24/02/2019 - 10:46

Giáo dục, chăm sóc trẻ khuyết tật - cần cộng đồng trách nhiệm 

Thiếu người, nhiều việc, lại khó tuyển dụng nhân sự, kinh phí hoạt động hạn hẹp… là thực trạng đang diễn ra tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trường có dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn TP Cần Thơ.

Bà Võ Thị Hồng Ánh cùng lãnh đạo sở ngành thăm Trường Tương Lai. 

Thiếu người, nhiều việc

Với chức năng và nhiệm vụ hoạt động vì cộng đồng, Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ hiện là điểm tham vấn, tư vấn và hỗ trợ những nhóm người yếu thế ở trong và ngoài TP Cần Thơ. Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 89 em thuộc 4 nhóm: sơ sinh, tâm thần, bại não, thiếu nhi. Trong đó, trên 80% trẻ không thể tự sinh hoạt cá nhân, phải do các cô chăm sóc thực hiện. Dù có nhiều nỗ lực trong chuyên môn nhưng trung tâm đang đối diện nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn. Trung tâm có 63 công chức, viên chức, người lao động (trong đó có 10 người hợp đồng), còn thiếu 12 biên chế theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BLĐTBXH.

Theo ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ, việc thiếu biên chế đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chăm sóc đối tượng của trung tâm. Nhất là cùng lúc có 3 trẻ đi bệnh viện. Bởi các cô trực theo ca, nếu có 3 trẻ đi bệnh viện phải có 6 cô theo trực, khi đó không đủ người chia ca trực ở trung tâm. Bộ phận sơ sinh có 27 cháu, trong đó có 4 cháu bị bệnh rất nặng phải thường xuyên thở oxy, hơn 20 cháu tuổi từ 6 đến trên 36 tháng tuổi, nhưng chỉ có 3 cô trực. “Do thiếu nhân viên nên nhiều người phải tăng ca trực liên tục nhưng không hưởng chế độ thêm giờ (do đã hưởng đủ số giờ làm thêm quy định 200 giờ/ người/năm). Nếu phân cho nhân viên nghỉ bù lại càng không được do thiếu nhân viên trực chăm sóc đối tượng”, ông Hải nói.

Thiếu người, nhiều việc cũng là thực trạng ở 2 trường Tương Lai, Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ. Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ hiện có 41 nhân sự; với 112 học sinh (từ 6 đến 22 tuổi) ở 20 lớp, gồm: khiếm thính, khiếm thị và lớp nghề. Theo lãnh đạo nhà trường, năm 2018, trường được giao biên chế chỉ có 3; trong khi phải cần 10 nhân viên chăm sóc, cấp dưỡng, y tế… “Việc tuyển dụng giáo viên rất khó khăn, do đặc thù của trường đòi hỏi có chuyên môn về tật học”, thầy Trần Lê Duy Khiêm, Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, nói.

Đồng tình quan điểm trên, lãnh đạo Trường Tương Lai cho rằng, tuyển dụng đã khó, giữ chân nhân sự càng khó hơn, do công tác chăm sóc, giáo dục trẻ rất vất vả, đòi hỏi giáo viên thực sự yêu nghề. Bởi mức trợ cấp cho nhân viên còn khiêm tốn. Trường có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên; với 161 học sinh (từ 6 đến 25 tuổi) khuyết tật trí tuệ, vận động, thần kinh và khuyết tật khác. Cô Trần Thị Phương Ánh, Hiệu trưởng Trường Tương Lai, cho biết: Khó khăn hiện nay của trường thiếu nhân viên khối hành chánh. Tuy là bộ phận gián tiếp nhưng phải luôn trong tâm thế trông chừng học sinh, xử lý sự cố khi xảy ra, vì đây là những em chuyên biệt.

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ đang chăm sóc trẻ.

Khía cạnh khác, công việc vất vả, thiếu người nhưng mức đầu tư kinh phí hoạt động, mức hỗ trợ khuyến khích giáo viên chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa tạo động lực để họ gắn bó lâu dài với nghề. Đơn cử Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ, các năm trước kinh phí cấp cho hoạt động Tư vấn và trợ giúp đối tượng là 400 triệu đồng/năm nhưng năm 2019 chỉ còn 300 triệu đồng, trong khi công việc của Trung tâm lại nhân rộng thêm mô hình công tác xã hội trong bệnh viện. Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, ngoài công tác chuyên môn, trường có thêm nhiệm vụ can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho 38 học sinh đang học rải rác tại các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS trong thành phố, nhưng không được cấp kinh phí hỗ trợ…

Huy động mọi nguồn lực

Sau chuyến kiểm tra thực tế của lãnh đạo UBND thành phố về tình hình hoạt động ở 5 cơ sở có trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở ban ngành thành phố, những khó khăn trên một lần nữa được thảo luận tại cuộc họp.

Ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Khó khăn hiện nay là các hoạt động, kinh phí bảo vệ trẻ em còn ít, chủ yếu tập trung ở công tác tuyên truyền. Hoạt động chăm lo trẻ em chủ yếu từ nguồn vận động xã hội hóa từ xã hội, nên ngành không chủ động được nguồn kinh phí”.

Đối với các cơ sở tôn giáo, bảo trợ xã hội ngoài công lập có trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy đã góp phần cùng Nhà nước chăm lo cho đối tượng nhưng có đơn vị hoạt động chưa theo hướng dẫn của địa phương; vẫn còn gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục pháp lý cho trẻ. Ông Tiêu Minh Dưỡng đề xuất: TP Cần Thơ chỉ đạo các sở ngành quận huyện quan tâm quy hoạch đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em. Khi phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn thành phố, quan tâm bố trí kinh phí riêng, để thực hiện hỗ trợ trẻ em khuyết tật theo kế hoạch. Nếu lồng ghép các nguồn khác thì khó thực hiện.

Mặt khác, hầu như các trường dạy trẻ khuyết tật, chuyên biệt đều có sáng tạo ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vật dụng sinh hoạt, có thể trao đổi mua bán trên thị trường, nhưng khó đưa ra thị trường. Trong khi, những học sinh có kỹ năng tốt làm sản phẩm nhưng khi ra trường lại khó hòa nhập cộng đồng, đòi hỏi hỗ trợ từ đoàn thể chính trị- xã hội. Theo thầy Trần Lê Duy Khiêm, Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ do học sinh làm ra, trưng bày tại các đợt hội chợ rất được khách hàng quan tâm chọn mua, nhưng không thường xuyên. Thành phố xem xét hỗ trợ trường thực hiện đề án phát triển thành Trung tâm giáo dục hòa nhập.

Ông Trần Hải Long, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, cho biết: Khó khăn hiện nay trong công tác Đoàn, có tiêu chí là các xã phường đều phải có khu vui chơi giải trí cho trẻ. Tuy nhiên, tiêu chí này năm nào cũng bị mất điểm, vì không phải xã phường thị trấn nào cũng có khu vui chơi giải trí dành cho trẻ do thiếu nhân sự, kinh phí. “Thốt Nốt, Ninh Kiều, Bình Thủy là có trung tâm văn hóa thiếu nhi nhưng thiếu nhân sự quản lý, đòi hỏi phải tăng thêm cán bộ phục vụ công tác này hoạt động hiệu quả hơn”, ông Long nói.

Theo bà Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh Thiếu niên và Nhi đồng TP Cần Thơ, chăm sóc, giáo dục để trẻ phát triển tốt, đòi hỏi cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía: nhà trường - gia đình và xã hội.  Bà Hồng Anh nói: “Ngành giáo dục thường xuyên tổ chức chuyên đề liên quan đến trẻ; mời chuyên gia tâm lý nói chuyện, giúp trẻ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Trung tâm rất mong muốn sở ngành quan tâm, hợp tác nhiều hơn, vì nơi đây kết nối hỗ trợ chăm sóc, phát triển kỹ năng cho cho trẻ”.

***

 Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo: Các sở ngành liên quan phối hợp và tháo gỡ khó khăn để các cơ sở bảo trợ xã hội hoạt động hiệu quả; trong đó chú ý đến việc bổ sung nhân sự, kiện toàn tinh gọn bộ máy phải phù hợp thực tế. Các đoàn thể, chính trị- xã hội phải hỗ trợ, tạo sân chơi cho trẻ. Đoàn Thanh niên quận, huyện rà soát xã phường thị trấn có khu đất nhỏ để tổ chức vui chơi trẻ em. Trước mắt chọn quận Cái Răng, địa phương phải phối hợp với sở ngành để rà soát và mời nhà đầu tư (khu dân cư 586, Hồng Loan…) để phát động xây dựng khu vui chơi cho thiếu nhi, có thể vận động chính nhà đầu tư. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, Thành đoàn Cần Thơ phối hợp, kết nối với các trường để đưa sản phẩm học sinh làm ra thị trường, vừa tăng thêm nguồn thu, vừa động viên khích lệ để trẻ hòa nhập cộng đồng.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết