22/05/2023 - 10:53

Góp phần đưa giá đất trở về giá trị thực tế khi bỏ khung giá đất 

HOÀNG YẾN

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại hội nghị, có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực xung quanh các vấn đề về khung giá đất, nguyên tắc định giá đất, quyền của người sử dụng đất…

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: CTV

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: CTV

Bỏ khung giá đất được xem là bước đột phá của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có thể khắc phục được những hạn chế, bất cập đang phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Đất đai thời gian qua. Ông Huỳnh Phú Hiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết, việc bỏ khung giá đất đồng nghĩa với việc Nhà nước không áp dụng mức giá đất tối thiểu và tối đa với từng địa phương. UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào các nguyên tắc, phương pháp định giá đất để xác định giá đất. Vì vậy, việc bỏ khung giá đất sẽ giúp giá đất trở về giá trị thực tế; đồng thời, giao quyền chủ động quyết định giá đất về địa phương. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp luật định (không còn quy định phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường như dự thảo trước đây, rất khó áp dụng).

Về bảng giá đất, kiến nghị điều chỉnh xây dựng bảng giá đất từ định kỳ hằng năm thành định kỳ 5 năm. Dự thảo đã bỏ quy định khung giá đất, như vậy giá đất được xây dựng sẽ gần hơn với giá thị trường nên biến động giá hằng năm sẽ không lớn. Do đó, bảng giá đất xây dựng định kỳ hằng năm là không cần thiết, gây tốn kém ngân sách. Trường hợp các khu vực có giá đất biến động lớn trên thị trường thì điều chỉnh, bổ sung. Ngoài ra, cần quy định cụ thể phương pháp xác định giá đất để tránh trường hợp văn bản hướng dẫn xác định giá đất của các cơ quan liên quan mâu thuẫn nhau, rất khó thực hiện.

Về Hội đồng thẩm định giá đất, Dự thảo quy định UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất gồm: đại diện lãnh đạo UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng; Giám đốc Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh và UBND cấp huyện; Ủy ban MTTQVN cấp tỉnh; tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do UBND cấp tỉnh quyết định. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Trung, Chủ tịch Hội Luật gia TP Cần Thơ, xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn, đề nghị thành phần Hội đồng thẩm định giá đất nên hạn chế sự tham gia của đại diện các sở, ngành mà nên thêm vào các chuyên gia, nhà khoa học sẽ khách quan và thuyết phục hơn. 

Bà Lâm Thị Bích Trâm, giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết, Dự thảo quy định người sử dụng đất được thực hiện 8 loại giao dịch về quyền sử dụng đất, bao gồm: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 56 của Dự thảo Luật Nhà ở quy định các thành viên hộ gia đình, cá nhân chỉ được xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, đất ở do được Nhà nước giao hoặc bồi thường để xây dựng nhà ở hoặc cho thuê, mượn của tổ chức cá nhân khác để xây dựng nhà ở. Trong khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có quy định về giao dịch mượn đất hay mượn quyền sử dụng đất. Do đó, đề xuất sửa đổi theo hướng người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) và các giao dịch khác về đất theo quy định của luật khác có liên quan.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định UBND cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp: giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức; giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo; giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao. Tuy nhiên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn có quyền chuyển mục đích sử dụng đất khi thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Dự thảo Luật này. Nhưng nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì UBND cấp tỉnh lại không có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Do đó, đại biểu kiến nghị bổ sung thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của UBND cấp tỉnh đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư.

Chia sẻ bài viết