11/01/2012 - 09:28

PHIÊN HỌP THỨ NĂM, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Giao tòa án quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

* Cho ý kiến dự án Luật Giám định tư pháp và dự án Luật Quảng cáo

Sáng 10-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ năm cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau của các dự án Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Liên quan đến thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, những biện pháp xử lý hành chính là những biện pháp mang tính cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước. Do đó, việc giao Tòa án quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo trình tự, thủ tục chặt chẽ là giải pháp hữu hiệu để bảo đảm quyền cơ bản của công dân, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, chính xác, dân chủ. Việc này cũng nhằm phân định rạch ròi về chức năng, nhiệm vụ giữa hành chính và tư pháp, phù hợp với Hiến pháp và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Hầu hết các ý kiến tại phiên họp đồng tình với quan điểm này của cơ quan thẩm tra. Một số ý kiến đề nghị cần làm tốt công tác chuẩn bị năng lực cho tòa án cấp huyện, đồng thời có cơ chế giám sát hiệu quả để đảm bảo tính khách quan, chính xác, tránh để xảy ra những việc nhầm lẫn, sai sót và các hành vi tiêu cực.

Về quy định mức xử phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật tán thành để ở mức 2 tỉ đồng. Tuy nhiên cần cân nhắc tăng mức phạt tối đa trong các lĩnh vực cho phù hợp, vừa đảm bảo tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính; đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mức thu nhập bình quân của người dân và không được vượt quá mức xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm tương ứng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng tán thành việc quy định mức xử phạt cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt tiền chung đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố lớn trực thuộc Trung ương; đồng thời cũng là hết sức cần thiết để giữ gìn trật tự, kỷ cương và an toàn xã hội.

* Chiều 10-1, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Giám định tư pháp và dự án Luật Quảng cáo.

Đầu phiên họp buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giám định tư pháp. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về 4 vấn đề lớn: quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự; cơ cấu tổ chức của các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y và pháp y tâm thần; phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp; giải quyết trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận giám định lần đầu và giám định lại.

Xung quanh phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa và nhiều ý kiến khác nhất trí với chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp nhưng đề nghị chỉ giới hạn ở một số phạm vi cho phép. Đó là những lĩnh vực có nhu cầu tương đối phổ biến như tài chính - kế toán, xây dựng, văn hóa...; đồng thời cần có lộ trình hợp lý, thực hiện thí điểm để tổng kết, rút kinh nghiệm, sau đó mới áp dụng phổ biến.

Bàn về cơ cấu tổ chức của các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y, nhiều ý kiến đề nghị cần thảo luận cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này; một số ý kiến đề nghị nên lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi quyết định phương án trình Quốc hội xem xét.

Về dự án Luật Quảng cáo, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tập trung vào 5 nội dung: cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo; những nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo; quy hoạch quảng cáo ngoài trời; quảng cáo trên băng quảng cáo, băng rôn; quảng cáo hàng hóa đặc biệt.

Thảo luận về cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng nội dung quảng cáo do các bộ, cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm, đồng thời liên quan đến phương tiện truyền tải quảng cáo (gồm truyền tải trên phương tiện cố định ngoài trời, trong nhà; qua mạng, báo chí, thông tin truyền thông; qua nơi công cộng; qua phương tiện truyền tải quảng cáo di động). Đại biểu đề nghị cần thảo luận, làm rõ việc phối hợp giữa cơ quan quản lý chủ quản với các bộ, cơ quan chịu trách nhiệm về mặt nội dung và phương thức quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn có quan điểm phân công Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về Quảng cáo và bổ sung một số điều quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ liên quan đối với quản lý hoạt động quảng cáo.

QUANG VŨ-QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết