27/02/2010 - 08:29

Giá điện tăng có ảnh hưởng nhiều tới đời sống người dân?

Việc điều chỉnh giá điện năm 2010 là thực hiện chủ trương của Chính phủ khi chuyển các mặt hàng sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và là bước đi trong lộ trình thực hiện thị trường hóa giá điện. Việc điều chỉnh giá điện không chỉ đảm bảo cho nhà sản xuất và kinh doanh điện phát triển ổn định, mà còn góp phần đảm bảo an toàn cung cấp điện cho xã hội. Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - đơn vị tham gia xây dựng giá điện cho biết:

- Nguyên nhân của việc điều chỉnh giá điện năm 2010 là do các yếu tố đầu vào hình thành giá điện đều tăng cao trong năm 2009 và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010. Cụ thể: Năm 2009, do các thông số đầu vào thay đổi, ước tính tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện cho toàn ngành tăng 2.565 tỉ đồng so với tính toán tại phương án giá điện được duyệt, trong đó khâu phát điện tăng 1.400 tỉ đồng, khâu truyền tải tăng 238 tỉ đồng, khâu phân phối và bán lẻ điện tăng 936 tỉ đồng.

Dự kiến năm 2010, các chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa, giá các nhiên liệu chính cho điện như than, khí, dầu đều tăng. Riêng giá than cho điện tăng 47% đối với than cám 4b và tăng 28% đối với than cám 5 so với năm 2009 làm tăng chi phí phát điện năm 2010 khoảng 1.280 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỷ trọng các nguồn thủy điện giá rẻ ngày càng giảm, tỷ trọng các nguồn điện mới vào vận hành chủ yếu là than và khí có giá cao ngày càng tăng, nhu cầu vốn cho đầu tư vào nguồn và lưới điện tăng rất cao để đảm bảo điện cho nhu cầu điện tăng mới với tốc độ cao (từ 13 đến 15%/năm). Mức lương tối thiểu cũng được điều chỉnh tăng từ 650 nghìn đồng lên 730 nghìn đồng. Do đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện dự tính sẽ tăng cao. Nếu không điều chỉnh tăng giá điện thì tình hình tài chính của ngành điện sẽ ở mức rất thấp, không đảm bảo cho huy động vốn cho đầu tư để đảm bảo cung cấp điện ổn định về lâu dài.

* Vậy giá bán lẻ điện bình quân mới là bao nhiêu?

-Với giá bán điện bình quân năm 2010 là 1.058 đồng/kWh: Giá bán lẻ điện bình quân cho các ngành sản xuất là 1.009 đ/kWh. Giá bán lẻ điện bình quân cho bơm nước tưới tiêu là 687 đ/kWh. Giá bán lẻ điện bình quân cho khu công nghiệp là 970 đ/kWh. Giá bán lẻ điện bình quân cho các đối tượng hành chính sự nghiệp là 1.160 đ/kWh. Giá bán lẻ điện bình quân cho kinh doanh là 1.919 đ/kWh. Giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt bậc thang là 1.112 đ/kWh.

* Với mức tăng này sẽ tác động đối với các ngành sản xuất, đối với điện sinh hoạt như thế nào, đặc biệt là khu vực nông thôn và các hộ nghèo?

- Dự kiến với giá điện cho sản xuất tăng khoảng 6,3%, năm 2010 các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỉ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2010. Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao (chiếm 30-40% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân... giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 2,83% - 3,15%; các ngành cán thép, xi măng giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,20% - 0,69%. Chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành. Như vậy, mức ảnh hưởng trực tiếp của tăng giá điện đến sản xuất là không lớn.

Giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt dự kiến tăng khoảng 6,8%, sẽ làm tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân trong năm 2010 khoảng 0,19 - 0,27%. Để thực hiện chính sách bù giá cho hộ thu nhập thấp, giá điện cho 50kWh đầu tiên vẫn được giữ nguyên, không tăng. Vì vậy, tất cả các hộ thuộc diện nghèo và một số lượng lớn số hộ có thu nhập thấp, cán bộ, công nhân viên, người lao động cả ở thành phố và nông thôn sẽ không chịu ảnh hưởng của việc tăng giá điện (khi dùng điện ít hơn 50kWh/tháng). Đối với các hộ sử dụng điện ở mức đến 100kWh/tháng, vì cũng là các hộ cận nghèo và có thu nhập không cao nên giá cho bậc thang này vẫn được giữ bằng giá thành bình quân sản xuất kinh doanh điện (tức là ngành điện không có lãi), tiền điện phải trả thêm tối đa của các hộ này là khoảng 7.000 đồng/tháng, bằng 0,33% thu nhập của một hộ dân có thu nhập dưới trung bình. Đối với các hộ sử dụng tới 200 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm tối đa khoảng 16.000 đồng/tháng, bằng 0,53% thu nhập hàng tháng của một hộ dân có thu nhập trung bình. Các hộ sử dụng 300 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm vào khoảng 26.000 đồng/tháng, bằng 0,59% thu nhập hàng tháng của một hộ dân có thu nhập cao. Các hộ sử dụng 400kWh/tháng số tiền phải trả thêm sẽ là 36.500 đồng/tháng. Như vậy, mức chi phí hàng tháng tăng thêm của các hộ gia đình do điều chỉnh giá điện là không lớn và không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt và đời sống người dân.

* Vậy khi tăng giá điện mới, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của ngành điện là bao nhiêu phần trăm ?

- Với mức tăng giá điện là 6,8%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2010 dự kiến chỉ đạt khoảng 2,85% (theo tính toán của EVN); Công ty truyền tải điện Quốc gia và các Tổng công ty điện lực có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt mức khoảng 8%. Tôi cho rằng, các mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu như trên là quá thấp so với các doanh nghiệp (DN) nhà nước khác như than và dầu khí, như vậy sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các DN ngành điện trong việc huy động vốn cho đầu tư vì các ngân hàng và các thể chế tài chính sẽ cho rằng các mức lợi nhuận như trên là quá thấp không đảm bảo khả năng chi trả, rủi ro cao và dẫn đến chi phí vay vốn sẽ càng tăng cao.

* Như vậy tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu... như thế nào, có gây áp lực tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện mới hay không?

- Tôi cho rằng tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ, do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể (thường chỉ ở mức dưới 1%). Tuy nhiên, kinh nghiệm những đợt điều chỉnh giá điện trước kia cho thấy, nhiều đơn vị kinh doanh thường lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các mặt hàng thiết yếu nhằm thu lợi nhuận. Vì vậy, việc đặt ra lúc này là công tác quản lý thị trường cần được đẩy mạnh để hạn chế hiện tượng tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân.

* Trân trọng cám ơn Cục trưởng!

Mai Phương (TTXVN)
(Thực hiện)


Mai Phương (TTXVN) (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết