27/08/2017 - 17:39

Giải bài toán phát triển nông nghiệp thông minh 

Sản xuất nông nghiệp ngày càng phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh và các yếu tố thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Để giảm các tác động tiêu cực của BĐKH, các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang quan tâm áp dụng các giải pháp công nghệ mới và triển khai nhiều mô hình, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển  nông nghiệp theo hướng thông minh, thích ứng ĐBKH.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn

Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 do Việt Nam đăng cai với nhiều chuỗi sự kiện kéo dài suốt năm 2017. Một trong những sự kiện chính của năm APEC 2017 được tổ chức tại TP Cần Thơ. Tuần lễ An ninh lương thực (ANLT) APEC 2017 tại TP Cần Thơ từ ngày 18 đến 25-8-2017, các nền kinh tế thành viên APEC đã giới thiệu, chia sẻ nhiều mô hình, chính sách, kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển nông nghiệp thích ứng BĐKH.

Nông dân tại TP Cần Thơ đã chủ động chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Khánh Trung 

Các hội thảo kỹ thuật của Nhóm Diễn đàn đối tác chính sách về ANLT (PPFS) tập trung thảo luận về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH và các chính sách liên quan đến ANLT và tăng trưởng bền vững. Các đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC đã giới thiệu, chia sẻ và cập nhật kiến thức trong phát triển nông nghiệp thông minh. Cụ thể như: Nhìn về nỗ lực của Nhật Bản trong phát triển nông nghiệp thông minh; nông nghiệp kỹ thuật số ở Thái Lan; trang trại thông minh, xu hướng kỹ thuật của nó và triển vọng trong tương lai ở Hàn Quốc…

Cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm chính sách và thực tiễn tốt nhất về nông nghiệp thông minh giữa các nền kinh tế để xác định các lựa chọn chính sách phù hợp, hội thảo của Nhóm PPFS cũng tập trung thảo luận các xu hướng và ý nghĩa nông nghiệp thông minh đối với phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo ANLT. Trong đó, phân tích cụ thể đến các bối cảnh văn hóa, kinh tế- xã hội khác nhau và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa các nền kinh tế APEC.

Trong khuôn khổ Tuần lễ ANLT APEC 2017, Triển lãm APEC về  sản phẩm lương thực và công nghệ mới trong nông nghiệp với chủ đề “Nông nghiệp và Công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến”  được diễn từ ngày 21 đến 25-8-2017. Các nền kinh tế thành viên APEC mang đến triển lãm giới thiệu nhiều tiến bộ khoa học công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi và nhiều mô hình canh tác thông minh, thích ứng BĐKH. Triển lãm còn tạo điều kiện cho các nền kinh tế giao lưu, học hỏi cách thức và công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững giữa các thành viên APEC.

Thông qua triển lãm, các nền kinh tế APEC cũng có cơ hội thuận lợi để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp. Triển lãm đã nhận được sự hưởng ứng và tham dự nhiệt tình của nhiều nền kinh tế thành viên, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc…, với nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng.

Các thành tựu nổi bật về phát triển nông nghiệp của Việt Nam cũng được giới thiệu tại triển lãm như: mô hình nuôi tôm, cá và lúa chịu mặn, các giống lúa có khả năng chống chịu với các yếu tố môi trường và thời tiết bất lợi của Viện Lúa ĐBSCL. Các gian hàng thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam như: sản phẩm gạo, sữa, canh tác nông nghiệp sinh thái giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gian hàng giới thiệu thành tựu nông nghiệp của TP Cần Thơ…

Hướng tới nền nông nghiệp chống chịu tốt

Tác động của BĐKH và nước biển dâng sẽ còn diễn ra khốc liệt hơn trong thời gian tới gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất nông nhiệp và đời sống người dân. Do vậy, phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH là một hướng đi rất quan trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam, cho rằng: “Nông nghiệp thông minh với BĐKH (CSA) là một giải pháp canh tác hữu hiệu ứng phó BĐKH, bảo đảm tăng năng suất, sản lượng. Việt Nam đã áp dụng nhiều mô hình CSA khác nhau trong sản xuất lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp”.

Thiết bị theo dõi tình hình di trú của rầy nâu được đặt tại phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt. Ảnh: Khánh Trung

Theo các chuyên gia, nông nghiệp thông minh với BĐKH là một giải pháp “hai bên cùng có lợi”, việc hợp tác và chia sẻ thông tin về các thực hành nông nghiệp thông minh với BĐKH là rất cần thiết giữa các nền kinh tế APEC, đảm bảo sản xuất lương thực bền vững và ứng phó với BĐKH.  

Trong không gian phát triển ở cấp độ địa phương, TP Cần Thơ đã và đang phát triển nông nghiệp theo hướng thông minh, hiện đại, thích ứng BĐKH. Ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm định hướng giúp nông dân sản xuất theo hướng bền vững, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng, cải thiện thu nhập, giúp nông dân sống chung và thích ứng với BĐKH.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, với diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 80% với gần 88.000ha canh tác lúa, diện tích thả nuôi thủy sản hơn 11.000ha, thành phố đã xây dựng các Kế hoạch để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020 và Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Đối với cây lúa, Cần Thơ trong thời gian qua đã tích cực triển khai nhiều giải pháp công nghệ, nhiều mô hình canh tác góp phần thích ứng với BĐKH gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nông nghiệp hằng năm như: kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, “6 giảm” (giảm khí thải nhà kính), IPM, “Công nghệ sinh thái”, thay đổi cơ cấu giống chất lượng cao, giống chịu hạn phù hợp từng vùng sinh thái, sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm, làm đất và bón phân theo những tiến bộ kỹ thuật mới, sản xuất lúa GAP...

Mục tiêu phát triển của nông nghiệp Cần Thơ hướng đến là giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tác động tiêu cực của môi trường. Đồng thời nâng cao khả năng thích ứng của cây lúa với tác động của BĐKH, cải thiện chất lượng lúa gạo với sản lượng hằng năm trên 1,3 triệu tấn lúa hàng hóa. Thành phố còn chú trọng phát triển các mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản.

Đến nay, diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn (Global GAP, ASC, BMP, VietGAP,...), bao gồm  cá tra và một số loại thuỷ sản khác đang được mở rộng. Thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào 3 khu nông nghiệp công nghệ cao, để ươm mầm, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp thành phố.

Khánh Trung

Chia sẻ bài viết