27/11/2018 - 22:53

Ghi nhật ký sản xuất - việc rất cần! 

Với mong muốn nâng cao giá trị lúa gạo, thời gian qua các tỉnh, thành vùng ĐBSCL định hướng nông dân sản xuất theo quy trình GAP. Và để quy trình này thực hiện thành công, nông dân phải bắt đầu từ việc ghi chép sổ tay sản xuất lúa. Từ năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hành sổ tay mẫu về ghi chép nhật ký sản xuất và tiến hành tập huấn cho nông dân 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Giai đoạn 2010-2013, ngành nông nghiệp in thêm 120.000 cuốn sổ tay phát miễn phí cho nông dân các tỉnh ĐBSCL để phục vụ sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn” và VietGAP. Tuy nhiên, gần 10 năm qua, nông dân vẫn không mặn mà thậm chí xa lạ với công việc này mặc dù nội dung sổ ghi chép tình hình sản xuất lúa đã được đơn giản hóa tới mức tối đa.

Ghi nhật ký đồng ruộng sẽ giúp nông dân loại bỏ chi phí dư thừa, hoang phí, từ đó giảm giá thành sản xuất lúa.

Thực tế phải nhìn nhận, ghi chép nhật ký đồng ruộng đem lại nhiều lợi ích. Trước hết, việc ghi chép giúp bà con nông dân hình thành thói quen ghi lại các công việc trong sản xuất lúa thâm canh qua mỗi vụ và sau nhiều vụ có thể biết được những thay đổi ảnh hưởng đến tăng hoặc giảm năng suất lúa. Trong sổ tay ghi chép sản xuất lúa tất cả các công việc đều được tính thành tiền, kể cả việc sử dụng lao động gia đình. Từ đó, giúp nông dân biết được giá thành sản xuất ra 1kg lúa là bao nhiêu. Ngoài ra, từ các thông tin ghi chép qua mỗi vụ, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và nhóm nông dân có thể phân tích, đánh giá để đưa ra khuyến cáo tăng hoặc giảm các chi phí đầu tư theo hướng có lợi nhất. Đối với quy trình sản xuất theo GAP, ghi chép sổ tay sản xuất lúa là một trong những khâu cơ bản và quan trọng làm nền tảng truy nguyên nguồn gốc sản phẩm...

Lợi ích mang lại từ ghi chép nhật ký sản xuất là không hề nhỏ. Vậy đâu là nguyên nhân khiến người nông dân thờ ơ? Nhiều nông dân cho biết, họ không quen với việc “ghi ghi, chép chép” và chưa thấy được lợi ích mang lại từ công việc này. Hơn nữa, khi vào chính vụ, công việc đồng án bận rộn, mệt mỏi nên không còn nhớ đến việc ghi vào nhật ký sản xuất. Theo các chuyên gia đầu ngành, việc ghi chép vào sổ tay sản xuất là khâu khó nhất trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đòi hỏi sự trung thực của nông dân. Tuy nhiên, ở một số nơi do tâm lý sợ thua sút bạn bè, các thông tin nông dân ghi trong sổ tay vẫn chưa đảm bảo được sự chính xác tuyệt đối. Bên cạnh đó, nông dân mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thường không có hóa đơn, chứng từ; thậm chí phải nợ đến cuối vụ mới thanh toán nên việc ghi chép gặp nhiều khó khăn...

Sau nhiều năm triển khai, có thể thấy rằng, việc ghi chép nhật ký đồng ruộng là việc làm không dễ nhưng không phải là không làm được nếu người nông dân thay đổi nhận thức và có quyết tâm. Lợi ích trước mắt từ việc ghi chép nhật ký sản xuất cũng rất khó để “cân đo, đong đếm”. Thế nhưng, nếu có sổ tay ghi chép, sau mỗi mùa vụ và nhiều mùa vụ tiếp theo, người nông dân sẽ tìm ra các yếu tố dư thừa, hoang phí làm gia tăng giá thành sản xuất, đề ra giải pháp điều chỉnh, khắc phục để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận. Và hơn bao giờ hết, trong bối cảnh nông sản Việt nói chung và lúa gạo nói riêng đang trên đường hội nhập, yêu cầu sản xuất theo quy trình GAP là xu thế tất yếu thì việc ghi chép nhật ký sản xuất cần phải được tiến hành ngay, càng sớm càng tốt.

Bài, ảnh: QUẾ LIM

 

 

Chia sẻ bài viết