30/05/2009 - 09:35

Ngành giáo dục thành phố thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học

Bài 2: Sửa đổi lối làm việc, tích cực học tập nâng cao trình độ (Tiếp theo và hết)

Bài 1: Chuyển biến mới trong nhận thức và hành động

Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo được những chuyển biến tích cực trong ngành giáo dục thành phố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trong ảnh: Lễ công nhận đạt chuẩn quốc gia của Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều.
Ảnh: L.G

Khi thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các trường không chỉ tích cực học tập tấm gương cần kiệm của Bác, mà còn tập trung sửa đổi lối làm việc, phấn đấu học tập nâng cao trình độ mọi mặt để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của trường, của ngành...

Khi triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban giám hiệu Trường THCS Định Môn, huyện Thới Lai, phối hợp cùng Công đoàn trường xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động. Trong đó, nêu chi tiết từng tháng, từng quí thực hiện những mục tiêu gì và có sơ kết rút kinh nghiệm để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Một trong những nội dung mà trường tập trung thực hiện là sửa đổi lối làm việc, yêu cầu các giáo viên thực hiện đúng chương trình, không cắt xén thời gian, giờ nào việc nấy. Thầy Bùi Văn Trắng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Định Môn, huyện Thới Lai, phấn khởi: “Trước đây, khi đánh trống vào lớp nhiều giáo viên còn “hút cho xong điếu thuốc”, làm mất 5-7 phút của học sinh, trong khi tiết học chỉ có 45 phút. Một số giáo viên lại chọn ngay ngày họp hội đồng để sắp lịch dạy phụ đạo... Từ khi thực hiện Cuộc vận động, 100% giáo viên lên lớp đúng giờ, không còn tình trạng lấy giờ này để làm việc khác nữa”.

Trước khi thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giáo viên Trường Mầm non Sao Mai, quận Ô Môn, thường đến trường lúc 6 giờ 30 phút, nhưng thấy nhiều phụ huynh phải đi làm muộn nên các cô đã tự nguyện đến trước 30 phút để nhiều phụ huynh không trễ giờ làm. Tinh thần trách nhiệm này cũng được giáo viên Trường Mầm non Thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thực hiện khá tốt. Cô Nguyễn Thị Trúc Ly, giáo viên dạy lớp 3 tuổi, nói: “Chỉ một mình mình đi sớm, nhưng giúp nhiều phụ huynh không phải đi làm muộn thì có lợi cho nhiều người”.

Sửa đổi lối làm việc theo gương Bác, không chỉ nâng cao tinh thần trách nhiệm mà giáo viên làm việc khoa học hơn, có nhiều thời gian hơn để học tập, nâng cao trình độ và sáng tạo trong giảng dạy. Cô Nguyễn Thị Triết Khởi, giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Tôi tốt nghiệp lớp Cao đẳng Sư phạm năm 2002, sau thời gian giảng dạy, nhận thấy việc nâng cao trình độ rất cần thiết nên sắp xếp thời gian tham gia học lớp đại học chuyên tu tại Trường Cao đẳng Cần Thơ và đã tốt nghiệp, hiện đang theo lớp Trung cấp Chính trị. Với những kiến thức được học, tôi tự tin hơn trong giảng dạy để tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp”. Năm 2008, cô Triết Khởi đoạt giải Nhì giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, năm học nào học sinh do cô bồi dưỡng cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố.

Phong trào học tập, nâng cao trình độ được toàn ngành phát động và đạt nhiều kết quả khả quan. Chẳng hạn, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, THCS Định Môn có hơn 50% giáo viên có trình độ đại học. Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều) có 6 thạc sĩ và 6 người đang học cao học; Trường THPT Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh) có 1 giáo viên có học vị tiến sĩ, 3 thạc sĩ và 8 người đang học cao học. Là một huyện cách xa trung tâm thành phố, nhưng Vĩnh Thạnh lại đang là nơi có số lượng giáo viên có trình độ sau đại học nhiều nhất thành phố (toàn huyện có 19 cán bộ, giáo viên đã tốt nghiệp và đang theo học thạc sĩ và 1 tiến sĩ).

Khi trình độ chuyên môn nâng lên, giáo viên tự tin hơn trong việc sáng tạo phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng cô Trần Thị Lệ Thủy, giáo viên dạy khối 2, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Ninh Kiều) vẫn dành thời gian học tập hoàn thành lớp cử nhân tiểu học, đang học lớp Trung cấp chính trị. Cô còn tự tìm tòi học hỏi để là người đầu tiên của khối 2 ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Thầy Trần Quang Khiêm, Hiệu trưởng trường, nhận xét: “Tiết học ứng dụng công nghệ thông tin của cô Thủy mang lại nhiều hiệu quả: giúp học sinh hiểu bài hơn và là một tấm gương về tinh thần không ngừng học tập để đổi mới phương pháp giảng dạy của cô”. Cũng lớn tuổi, cũng đạt nhiều thành tích và phấn đấu không ngừng theo gương Bác là cô Nguyễn Thị Quí Tuyết, giáo viên dạy môn Địa lý của Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều). Cô đã mày mò học tập, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để môn Địa lý không còn là môn “ru ngủ” học sinh. Tiết dạy 45 phút của cô luôn là thời gian đắt giá để học sinh khám phá và tiếp thu bài học hiệu quả.

Bên cạnh những nỗ lực về chuyên môn, các trường còn chú trọng thực hiện những biện pháp giáo dục, rèn luyện đạo đức cho học sinh. Bí thư Đoàn trường THPT Thạnh An - Lê Bảo Ngân nói: “Năm qua, trường tổ chức nhiều cuộc thi, nhiều phong trào, như: vượt lên chính mình, rung chuông vàng cấp trường, liên trường, chúng em thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam... thu hút đông đảo đoàn viên, học sinh trong trường tham gia. Qua các phong trào, học sinh đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng học tập tiến bộ”. Còn tại Trường THCS Định Môn, để thực hiện thư viện xanh, ý tưởng sử dụng những chai nước rửa chén đã sử dụng xong để treo trên các cây xanh được các đội viên đưa ra và cùng thực hiện. Học sinh tự tìm những chai nước rửa chén đã là phế liệu ở nhà và trang trí thành những chiếc chai vừa xinh xắn vừa tránh được mưa. Ở Trường Tiểu học Thạnh Quới 1, tập thể giáo viên khối 5 của trường đã tận dụng các loại phế liệu để làm đồ dùng dạy học “Xây dựng hệ thống nước bằng sức gió” đoạt giải Nhất tại Hội thi tự làm đồ dùng dạy học cấp thành phố bậc tiểu học...

Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giáo viên phấn đấu học tập nâng cao trình độ, dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, sáng tạo nên chất lượng giáo dục học sinh cũng nâng lên. So với năm học trước, tỷ lệ học sinh giỏi của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn tăng hơn 5%, 95% học sinh Trường THCS Định Môn đạt điểm trung bình trở lên; 80% học sinh huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh đều có điểm trên trung bình. Các phong trào mũi nhọn ở các đơn vị này cũng đạt và vượt so với những năm học trước. Đặc biệt, nhờ tiết kiệm kinh phí, đầu tư nhiều hơn cho cơ sở vật chất và trang bị máy vi tính cho các trường mà 2 năm học vừa qua huyện Thới Lai và huyện Vĩnh Thạnh đã có học sinh đoạt giải ở kỳ thi tin học trẻ không chuyên cấp thành phố (những năm học trước, các giải thưởng này tập trung vào quận trung tâm)... Các đơn vị giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục nên chất lượng giáo dục chung của toàn ngành giáo dục thành phố cũng nâng lên, năm học 2007-2008, tỷ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT đạt trên 85% (tăng hơn 10%, so với năm học trước); toàn ngành có hơn 50% giáo viên sử dụng máy vi tính để soạn giáo án; tỷ lệ giáo viên đạt và vượt chuẩn đã và đang tăng lên từng năm học...

Bà Huỳnh Thị Ngô Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, nhận xét: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có tác dụng góp phần lập lại kỷ cương trong dạy và học, khuyến khích sức sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, khắc phục các mặt yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng dạy và học. Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo thành phố sẽ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tiếp tục đưa Cuộc vận động đi vào nội dung thiết thực, thúc đẩy phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phát triển sâu rộng, để trong ngành xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tích cực góp phần nâng cao chất lượng sự nghiệp trồng người.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết