09/07/2009 - 08:29

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Giải pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng là thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp.
Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN)

Ngày 8-7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp Phiên họp thứ 10 nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2009 và chỉ đạo nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đồng chủ trì phiên họp.

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến thảo luận của các thành viên Ban chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong 6 tháng đầu năm 2009 đã có chuyển biến tích cực, củng cố niềm tin trong toàn Đảng và nhân dân ta về quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đấu tranh loại trừ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước. Các vụ án tham nhũng trọng điểm đã được xử lý nghiêm khắc, được nhân dân đồng tình ủng hộ và quan trọng hơn là thông qua việc xử lý các vụ án tham nhũng đã nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về phòng, chống tham nhũng... Đây cũng là cơ sở để khẳng định việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa 9) sau hai năm đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Số vụ án tham nhũng mới được phát hiện có dấu hiệu ít hơn về số vụ, quy mô gây thiệt hại cũng ít hơn. Cùng với việc chỉ đạo điều tra xử lý các vụ việc tham nhũng, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được bổ sung từ thực tế đấu tranh chống tham nhũng...

Ghi nhận những kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định về phòng ngừa tham nhũng ở lĩnh vực kê khai tài sản, quản lý đất đai hiệu quả còn thấp. Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng còn kéo dài. Quy chế giải quyết đơn thư tố cáo liên quan đến tham nhũng chưa rõ ràng, dẫn đến chồng chéo. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị xảy ra tham nhũng còn hạn chế... Để làm tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các cấp, Bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, bám sát nguyên tắc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng phải được tiến hành quyết liệt, triệt để và đồng bộ, không được bằng lòng với kết quả đạt được. Các cấp, Bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Các cơ quan chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng, quản lý tài nguyên, rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài; việc sử dụng gói kích cầu của Chính phủ... Công tác thông tin về đấu tranh chống tham nhũng trên báo chí phải chính xác, kịp thời, tránh tình trạng thông tin vội vàng theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, gây nghi ngờ trong dư luận.

Thủ tướng chỉ rõ: Một giải pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng là việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các chế độ, thủ tục, chính sách sẽ thu hẹp môi trường của tội phạm tham nhũng. Trong đó phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong cải cách thủ tục hành chính, quản lý đất đai, ngân sách sao cho công khai, minh bạch và phải có sự giám sát của quần chúng, của nhân dân; cần làm tốt công tác giám sát của nhân dân, các tổ chức đoàn thể trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Việc giải quyết đơn thư tố cáo cần thận trọng, khách quan, không làm oan sai cũng không bỏ sót tội phạm; đặc biệt phòng ngừa chính những người được giao nhiệm vụ chống tiêu cực mà lại có những hành động tiêu cực.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo: 6 tháng đầu năm, công tác giám sát, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường. Tiến độ, chất lượng xử lý các vụ án tham nhũng đã được nâng lên; đã cơ bản kết thúc việc xử lý các vụ án trọng điểm; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và đưa ra xét xử; một số vụ việc, vụ án tham nhũng tồn đọng, kéo dài được giải quyết dứt điểm. Cơ quan nhà nước và Ủy ban kiểm tra của Đảng ở một số địa phương đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là kiểm tra những trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Qua đó, phát hiện, xử lý nhiều cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng. Điển hình như Ủy ban kiểm tra các cấp tỉnh Hậu Giang xử lý kỷ luật 33 đảng viên có hành vi tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai kỷ luật 4 đảng viên...Thanh tra Chính phủ đã ban hành 8 kết luận thanh tra; phát hiện giá trị sai phạm trên 11.100 tỉ đồng, gần 150.000 USD và 21.500 cổ phần (cổ phần của Công ty Y dược phẩm Vimedimex), các sai phạm chủ yếu là hạch toán sai, lãng phí, thất thoát...; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 1.164 tỉ đồng, gần 150.000 USD và 21.500 cổ phần; đề nghị xử lý hành chính đối với 11 tập thể, 24 cá nhân và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 03 vụ việc. Bên cạnh đó, Thanh tra các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai 6.909 cuộc thanh tra, kết thúc trên 5.000 cuộc, phát hiện sai phạm gần 9.150 tỉ đồng, trên 8.247.900 m2 đất; kiến nghị thu hồi về cho nhà nước 430.490 triệu đồng, 6.053.103 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 275 tập thể, trên 1.000 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 26 vụ việc, 33 người. Tại 6 bộ, ngành và 11 tỉnh, thành phố đã xử lý 115 người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng.

Việc chỉ đạo xử lý 8 vụ án tham nhũng trọng điểm đã cơ bản kết thúc, trong đó 7 vụ đã được xét xử phúc thẩm và 1 vụ xét xử sơ thẩm. Hiện còn tồn tại một số nội dung cần giải quyết dứt điểm là: mảng kinh tế trong vụ PMU 18, cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang phối hợp để làm rõ một số vấn đề của vụ án theo yêu cầu của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; mảng tội danh tham ô trong Dự án cầu Bãi Cháy; việc xử lý tài sản của Nguyễn Đức Chi ở tỉnh Khánh Hòa trong vụ án Nguyễn Đức Chi. Đối với 17 vụ án khác mà Ban Chỉ đạo đang theo dõi, chỉ đạo đã có 3 vụ được đưa ra xét xử gồm vụ Nguyễn Thị Ngọc Liên và đồng phạm buôn lậu, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Thiên Lợi Hòa, Lào Cai; vụ Chu Minh Tuấn và đồng phạm lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm trong thực hiện Dự án đất Quán Nam-Hải Phòng; Vụ Dương Xuân Túy cố ý làm trái xảy ra tại Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Trong 14 vụ án còn lại trong tổng số 17 vụ án nói trên, có 10 vụ đã kết thúc điều tra và đang điều tra bổ sung; 4 vụ đang được tiếp tục điều tra và mở rộng điều tra. 10 vụ đã kết thúc điều tra và đang điều tra bổ sung như: vụ Lê Minh Diện (Tổng công ty mía đường II; Trần Thị Ngọc Sương (Nông trường Sông Hậu), Trần Văn Khánh 9 (Tổng công ty vật tư nông nghiệp); vụ tham ô tài sản, cố ý làm trái xảy ra tại Ban Điều hành Đề án 112...

Hiện nay, những tỉnh, thành phố đang tiếp tục điều tra, phát hiện và khởi tố nhiều vụ án tham nhũng là: Hà Nội 22 vụ, 44 bị can; thành phố Hồ Chí Minh 22 vụ, 70 bị can; Quảng Ngãi 14 vụ, 24 bị can; Kiên Giang 12 vụ, 16 bị can, tại Quảng Ninh đã thụ lý 45 vụ với 234 bị can liên quan đến khai thác, quản lý, vận chuyển than trái phép v.v...

HỒNG QUÂN (TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN)

Chia sẻ bài viết