* Mổ xẻ nhiều vấn đề liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân
Ngày 17-11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Báo cáo giải trình chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong phần đánh giá về hiệu quả triển khai cơ chế lãi suất, Thống đốc nhận định đây là một trong những giải pháp kích thích kinh tế tối ưu được lựa chọn với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện của nước ta, có hiệu quả tác động tích cực, đạt được mục tiêu là giúp nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai, cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng bộc lộ một số mặt chưa tích cực: Một số quy định liên quan đến việc hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 497/QĐ-TTg chậm được hướng dẫn, xử lý nên đạt kết quả thấp; Cơ chế hỗ trợ lãi suất triển khai ngắn hạn, trên phạm vi cả nước, đối tượng thụ hưởng rộng, gây khó khăn cho công tác thanh tra, giám sát của các bộ, ngành; Mức lãi suất sau khi được hỗ trợ tương đương lãi suất cho vay bằng USD và thấp hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn hiện nay làm tăng trưởng tín dụng ở mức cao, gây sức ép tăng lãi suất và tỷ giá, có thể phát sinh những đối tượng lợi dụng cơ chế để trục lợi...
Xung quanh vấn đề cho vay hỗ trợ lãi suất đối với nông dân, nông thôn, đại biểu Danh Út (Tiền Giang) tổng kết người dân phải trải qua 8 loại thủ tục với những điều kiện khó khăn. Đại biểu đề nghị Thống đốc và Bộ trưởng Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ sửa đổi các điều kiện và giảm bớt các thủ tục, có biện pháp để nông dân được vay vốn nhanh.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho biết: chủ trương này nhằm mục tiêu kép, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là cơ khí hóa nông thôn, vừa thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã xuất hiện một số vướng mắc. NHNN đã đề xuất chỉnh sửa ba nội dung lớn gồm: bỏ qua thủ tục xác nhận của UBND xã, không nên giới hạn cho vay tối đa 1 ha chỉ có 7 triệu đồng và ban hành sớm hướng dẫn về tỷ lệ nội địa hóa máy móc. Riêng về vấn đề thuế, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu bày tỏ cũng có nhiều băn khoăn nhưng NHNN không dám bỏ quy định này, các quyết định vay vốn cũng phải thực hiện theo Thông tư 120, ngày 30-12-2002 của Bộ Tài chính, nếu không thực hiện, ngân hàng sẽ thành tiếp tay cho tránh thuế, trốn thuế. Hiện các bộ đã báo cáo Thủ tướng, sửa đổi, bổ sung cho hợp lý để nông dân tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn quyết định 497. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), NHNN được giao chủ trì xây dựng Nghị định đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến nay đã hoàn thiện và đã đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định, trình Thủ tướng trong thời gian sớm nhất, sẽ tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận vốn nhanh hơn, nhiều hơn.
Cuối phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận nêu rõ vấn đề tiền tệ, tín dụng, ngân hàng là điểm nhấn của kỳ họp này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần sớm nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và ý kiến các nhà khoa học để đánh giá đúng mức những mặt được và chưa được, phân tích nguyên nhân và kịp thời có những giải pháp trong đó có giải pháp sớn ban hành văn bản sửa đổi các quy định không còn phù hợp liên quan đến thủ tục, điều kiện được vay vốn của nông dân, của doanh nghiệp vừa và nhỏ... Về quản lý thị trường ngoại tệ, đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hữu hiệu để ổn định tỷ giá ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng trong nước, tránh làm ảnh hướng tới mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô; điều hành tỷ giá hối đoái phải gắn điều hành tỷ giá ngoại hối với yêu cầu giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam; tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý nợ, giảm tối đa nợ xấu, nâng tỷ lệ dữ trự bắt buộc phù hợp với điều kiện cụ thể; có biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng; xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp để từng bước có biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán.
* Là vị Bộ trưởng thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nhận được các câu hỏi tập trung vào 3 nhóm vấn đề về công tác quản lý báo chí, trong đó có kiểm tra, xử lý các cơ quan báo chí vi phạm quy định; kiểm soát và ngăn chặn tác hại của các website có nội dung xấu, các trò chơi trực tuyến có yếu tố không lành mạnh và việc quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống hạ tầng viễn thông nói chung, việc xây dựng trạm thu phát sóng điện thoại di động (BTS) tại khu đông dân cư nói riêng.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) về việc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông xây lắp các trạm thu phát sóng điện thoại di động gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết: hiện cả nước đã có 42.000 trạm BTS, so với các nước trên thế giới số lượng này là không nhiều. Trong thời gian tới, các trạm BTS sẽ tiếp tục tăng do chúng ta triển khai dịch vụ 3G, sắp tới là 4G để đảm bảo chất lượng sóng. Mỗi trạm chỉ phục vụ được từ 250 đến 2.500 số điện thoại thuê bao, vì thế khi số thuê bao trên từng địa bàn tăng thì số lượng các trạm BTS cũng tăng theo. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, đặc biệt là Cục Quản lý chất lượng thông tin và truyền thông kiểm tra được 25.000 trạm BTS, chỉ có 117 trạm không đạt tiêu chuẩn. Bộ đã chỉ đạo khắc phục hết trước khi các trạm đi vào hoạt động. Bộ quyết tâm trong năm 2010 đẩy nhanh tiến độ kiểm tra tất cả các trạm BTS. “Tất các trạm đã được kiểm tra đều được đảm bảo về chất lượng... Nếu lắp đặt đúng thiết bị tại các nơi Bộ đã kiểm tra thì bảo đảm không ảnh hưởng đến sức khỏe”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định và cho biết các tiêu chí trên đều được căn cứ vào công bố của thế giới liên quan đến sản xuất, lắp đặt thiết bị theo chuẩn hóa và tiêu chuẩn về chất lượng của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các quy định của Bộ.
Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) liên quan đến vấn đề quản lý, kiểm duyệt các ấn phẩm xuất bản, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định: Bộ Thông tin và Truyền thông không can thiệp vào công tác kiểm duyệt các ấn phẩm xuất bản. Trách nhiệm kiểm tra, kiểm duyệt nội dung thuộc về Tổng biên tập các đơn vị báo chí, nhà xuất bản.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) về việc xử lý các hành vi thông tin sai sự thật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết: trong thời gian qua, báo chí nước ta phát triển rất nhanh cả về số lượng và chất lượng, cũng như tính chuyên nghiệp của các nhà báo. Tuy nhiên, hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Bộ đã và đang đẩy mạnh hoạt động quản lý báo chí để đảm bảo tính trung thực của thông tin, đảm bảo yêu cầu văn hóa truyền thống dân tộc. Trong hai năm 2008-2009, Bộ đã kiểm tra, xử lý 96 trường hợp vi phạm ở họat động lĩnh vực báo chí, truyền thông, trong đó có 40 trường hợp do cung cấp thông tin sai sự thật; thu hồi 19 thẻ nhà báo. Bộ trưởng cho biết, nguồn nhân lực làm công tác xử lý vi phạm còn rất thiếu với 35 người quản lý hơn 700 cơ quan báo chí, vì thế chỉ có thể đảm bảo xử lý các trường hợp sai phạm đơn giản, còn các trường hợp phức tạp, nghiêm trọng thì Bộ có trách nhiệm cung cấp hồ sơ cho các cơ quan tư pháp tiến hành giải quyết theo luật định.
NHÓM PV TTXVN