Những thửa ruộng bậc thang Tây Bắc đã xong mùa gặt, lúa nương được mang đi khắp nơi. Và Ba Vì có thêm món gà đồi xôi nếp nương hấp dẫn thực khách.
|
Gà đồi - nếp nương. |
Nếp nương vùng Tây Bắc là loại lúa mùa được canh tác theo phương thức truyền thống của người bản địa. Nếp có vị thơm và ngọt đặc biệt. Trước đây, muốn thưởng thức nếp nương, phải lên tận Tây Bắc. Bây giờ, nếp nương đã phổ biến, đặc sản miền núi đã về được miền xuôi nên món gà đồi nếp nương cũng mau chóng về xuôi, vào các nhà hàng, quán ăn.
Món này được chế biến khá cầu kỳ. Gà được làm sạch, lấy hết nội tạng rồi tẩm gia vị, khéo léo cho nếp nương vào bên trong bụng gà trước khi nướng. Cách làm cầu kỳ nhất là nướng gà bao đất sét. Cũng cách làm trên nhưng gà được bao lớp lá sen bên ngoài rồi đến lớp giấy mềm. Cột gà lại thật chặt bằng dây lạc rồi mới phủ một lớp đất bên ngoài cùng trước khi nướng gà trên lửa than đỏ hồng.
Gà được mang lên mâm, chủ quán khéo tay bóc tách lớp đất sét và dây lạc, giấy, lá sen để gà và xôi giữ nguyên khối, không bị rời ra. Món ăn thơm phức mùi lá sen hòa quyện vào gia vị tẩm ướp gà. Người ta cắt gà thành từng miếng dính một ít xôi nếp nương. Màu trắng ngà của nếp đã chuyển sang màu vàng của gia vị và nước từ thịt gà tiết ra, thơm ngào ngạt. Từng hạt xôi bóng mẩy, thấm gia vị ngon ơi là ngon. Ba, bốn người chỉ cần kêu một con gà bao xôi nếp nương là đủ cho bữa trưa.
Nếp nương rất phổ biến trong bữa ăn, tiệc tùng của người dân tộc thiểu số ở vùng cao. Gà thả trên đồi, đến chiều tự khắc biết tìm về nhà chủ. Chúng tự tìm thức ăn và di chuyển nhiều nên chất lượng thịt không chê vào đâu được, người miền Bắc dùng một từ để diễn tả là "rất chất". Gà đồi nếp nương được dùng trong những bữa ăn, thết đãi khách khứa. Món ăn này theo chân người về đồng bằng sông Hồng rồi vào tận miền sông nước Cửu Long. Tuy nhiên, thưởng thức gà đồi - nếp nương nếu không lên được vùng cao Tây Bắc thì có thể dùng tại Ba Vì cũng rất đúng "chất".
Bài, ảnh: LIÊN NGỌC