26/09/2017 - 22:30

Gỡ “nút thắt” cho Đồng bằng sông Cửu Long 

Ngày 26-9, tại TP Cần Thơ, trong “Hội nghị Diên Hồng”, các đại biểu dự hội nghị đã xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn để phát triển bền vững cả vùng ĐBSCL. Gỡ “nút thắt” quan trọng để Chính phủ có quyết sách mới cho vùng ĐBSCL trong thời kỳ mới, Báo Cần Thơ lược ghi ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương tại hội nghị.

Lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành Trung ương tại Phiên thảo luận chiều 26-9. Ảnh: ANH KHOA

PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Tầm nhìn về một ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng

Định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) có ý nghĩa rất quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị này với tầm nhìn về một ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng, gắn kết chặt chẽ với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và tiểu vùng sông Mekong. Trên cơ sở chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của từng lĩnh vực nói riêng, vừa bảo đảm kế thừa những thành tựu phát triển trước đây, truyền thống văn hóa quý báu, kết hợp áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại của thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.

Chính phủ Việt Nam kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thích đáng cả về kỹ thuật và tài chính cho vùng ĐBSCL. Tôi đề nghị cần phải phát huy hơn nữa vai trò của Ủy hội sông Mekong quốc tế, tăng cường chia sẻ thông tin, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước giữa các nước trong lưu vực sông Mekong vì sự thịnh vượng chung của khu vực.

CHỦ TỊCH UBND TP CẦN THƠ VÕ THÀNH THỐNG: Biến thách thức thành cơ hội

Hội nghị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH là sự kiện hết sức quan trọng cho cả vùng ĐBSCL. Là dịp để các đối tác có liên quan cùng nhau thảo luận nhằm đưa ra mô hình chuyển đổi phù hợp cho vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng để phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH.

Thời gian qua, đã có nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu về các giải pháp thích ứng với BĐKH cho vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, việc triển khai công tác thích ứng BĐKH nhìn chung còn bị động, rời rạc, mang tính đơn lẻ và ngắn hạn. Việc lồng ghép ứng phó BĐKH trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các quy hoạch còn lúng túng, chưa đi vào chiều sâu.

Sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong ứng phó BĐKH đôi lúc chưa chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp làm giảm hiệu quả đầu tư, nguồn lực cho ứng phó BĐKH còn hạn chế. Vì vậy, hội nghị này để các đại biểu xem xét một cách thấu đáo, toàn diện, có hệ thống việc chuyển đổi mô hình phát triển để có cơ chế, chính sách và giải pháp mang tính đột phá. Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, phát huy các tiềm năng, lợi thế, biến thách thức thành cơ hội phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL, ứng phó BĐKH.

Sản xuất lúa tại ĐBSCL đang ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu và việc suy giảm lũ và phù sa từ sông Mekong. Ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: Dồn sức cho các công trình chống sạt lở

Trong các giải pháp thích ứng BĐKH, thì giải pháp thủy lợi được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Nếu như trước đây, vùng ĐBSCL khai thác nguồn tài nguyên nước theo chiều rộng thì nay cần phải cân đối lại nguồn tài nguyên nước, khai thác hợp lý, tiết kiệm, phù hợp từng tiểu vùng để tái cơ cấu nông nghiệp. song song đó, cần rà soát lại hệ thống đê bao trong vùng để điều chỉnh, thích ứng, điều tiết và tận dụng nguồn nước cho sản xuất.

Tuy nhiên, việc thay đổi, phân bố lại hệ thống đê bao phải chuyển đổi từng bước cho phù hợp với sự thay đổi của nguồn nước, từng vùng. Hiện nay, ĐBSCL diễn biến sạt lở rất nhanh, với 49 điểm/266km bờ biển bị sạt lở; 513 điểm/520km điểm sạt lở bờ sông, trong đó có 40 điểm/131km bờ sông sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh mạng, sản xuất, kinh doanh, tài sản của người dân.

Trước mắt, các địa phương và Bộ NN&PTNT sẽ dồn sức bằng các giải pháp tập trung triển khai các công trình và phi công trình để ứng phó, ngăn chặn sạt lở. Về lâu dài, sẽ khảo sát, đánh giá hiện trạng và lập quy hoạch trình Chính phủ xem xét, phê duyệt thực hiện các giải pháp (gồm cả giải pháp cứng và mềm) theo lộ trình.

THỨ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH TRẦN XUÂN HÀ: Huy động nguồn lực đầu tư cho quá trình chuyển đổi

Giai đoạn 2011-2016, tổng thu ngân sách nhà nước toàn vùng ĐBSCL là 248.830 tỉ đồng, chiếm 4,62% của cả nước, tốc độ tăng thu bình quân 11,5%/năm. Tổng chi ngân sách địa phương quản lý của vùng là 388.764 tỉ đồng, chiếm 13,5% so với tổng chi ngân sách địa phương quản lý của cả nước.

Với nhiệm vụ chi trên thì ngân sách địa phương trên địa bàn ĐBSCL chỉ đáp ứng được 67,6% tổng chi cân đối ngân sách địa phương và chỉ có TP Cần Thơ là địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương.

Để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH cần phải chuyển đổi quy mô lớn về mô hình phát triển ĐBSCL. Để thực hiện được nhiệm vụ này, đối với lĩnh vực tài chính – ngân sách, Trung ương ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương để đầu tư hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; ưu tiên phân bổ vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương để thực hiện các chương trình, dự án (như Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh...). Đồng thời, rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài chính có tính đến yếu tố đặc thù của vùng. Qua đó, giải quyết những nút thắt như cơ chế đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết, giúp huy động tối đa nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL.

CÔNG - KHOA-THỨC (ghi)

Chia sẻ bài viết