16/04/2019 - 19:37

Ecuador hứng chịu hàng chục triệu vụ tấn công mạng vì vụ Assange 

Úc bảo lưu lệnh cấm Huawei tham gia mạng 5G

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 15-4, chính phủ Ecuador cho biết nước này đã phải hứng chịu khoảng 40 triệu vụ tấn công mạng nhằm vào các trang web của các cơ quan nhà nước sau khi quyết định hủy bỏ quy chế tị nạn chính trị của ông Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks.

Theo Thứ trưởng Bộ Công nghệ thông tin và Liên lạc Ecuador Patricio Real, các vụ tấn công chủ yếu bắt nguồn từ Mỹ, Brazil, Hà Lan, Đức, Romania, Pháp, Áo và Anh cũng như từ trong nước với mục tiêu là các trang web của Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Trung ương, Phủ Tổng thống, các dịch vụ cho thuê trên lãnh thổ Ecuador, một số trường đại học và các bộ ngành khác. Ngoài những vụ tấn công này, Chính phủ Ecuador cũng liên tục bị các nhóm có liên quan tới ông Assange đe dọa. Hiện quốc gia Nam Mỹ này đã nhận được lời đề nghị giúp đỡ của Israel để bảo đảm an ninh mạng sau các vụ tấn công trên.

Ông Assange bị cảnh sát Anh bắt giữ tại Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô Luân Đôn hôm 11-4 sau khi bị Tổng thống Ecuador Lenin Moreno tước quy chế tị nạn chính trị với cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của những quốc gia khác và làm “nội gián”. Ngoài ra, Ecuador cũng quyết định tước bỏ quốc tịch của nhà sáng lập WikiLeaks mà ông được cấp hồi năm 2017 dưới thời chính quyền Tổng thống Rafael Correa.

* Trong khi đó, phản ứng trước khiếu nại của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính phủ Úc khẳng định sẽ vẫn giữ lệnh cấm hãng công nghệ Huawei tham gia triển khai công nghệ 5G ở nước này.

Ngày 14-4, Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham (ảnh) tuyên bố rằng chính phủ giữ nguyên quyết định của mình liên quan đến mạng 5G và quyết định này không nhằm vào bất kỳ một quốc gia hay công ty viễn thông nào.

Quyết định trên được đưa ra vào hồi tháng 8 năm ngoái, cấm các nhà cung cấp thiết bị “có khả năng phải chịu sự chỉ đạo của chính phủ nước ngoài” không được tham gia phát triển mạng 5G ở Úc. Ông Birmingham khẳng định Úc tôn trọng các quy trình của WTO, “tin tưởng vào sự tuân thủ của Úc” và sẽ trả lời các câu hỏi của Trung Quốc về lệnh cấm theo quy trình thông lệ.

Tại cuộc họp của WTO, trong khiếu nại của mình, Trung Quốc không nêu rõ tên hãng công nghệ liên quan nhưng ám chỉ lệnh cấm của Úc có tính chất phân biệt đối xử. Bắc Kinh cho rằng các biện pháp hạn chế mà một quốc gia đưa ra không thể giải quyết các mối lo ngại về an ninh mạng mà sẽ khiến chính quốc gia này bị cô lập trong việc áp dụng công nghệ mới.

Các quy định của WTO yêu cầu các quốc gia thành viên không được phép phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại, trừ khi có lý do an ninh quốc gia.

Huawei đã khởi kiện Mỹ ra trước WTO về lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó văn phòng Huawei ở Úc cho biết hãng này vẫn ưu tiên hợp tác với Canberra hơn là khởi kiện nhưng không loại trừ động thái này.

Chia sẻ bài viết