26/03/2019 - 11:56

Giúp đồng bào dân tộc Khmer 

Ở huyện Vĩnh Thạnh, đồng bào dân tộc Khmer chiếm khoảng 1% dân số và huyện luôn chú trọng thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện và nâng lên; đồng bào tích cực góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới...

Chị Mai Thị Hoài Thu bên gian hàng tạp hóa của gia đình. Ảnh: MINH HẢI

Chị Mai Thị Hoài Thu bên gian hàng tạp hóa của gia đình. Ảnh: MINH HẢI

Huyện Vĩnh Thạnh có 299 hộ dân tộc thiểu số. Trong đó, có  281 hộ dân tộc Khmer với 1.275 nhân khẩu, tập trung nhiều nhất ở ấp Vĩnh Nhuận, xã Vĩnh Bình và một số hộ sống đan xen với người Kinh ở các xã Thạnh Lộc, Thạnh Mỹ, Thạnh Tiến,… Trước đây, đời sống của một bộ phận bà con còn gặp nhiều khó khăn do ít đất sản xuất hoặc làm thuê theo thời vụ, một số ít hộ làm dịch vụ, mua bán nhỏ,… Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Vĩnh Thạnh chú trọng chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các mô hình làm kinh tế phù hợp; đồng thời vận dụng có hiệu quả các chính sách, tranh thủ các nguồn vốn của trung ương, thành phố và các nguồn lực khác để chăm lo đời sống, thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc. Ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Huyện thực hiện phương châm “cho cần câu hơn con cá” nhằm giúp đồng bào phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự ý thức vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại,… Có như vậy, công tác giảm nghèo mới đạt kết quả bền vững”.

Để tạo điều kiện cho các hộ nghèo an cư lạc nghiệp, huyện Vĩnh Thạnh xây dựng khu dân cư tập trung với diện tích 1.310m2, tổng kinh phí hơn 920 triệu đồng; đã bố trí và cất tặng 16 căn nhà đại đoàn kết cho 16 hộ vào ở. Đồng thời, lắp đặt hệ thống điện, nước sạch đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con trong khu dân cư. Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 64 hộ có nhu cầu với tổng số tiền 640 triệu đồng. Thông qua chương trình ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội, các Hội, đoàn thể lập dự án cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn có nhu cầu vay vốn chăn nuôi, mua bán và các chương trình vay vốn khác, như: cất nhà, học sinh, sinh viên,… Đến nay, khoảng 90% hộ đồng bào dân tộc Khmer được tiếp cận nguồn vốn vay với tổng dư nợ 6,44 tỉ đồng.

Gia đình chị Mai Thị Hoài Thu từng là hộ nghèo. Được hỗ trợ nhà đại đoàn kết và giới thiệu vay vốn, chị mở tiệm tạp hóa, chồng chị được giới thiệu đi làm ở một công ty sản xuất lúa giống. Nhờ đó, gia đình chị dần vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá sung túc. Gia đình bà Mai Thị Kha thì tận dụng nguồn vốn vay để chăn nuôi bò. Năm trước, bà bán 2 con bò được 38 triệu đồng, lời khoảng 18 triệu đồng, vợ chồng bà tiếp tục nuôi thêm 2 con nữa. Bà nói: “Nuôi bò, lấy công làm lời. Sáng, chồng tôi đi cắt cỏ cho bò ăn, rồi đi làm mướn; tôi ở nhà chăm sóc bò; các con tôi thì đi làm cho công ty ở Bình Dương. Ai cũng có việc làm nên cuộc sống ổn định...”.

 Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, huyện Vĩnh Thạnh còn quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng, các công trình phục vụ dân sinh cho vùng đồng bào dân tộc. Đến nay, tất cả đường trục xã, liên xã đều được bê tông hóa; 90% đường trục ấp được cứng hóa; tất cả đường ngõ xóm không lầy lội. 100% hộ đồng bào dân tộc Khmer được cung cấp điện sử dụng; 90% hộ có nước sạch sinh hoạt. Các xã, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đều có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông, internet… Tính đến nay, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer ở huyện giảm còn 42 hộ, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn và 90% hộ có xe gắn máy…

Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm thường xuyên. Toàn huyện có 389 học sinh người dân tộc Khmer và 15 sinh viên đang theo học các trường cao đẳng, đại học. Hằng năm, Hội khuyến học các cấp đều hỗ trợ tập, sách, dụng cụ học tập, xe đạp cho những em thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, đối với vùng tập trung đông đồng bào dân tộc (ấp Vĩnh Nhuận, xã Vĩnh Bình), Phòng Giáo dục và Đào tạo phân công giáo viên dạy tiếng Khmer song song với tiếng Việt. Huyện còn hỗ trợ hơn 200 triệu đồng để tu sửa chùa Samaki, cải tạo khuôn viên, làm bờ kè phía trước cổng chùa. Vào các dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc, huyện tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà Ban Quản trị chùa, các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn,… Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ và các trò chơi dân gian gắn liền với phong tục, tập quán, tín ngưỡng.

Ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: “Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ở huyện không ngừng cải thiện và nâng lên rõ nét. Cùng với nhân dân trên địa bàn huyện, đồng bào dân tộc Khmer tích cực góp phần cùng với huyện thực hiện hoàn thành mục tiêu trở thành huyện Nông thôn mới thứ 2 của thành phố”.

MINH HẢI

Chia sẻ bài viết