02/04/2019 - 07:31

Giữ nghề với ghe, xuồng “nhí” 

Những cây gỗ xoan đào thô kệch nhưng qua bàn tay khéo léo của anh Phạm Văn Mỏng, 48 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, An Giang, trở thành những chiếc xuồng, ghe nhỏ xíu trông rất đẹp mắt. Anh cho biết đây là cách để anh gìn giữ nghề gia truyền của gia đình.

Anh Mỏng đang chế tác một chiếc ghe lường truyền thống. 

Trong xưởng mộc nhỏ ven tỉnh lộ 943, bên cạnh những dụng cụ nghề mộc, những chiếc ghe, xuồng nhỏ đủ kích cỡ được trưng bày trông rất bắt mắt. Chủ nhân của những chiếc ghe, xuồng "nhí" này là anh Mỏng, sinh ra trong một gia đình truyền thống đóng ghe xuồng ở Đồng Tháp. Từ nhỏ, anh Mỏng đã theo cha làm quen với nghề và rất thạo việc.

Những năm trước đây, khi nghề đóng ghe, xuồng “ăn nên làm ra” gia đình anh Mỏng đóng hàng trăm chiếc xuồng, ghe cỡ lớn mỗi năm. Sau đó, giao thông đường bộ phát triển, nguồn gỗ khan hiếm, hàng loạt xưởng đã chuyển sang đóng tàu sắt khiến nghề đóng ghe xuồng truyền thống có nguy cơ mai một. “Bên xứ tôi, nhiều xưởng đóng ghe, xuồng ít khách hàng nên phải chuyển nghề. Thấy vậy, tôi sang Mỹ Hòa đóng ghe, xuồng thuê. Sau đó, tôi ra làm riêng…”- anh Mỏng kể.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, nghề đóng ghe xuồng giúp gia đình anh Mỏng có "đồng ra, đồng vô". Nhưng rồi hơn 3 năm trước, một vụ tai nạn giao thông làm đôi chân anh yếu, không thể đảm đương việc nặng nhọc như trước được. “Tốn kém tôi không sợ nhưng sợ nhất bị cho là vô công rỗi nghề. Lúc này mọi chuyện giao cho bà xã, còn bản thân rơi vào bế tắc”- anh Mỏng tâm sự.

“Cuộc sống đảo lộn, anh Mỏng là lao động chính của gia đình mà việc nặng nhọc không làm được nên đời sống rất khó khăn. Thấy anh ngày ngày buồn vì nghề gia truyền mà anh còn không theo được nữa nên tôi khuyên anh kiếm ván đóng những chiếc ghe, xuồng nhỏ chơi cho đỡ nhớ nghề. Lúc đầu, xuồng đóng ra chỉ để chơi, sau đó có người quen thấy, kêu trưng bày phía trước xem có ai mua không. Không ngờ lại được nhiều người quan tâm rồi truyền tai nhau nên sản phẩm bắt đầu bán chạy”- chị Phạm Thị Ngọc- vợ anh Mỏng- kể.

Nói nghe đơn giản thế nhưng để những chiếc ghe xuồng nhỏ xíu ra đời và có chỗ đứng trên thị trường là một sáng tạo rất công phu của anh Mỏng. Những sản phẩm đầu tay lúc đầu chưa bắt mắt, khách đến chỉ xem, rất ít người mua. “Vậy chứ công phu lắm. Những chiếc xuồng, ghe lớn đều có quy cách, thước tấc hết nên đóng quen, làm rất nhanh. Còn đây là những sản phẩm thu nhỏ, phải giống đồ thật nhưng kích thước nhỏ gọn buộc phải làm và điều chỉnh dần để ra một chiếc ghe, xuồng hợp lý. Rồi phải tìm tất cả các kiểu ghe, xuồng từ xưa đến nay để nắm bắt kiểu dáng, mẫu mã về làm lại theo kiểu thu nhỏ"- anh Mỏng nói.

Để những chiếc xuồng "nhí" đạt đến mức tinh xảo, anh Mỏng phải suy nghĩ cách chọn lựa loại gỗ phù hợp và tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng đường cưa, nét đục để khi lắp ráp các tấm be và thanh cong mới đạt được độ khít cao từ phần mũi cho tới phần lái của ghe, xuồng. Theo anh Mỏng, các sản phẩm đều được anh chọn gỗ xoan đào để đóng vì không bị mối mọt, khi đóng xong sơn PU rất bóng, đẹp, lâu hư so với các loại gỗ khác.

Nhờ được “trời phú” đôi tay khéo léo mà anh Mỏng liên tiếp cho ra lò những chiếc xuồng "nhí" nhỏ, gọn, bắt mắt dùng làm quà lưu niệm hoặc trưng bày. Hàng chục kiểu xuồng ghe được anh Mỏng cập nhật có kiểu dáng thu nhỏ theo nguyên mẫu, làm khách hàng thích thú. Cũng nhờ trưng bày phía trước nên khách đi ngang thấy đẹp ghé lại mua về trưng trong nhà hoặc trong khách sạn, nhà hàng và cả ở những khu du lịch. Từ góp ý của khách hàng, anh thực hiện từng công đoạn sắc sảo hơn, sản phẩm hoàn thiện hơn.

Bây giờ, khi đã thạo việc, nghề đóng ghe xuồng mini được anh Mỏng đưa lên thành nghệ thuật bởi các sản phẩm hoàn thiện ngày có độ tinh xảo rất cao. Nghề này cũng giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định. Mỗi năm anh Mỏng đóng hàng chục chiếc ghe, xuồng dài 0,5 - 2,5m. Đặc biệt vào những ngày lễ, Tết, khách đi ngang tỉnh lộ 943 đều ghé lại cơ sở của anh Mỏng để ngắm những chiếc ghe, xuồng nhỏ xíu xinh xắn, sẵn tiện mua mang về nhà trưng hoặc làm quà biếu với giá từ 200.000 - 2 triệu đồng/chiếc, tùy kích cỡ. 

Hôm chúng tôi đến xưởng, anh Mỏng khoe có một khách hàng ở TP Hồ Chí Minh đặt làm 9 kiểu ghe, xuồng truyền thống của miền Tây để trang trí. Anh đang khẩn trương tranh thủ kiếm gỗ để sớm hoàn thiện sản phẩm giao cho khách. “Nghề nào cũng vậy, theo thời gian sẽ có cạnh tranh. Do đó tôi luôn suy nghĩ để tiếp tục cải tiến nhằm làm ra sản phẩm đẹp, bền hơn thì mới đứng vững trên thị trường”- anh Mỏng nói.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết