên còn rất thưa thớt nên không có tham gia đào con sông này - mà nó có nghĩa là “sông” (nên chữ “hà” viết thường, không viết hoa). Về độ dài của sông, sách “Tân Châu” (1870-1964) và một số sách mới xuất bản gần đây, do ghi theo “Ðại Nam nhất thống chí”, nên sai lệch khi ghi nhận hơn 550 trượng trong khi đúng nhất là 3.695 trượng như đã nói ở trên.

Qua đó ta thấy sai sót vừa nêu không thể không gây bận tâm cho người học sử. Vì vậy bài viết này một là “nói lại cho đúng” chi tiết kể trên; quan trọng hơn là góp phần cùng cụ Trần Văn Giáp, học giả Lê Thọ Xuân, nhà nghiên cứu Trần Mạnh Ðạt... bày tỏ đôi điều cùng các nhà nghiên cứu: mỗi khi truyền đạt hay tham khảo sử liệu nên đối chiếu, gạn lọc để góp phần chỉnh sửa những sai sót. Nhà khảo cứu cần cẩn trọng để tránh sai trật truyền đời, hay nói như vua Tự Ðức: “Ðể tránh khỏi bị chê cười về sau”.

Nguyễn Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết