02/03/2020 - 08:14

Giận mất khôn 

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ cố ý gây thương tích gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ vì lời qua tiếng lại, nóng nảy nhất thời, không chế ngự được cơn giận, các bị cáo ra tay đánh người khác, dẫn đến tử vong. Không chỉ vướng vòng lao lý, các bị cáo còn phải gánh hậu quả bồi thường thiệt hại, đẩy gia đình vào cảnh khó khăn chồng chất.

Hoàng Liên Sơn trả lời thẩm vấn.

Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 17-2, Hoàng Liên Sơn (39 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) trình bày: “Nhà bị cáo đơn chiếc, cha mẹ già yếu, các con còn nhỏ, trong độ tuổi đi học, vợ không có nghề nghiệp ổn định. Trước giờ bị cáo là lao động chính, nay vào tù không biết gia đình ra sao. Từ ngày bị tạm giam đến nay, bị cáo hối hận lắm, tha thiết xin tòa giảm án để sớm được trở về”.

Những lời ăn năn của Sơn quá muộn màng. Giữa năm 2018, Sơn bị Tòa án nhân dân (TAND) quận Ninh Kiều tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Còn trong giai đoạn thử thách, Sơn lại tiếp tục gây án làm chết người. Nguyên nhân vụ việc đơn giản, không liên quan đến Sơn nhưng chỉ vì muốn chứng tỏ bản thân nên Sơn phải lãnh án.

Tối 5-3-2019, Sơn cùng chị T. L. và nhóm bạn đi hát karaoke ở quận Cái Răng. Do nghĩ rằng anh K. (ở quận Cái Răng) có hành vi sàm sỡ chị L. nên Sơn bắt anh này phải xin lỗi. Anh K. không chịu xin lỗi và hai bên xảy ra xô xát. Dù được can ngăn nhưng Sơn vẫn tiếp tục tấn công bị hại. Trong lúc anh K. cúi nhặt đồ bị rớt thì Sơn dùng chân đá mạnh một cái trúng đầu làm bị hại tử vong do dập não và xuất huyết não, sau chấn thương sọ não nặng…

Tháng 11-2019, TAND quận Cái Răng phạt Sơn 10 năm tù tội cố ý gây thương tích, công nhận thỏa thuận bồi thường trên 600 triệu đồng cho bị hại. Sơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin xem xét số tiền bồi thường nhưng bị bác đơn. Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định hành vi phạm tội của Sơn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cố ý xâm phạm sức khỏe người khác, cần có mức hình phạt tương xứng để răn đe, giáo dục nên quyết định tuyên y án. Tổng hợp hình phạt 9 tháng tù trước đó, Sơn phải lãnh án 10 năm 9 tháng tù. Với hoàn cảnh hiện tại, gia đình Sơn chưa biết làm thế nào khắc phục hậu quả cho bị hại. Khi Sơn biết hối hận, thương cha mẹ, vợ con thì sự đã rồi!

Cuối năm 2019, TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm vụ án cố ý gây thương tích với 2 bị cáo là Bùi Đức Nghĩa (32 tuổi, nguyên công an viên phường Phước Thới) và Nguyễn Tuấn Anh (30 tuổi, nguyên Công an quận Ô Môn) để lại nhiều tiếc nuối. Hội đồng xét xử tuyên phạt Nghĩa 9 năm tù (tăng 1 năm so với án sơ thẩm), Tuấn Anh 8 năm tù (y án sơ thẩm).

Theo hồ sơ vụ án, tối 9-8-2018, Tuấn Anh cùng Tổ tuần tra Công an quận Ô Môn đi tuần, phát hiện anh C. H. (ngụ quận Ô Môn) chạy xe máy biểu hiện say xỉn nên yêu cầu dừng lại kiểm tra. Do anh H. không chịu đo nồng độ cồn và còn thách thức nên bị đưa về trụ sở Công an phường Phước Thới làm việc. Lúc này, giữa H. và một số cán bộ công an xảy ra cự cãi. Đức Nghĩa (đang trực ban) đấm đá H., sau đó, Nghĩa cùng Tuấn Anh lôi H. ra đường đánh tiếp rồi bỏ đi. Rạng sáng hôm sau, H. gọi điện cho người quen đến chở về, kể lại sự việc. Trưa cùng ngày, H. đau bụng, người thân đưa đi bệnh viện; đến ngày 13-8 thì tử vong. Theo kết quả giám định pháp y, nạn nhân tử vong do suy đa cơ quan do vỡ D3 tá tràng (do ngoại lực tác động - vật tày gây nên), viêm phúc mạc toàn thể…

Bị cáo Tuấn Anh và Nghĩa (bìa phải) nghe tòa tuyên án.

Tháng 7-2019, TAND quận Ô Môn xét xử mỗi bị cáo 8 năm tù; bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị hại kháng cáo tăng hình phạt và tăng tiền bồi thường. Ở phần thẩm vấn, hai bị cáo thừa nhận thực hiện sai quy trình nghiệp vụ, xin lỗi gia đình nạn nhân. HĐXX nhận định, giữa bị hại và các bị cáo không mâu thuẫn, chỉ vì những lời thách thức mà đánh nạn nhân gây thương tích, dẫn đến chết người. Các bị cáo là cán bộ công an được đào tạo về kiến thức chính trị, nghiệp vụ, nhưng không tu dưỡng phẩm chất đạo đức, dẫn đến mất bình tĩnh, gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi các bị cáo mang tính chất côn đồ, thể hiện ý thức xem thường pháp luật, cần có hình phạt nghiêm để răn đe. 

Hai vụ án là lời cảnh tỉnh cho những ai không biết kiềm chế bản thân, để sự nóng giận chi phối dẫn đến hành động mù quáng, làm chuyện nhỏ hóa lớn. Khi xảy ra xung đột, phải bình tĩnh giải quyết dựa trên đạo đức xã hội và quy định pháp luật. Hãy nhớ “một sự nhịn chín sự lành”, đừng để trong lúc thiếu suy nghĩ, cướp đi mạng sống người khác, khiến mình thành tội phạm.

Bài, ảnh:  KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết