Những mạch nước chảy ngầm, từ trong những tầng địa chất hàng trăm triệu năm tuổi, tràn lên mặt đất, tuôn thành muôn dòng như mạng nhện. Người bản địa gọi đó là nước moọc. Dòng nước mát lạnh như vừa chảy ra từ sông băng và có màu xanh lục thủy đẹp quyến rũ trong những ngày hè oi ả của miền Trung đầy nắng.
Du khách thỏa sức với các trò chơi vận động trên dòng nước moọc.
Tại vùng núi Trường Sơn thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), nguồn nước moọc vô cùng phong phú bởi sự hình thành và phát triển của đá vôi. Trong suốt năm trăm triệu năm qua, rất nhiều lần đá vôi bị trồi, sụt theo sự kiến tạo của lớp vỏ trái đất, hình thành những nếp đứt gãy, núi cao, hang động và hang ngầm… Cùng với lượng mưa khá lớn tại khu vực này, nước chui vào các khe và hang động ngầm hình thành những dòng nước moọc. Tại khu vực đá vôi khổng lồ này, nước moọc phun trào từ lòng đất chảy lộ thiên khắp các ngõ ngách, hình thành nên ba dòng suối lớn và tua tủa thành vô số dòng chảy nhỏ len lỏi khắp tầng địa chất trải dài trên lãnh thổ hai nước Việt Nam và Lào. Người ta cũng cho rằng, chính nguồn nước moọc ngầm trong lòng đất đã hình thành nên những dòng sông ngầm sâu hàng chục mét và dài hàng trăm cây số chảy ngoạn mục xuyên suốt trong lòng đất mà giới khoa học phải thốt lên “những dòng sông vĩ đại”. Mà sông Son là một điển hình cho thấy hoạt động của sông ngầm ở khu vực này. Sông được hình thành lộ thiên trên đất bạn Lào trước khi “chui” xuống đất, rồi chảy ngầm hàng trăm cây số trong sâu thẳm lòng đất mới trồi lên trong lòng động Phong Nha. Nước có nguồn từ sông Mê Công mang màu phù sa, hòa quyện vào vùng đất Phong Nha – Kẻ Bàng vốn chỉ có màu lục thủy. Thế nên, người ta lấy màu phù sa đặt tên cho sông. Dọc bờ sông là những cồn bãi trồng bắp, trồng màu tươi tốt như miền Cửu Long.
Vùng Trường Sơn rộng lớn đi ngang qua Phong Nha – Kẻ Bàng có nhiều nguồn nước moọc chảy tràn lộ thiên. Được tầng địa chất đá vôi ôm ấp suốt trong lòng đất, ẩn trong các ngóc ngách… nên dòng nước moọc khi trồi lên mặt đất bao giờ cũng lạnh toát như thể được chảy ra từ những dòng sông băng, thuần khiết và trong suốt. Kể cả khi cái nóng miền Trung lên ngấp nghé bốn mươi độ, dòng nước moọc vẫn lạnh tê tái. Bởi thế, du khách khó cưỡng được khi đặt chân đến xứ sở của hang động Quảng Bình. Ngày hè, nắng nóng nhễ nhại, gặp làn nước xanh trong tuôn tràn từ đá ra thì chỉ muốn nhảy ngay vào dòng nước ấy. Bởi thế, người Quảng Bình đã tận dụng nguồn nước này tạo thành một sản phẩm du lịch cho riêng mình. Người ta xây dựng những lối đi bằng tre, làm cầu treo và thả trên dòng những chiếc xuồng, bè… Trên những dòng nước moọc lớn hơn, người ta còn tổ chức những trò chơi dưới nước và trên không, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đây là nguồn thu chính cho du lịch bởi du khách phải trả nhiều tiền hơn để tham gia các trò chơi này, chứ không đơn thuần là tắm nước moọc.
Do địa hình tự nhiên đa dạng, nơi nước moọc chảy qua không chỉ là suối, thác mà còn có những cái hồ rộng như những bể bơi khổng lồ tự nhiên. Du khách thỏa sức đắm mình trong làn nước xanh trong như nước biển ngay giữa rừng Trường Sơn lộng gió. Xung quanh là những ngọn núi chập chùng xanh mướt màu lá. Bất kỳ một công trình nhân tạo nào dù tinh tế và tốn kém đến mấy vẫn không thể tạo được không gian vừa hữu tình vừa hùng vĩ như thiên nhiên đã kiến tạo cho vùng đất này. Nếu ngại dầm mình trong nước lạnh, du khách có thể ngồi trên những chiếc cầu gỗ, phiến đá thả hai chân đong đưa trong nước cũng đủ khoan khoái; hay dạo bước trên những cây cầu bắc đi trên mặt nước mà phía trên là tán cây mát rượi. Bởi xung quanh bể bơi thiên nhiên ấy là cả một hệ sinh thái tự nhiên từ trên cạn đến dưới nước. Tự thân đã tạo được nguồn không khí trong lành và khoan khoái.
Cùng với hệ thống đá vôi được kiến tạo thành hang động, núi non kỳ vĩ, nước moọc đã tạo cho vùng đất Phong Nha – Kẻ Bàng của Quảng Bình thêm một sản phẩm độc đáo riêng có. Không chỉ bởi nguồn gốc của nước, mà còn ấn tượng bởi màu nước những tưởng không thật và lạnh đến tê người ngay giữa miền nhiệt đới. Đến đây một lần để đắm mình trong làn nước moọc, chiêm ngưỡng vẻ đẹp không tưởng của hệ thống hang động… du khách đều thầm ghen tỵ thiên nhiên quá ưu ái cho miền đất này!
Bài, ảnh: MIÊN HẠ