10/12/2019 - 20:02

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân

Gỡ điểm nghẽn liên kết “6 nhà” 

Sáng 10-12, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. Thủ tướng khẳng định mục tiêu của hội nghị là tháo gỡ liên kết 6 nhà (nhà nông - Nhà nước - nhà đầu tư - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối) để thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản, nâng cao đời sống bà con nông dân. Thủ tướng, thành viên Chính phủ tiếp thu ý kiến của nông dân và các kiến nghị để chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết các điểm nghẽn.

Giải bài toán vốn, thị trường

Ngoài 2.000 câu hỏi gửi Thủ tướng trước hội nghị, tại hội nghị này có 53 câu hỏi trực tiếp đến Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan. Các câu hỏi tập trung vào vấn đề sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, vấn đề ô nhiễm môi trường, vốn, tích tụ ruộng đất, đầu tư hạ tầng giao thông, logistics, sản xuất theo chuỗi; cơ hội tiếp cận thông tin thị trường, quy hoạch vùng; các chính sách hỗ trợ cho nông dân về khoa học công nghệ. Nhiều câu hỏi của nông dân cũng xoáy trọng tâm vào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, có những chính sách hỗ trợ sát thực tiễn cho nông dân nhưng cấp thừa hành lại triển khai rất chậm. Tình trạng sạt lở, sụt lún, biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến ĐBSCL, giải pháp để giải quyết. Nông dân đề nghị các bộ, ngành và người đứng đầu Chính phủ lý giải cụ thể hơn về các cơ chế, chính sách cho vay vốn đối với nông nghiệp. Làm sao đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn, tạo thêm cơ hội cho dân tiếp cận vốn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng để hạn chế tín dụng đen. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có ngay gói 5.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng; thủ tục cho vay trong ngày, rút ngắn thời gian, dư nợ hiện nay hơn 3.000 tỉ đồng. NHNN đang thực hiện thí điểm và củng cố hệ thống cho vay tiêu dùng, để kênh tài chính này thành kênh cho vay chính thức với lãi suất ưu đãi. Thủ tướng đã có chỉ thị, NHNN đã có văn bản và có 8 ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ 110.000 tỉ đồng cho vay lãi suất ưu đãi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay đã có 53.000 tỉ đồng cho vay, dư nợ hiện nay là 38.000 tỉ đồng, với hơn 17.000 khách hàng. Và trong các ngân hàng thương mại cam kết cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông dân, doanh nghiệp có dự án đều có thể tiếp cận được.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng đề xuất gỡ nút thắt thị trường cho hàng nông sản vùng ĐBSCL: Để đảm bảo chất lượng, sản lượng ổn định cần liên kết 6 nhà, đưa công nghệ vào sản xuất, không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn cạnh tranh xuất khẩu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đang phối hợp nghiên cứu thị trường, dự báo thị trường cho các ngành hàng trọng yếu để cung cấp thông tin kịp thời cho các ngành hàng, các địa phương. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa, sản phẩm trong nước.

Tăng nguồn lực cho vùng

Nông dân Trần Công Danh (TP Cần Thơ) đặt câu hỏi về việc đưa thông tin giá cả nông sản, dự báo thị trường nông sản lên website để giải quyết tình trạng được mùa mất giá. Nông dân Dương Văn Tạo (Trà Vinh), đặt vấn đề: ĐBSCL chịu tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước đầu nguồn thấp, năng suất lúa bị giảm. Hai năm qua, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 120, vậy làm cách nào dùng nguồn lực để phát triển cho toàn vùng được bền vững?...

Thủ tướng thăm một mô hình sinh thái miệt vườn của nông dân tại huyện Phong Điền. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cho rằng: Vấn đề lớn nhất hiện nay của ĐBSCL là cần phải quy hoạch lại. Cần phải có chiến lược, tầm nhìn và sắp xếp, tổ chức lại không gian phát triển hợp lý để đảm bảo phát triển nhanh, phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Sau đó, chúng ta có cơ sở để đầu tư các chương trình, các dự án phát triển hiệu quả nhất, thông minh nhất. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì cùng với tư vấn đang xây dựng chiến lược này và dự kiến quý 4-2020 sẽ trình Chính phủ. Vấn đề thứ 2 của ĐBSCL là cần phải có cơ chế liên kết vùng, không thể tỉnh này đi một đường, tỉnh kia đi một đường mà không có gắn kết, liên kết với nhau. ĐBSCL cần phải liên kết vùng và sẽ thành lập Hội đồng vùng do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch và lãnh đạo các tỉnh, thành là thành viên để giải quyết đồng bộ các khó khăn. Vấn đề thứ ba là tăng nguồn lực đầu tư cho vùng, Thủ tướng có quyết định tăng đầu tư cho vùng giai đoạn tới là 2 tỉ USD, tương đương 45.000 tỉ đồng. Trong đó, ưu tiên giai đoạn 2021-2025 là 1 tỉ USD cho vùng để đầu tư vào các hạ tầng quan trọng, nhất là các công trình hạ tầng giao thông. Đồng thời sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương khắc phục sạt lở. Chính phủ đã thành lập Quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hoạt động rất hiệu quả. Các địa phương cũng cần lập quỹ hỗ trợ, không thể trông chờ ngân sách Trung ương.

Nông dân Nguyễn Nghĩa Dũng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, đặt câu hỏi: “ĐBSCL hơn 20 triệu dân, giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng hệ thống giao thông hạn chế ảnh hưởng đến vận chuyển nông sản của nông dân gặp khó khăn. Quốc lộ 1 thường xuyên quá tải, kẹt xe. Thủ tướng có giải pháp gì tháo gỡ?”. Câu hỏi của này được chuyển đến Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể.

Đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nói: Vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân rất lớn trong bức tranh phát triển. Sự chuyển đổi của nông dân rất nhanh, sản phẩm nông nghiệp cũng thay đổi rất nhiều. Tôi kiến nghị, sau hội nghị, các bộ, ngành quan tâm đến chuyển đổi đất đai để làm sao phát huy tốt nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng sản xuất. Đồng thời, nguồn vốn phải đảm bảo cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Cần có cơ chế thúc đẩy các vấn đề này để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững. 

Ông Nguyễn Văn Thể cho biết: “Về phát triển giao thông tại ĐBSCL, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. Thủ tướng đã trao bổ sung vốn 2.186 tỉ đồng cho dự án này, các chủ đầu tư đang triển khai giải ngân. Các ngân hàng cam kết 7.000 tỉ đồng. Nhà đầu tư và các bộ hứa Tết này sẽ làm suốt không nghỉ để đảm bảo cam kết với Thủ tướng đến cuối năm 2020, từ Trung Lương đến Mỹ Thuận có thể đi xe trên đường đá, nhựa và đi được qua tất cả các cầu để đến được Mỹ Thuận. Riêng các đoạn cao tốc khác đang triển khai. Nếu xong tuyến cao tốc này sẽ giảm áp lực vận tải rất lớn”. Ông Thể cũng cho biết, đối với phát triển giao thông vùng ĐBSCL, ngoài hạ tầng đường bộ, cần có hạ tầng cảng biển, hàng không... 

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, hiện nay Bộ cũng đang triển khai các dự án quốc lộ tại ĐBSCL. Nhiệm kỳ tới, dự kiến sẽ đầu tư 1.000km tại vùng, nâng cấp và thảm nhựa để thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa. Một số đường cao tốc cũng cần phải hoàn thành, trong đó cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ đang tập trung đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Về lâu dài, trên tuyến quốc lộ 60 sẽ đầu tư cầu Đại Ngãi (bằng vốn ODA của Nhật Bản) và Rạch Miễu 2 (sử dụng vốn ngân sách nhà nước) và sẽ khởi động chính thức ngay trong nhiệm kỳ mới để có ngay tuyến nối từ TP HCM qua Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Đối với trục cao tốc, Bộ đang nghiên cứu đường cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau, cao tốc từ Châu Đốc-Cần Thơ-Trần Đề (Sóc Trăng), cao tốc An Hữu nối cầu Cao Lãnh, cao tốc Rạch Giá-Xà Xía… Các tuyến này sẽ hình thành mạng lưới giao thông đường bộ xuyên suốt cho ĐBSCL. “Nhiệm kỳ tới, Bộ sẽ có các đề xuất ưu tiên nhiều hơn đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL, đảm bảo hệ thống giao thông đồng bộ giữa giao thông bộ- thủy-hàng không-cảng biển”- ông Nguyễn Văn Thể nói.

Thủ tướng, lãnh đạo Trung ương, địa phương trao quà cho nông dân tại hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Vị trí của ĐBSCL rất quan trọng đối với cả nước. Phát triển bền vững ĐBSCL phải thuận thiên. Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, các thành viên Chính phủ sẽ tiếp thu, giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để hình thành chủ trương, giao các bộ, ngành thực hiện.  Đồng thời yêu cầu trên trang web của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, của Hội Nông dân Việt Nam nên có thông tin rõ ràng hơn về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra, đặc biệt về các cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường hoặc các yếu tố đầu vào của sản xuất. Đồng thời cần nêu rõ những sản phẩm vật tư hóa chất nào trong thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng vì vấn đề này liên quan đến an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam… 

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành, kiểm soát chất lượng để đảm bảo an toàn thực phẩm. Và sẽ có những chủ trương mạnh mẽ, như liên kết vùng, khu vực. Thủ tướng cũng kêu gọi nông dân đổi mới. Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường. Đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình, cần một tinh thần tự lực, tự cường.

Gia Bảo-Văn Công 

Chia sẻ bài viết