19/02/2018 - 22:34

Duyên hải trở mình 

Duyên hải phía Đông ĐBSCL, gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh nằm dọc sông Tiền, sông Hậu hiền hòa và một phần giáp biển Đông. Vùng châu thổ trẻ dù mới ngồi lại với nhau để bàn xây đề án liên kết nhưng đã cởi mở nhìn về tương lai để tạo bước ngoặt mới. “Lãnh đạo mỗi tỉnh phải nhất quán, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, xóa bỏ tư duy cục bộ địa phương, thực hiện xuyên suốt những mục tiêu, định hướng đã đề ra theo nguyên tắc “win-win”- tất cả các địa phương đều thắng và đều được hưởng lợi từ hoạt động liên kết”- Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng nói đầy tâm huyết.

Win-win: Tất cả cùng thắng!

Nhìn lại thành quả của tỉnh nhà nói riêng và của khu vực ĐBSCL nói chung năm qua, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nói: “Năm qua, ĐBSCL của chúng ta có nhiều hoạt động thiết thực để cụ thể hóa chủ trương liên kết vùng. Trong đó các tỉnh Duyên hải phía Đông ĐBSCL- Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị liên kết tiểu vùng hồi tháng 10-2017. Và chuyện trong giờ giải lao làm tôi nhớ mãi. Lúc đó, tôi nói vui là thức ăn nhẹ trên bàn đều là sản phẩm xứ dừa, không có của các tỉnh. Vậy thì chúng ta đã liên kết đâu! Trong khi lại bàn rất sâu về liên kết từ sản xuất nông nghiệp đến thương mại, dịch vụ và du lịch,… Tôi nói, Bến Tre rút kinh nghiệm, lần sau đến dự ở các tỉnh, Bến Tre sẽ mang theo đặc sản hợp tác với Ban Tổ chức để có màu sắc liên kết vùng, mang chủ đề hội nghị lên đến bàn tiệc để thảo luận luôn. Khi đại biểu hiểu ra, họ mới phì cười”- ông Trọng kể.

Mô hình lúa mùa - cá kèo sinh thái, sản xuất đảm bảo môi trường ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Mô hình lúa mùa - cá kèo sinh thái, sản xuất đảm bảo môi trường ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Câu chuyện đặc sản địa phương của ông Cao Văn Trọng nhẹ nhàng, nhưng đã gợi mở rất nhiều vấn đề. Ngay sau đó, lãnh đạo các tỉnh đã giới thiệu, nói sâu về các sản phẩm của địa phương, nêu ý tưởng liên kết, hợp tác trong không khí rất thân tình, với góc nhìn toàn diện từ những điều đơn giản, gần gũi nhất trong sản xuất và đời sống. Trên thực tế, các địa phương Duyên hải có tiềm năng, lợi thế phát triển khá tương đồng, nhất là về kinh tế biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; trái cây đặc sản như: dừa, bưởi, nhãn, sầu riêng, vú sữa, chôm chôm...; nhưng “mạnh ai nấy làm”, không có sự kết nối để phân bố sản xuất và nguồn lực phù hợp đã tạo nên những “điểm nghẽn” trong phát triển. Trong khi khu vực này là vùng châu thổ trẻ đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Với những tổn thương trước biến đổi khí hậu, 4 địa phương đã thống nhất đưa nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào Đề án liên kết tiểu vùng. Các tỉnh sẽ tập trung nâng cấp hệ thống đê biển; đảm bảo không gây xâm thực vùng ven biển; phát triển hệ thống đê biển kết hợp xây dựng đường giao thông kết nối giao thương; đề ra giải pháp phát triển bền vững nông nghiệp… để ứng phó với thiên tai. Bến Tre đang triển khai xây dựng nội dung dự thảo Định hướng chiến lược liên kết hợp tác và dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong quý I-2018. Sau đó, triển khai xây dựng Đề án liên kết, lãnh đạo các địa phương thay phiên nhau điều phối.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre- Châu Văn Bình, thông tin: “Ứng phó với biến đổi khí hậu cần liên kết để quản lý nguồn tài nguyên tốt hơn, huy động được nguồn lực đầu tư lớn. 4 tỉnh sẽ cùng nhau xây dựng 2-3 chuỗi giá trị trái cây và thủy sản. Liên kết đầu tư hạ tầng để thúc đẩy sản xuất, xúc tiến kêu gọi đầu tư chung thay vì mạnh ai nấy làm”. Cùng quan điểm, ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, cho rằng, liên kết thì hạ tầng phải đi trước một bước để tạo ra sự kết nối, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương. uốc lộ 57 vẫn còn phà Đình Khao qua sông Cổ Chiên, nếu Trung ương đầu tư, việc kết nối bằng hạ tầng này sẽ dẫn đến việc kết nối tự nhiên trong quá trình sản xuất tương đồng với nhau, hỗ trợ lẫn nhau giữa 4 tỉnh Duyên hải. Tuyến quốc lộ 53 cũng rất mong Trung ương hỗ trợ, để gắn kết nối giữa Vĩnh Long với các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp…”- ông Trương Đặng Vĩnh Phúc dẫn chứng.

Năng động phát triển

Chuyện liên kết tiểu vùng đã đặt lên bàn nghị sự và một Đề án liên kết cũng được các địa phương kỳ vọng sẽ ra mắt sớm. Trong quá trình chờ kết nối này, vùng Duyên hải đang nỗ lực từng ngày để biến thách thức thành cơ hội. Bến Tre được hợp thành bởi 3 dãy cù lao Bảo, Minh và An Hóa; ngoài kinh tế vườn, với nhiều trái cây đặc sản như: bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Bến Tre còn thế mạnh về kinh tế biển. Những năm gần đây, ngoài xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững, từ năm 2015 đến nay Dự án AMD Bến Tre - Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL (thực hiện tại Bến Tre và Trà Vinh) cũng góp phần đa dạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh, như: tôm-lúa sạch, cá kèo trên ruộng lúa, phát triển chăn nuôi bò, dê…

Mô hình trồng hoa lan của anh Văn Duy Phú hoa nở khoe sắc xuân.

Mô hình trồng hoa lan của anh Văn Duy Phú hoa nở khoe sắc xuân.

Những ngày này, nông dân huyện biển Thạnh Phú, Bến Tre đang tổng kết  mùa vụ để đón Tết. Ông Cao Văn Tùng, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Phú, cho hay, huyện đang hướng nông dân chuyển sang mô hình tôm càng xanh - lúa và cá kèo - lúa. Lúa sạch Thạnh Phú đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận được khoảng 2 năm nay, diện tích hiện đạt trên 950 ha chủ yếu ở xã An Nhơn. Những mô hình này vừa tăng thu nhập, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là sự đổi thay của vùng đất biển.

Mô hình trồng cỏ nuôi bò bền vững trên 3.500m2 của lão nông Lê Văn Kỷ ở xã An Nhơn được ông trang bị cả hệ thống tưới tự động hơn chục triệu đồng. Ông Lê Văn Kỷ bộc bạch: “Tui trồng cỏ nuôi bò mấy năm nay, trong chuồng lúc nào cũng 6-10 con giống, mỗi năm bán bò con 60-70 triệu đồng. Trồng lúa thất bát, cây ăn trái cũng không phát triển do mặn, nên phải chuyển đổi thôi!”. Mô hình nuôi cá kèo trên ruộng lúa diện tích 5.000m2 của nông dân Đặng Văn Tân ở xã An Nhơn cũng là điển hình về đổi mới tư duy sản xuất của nhà nông. Ông Tân cho hay: “Hồi trước, tôi nuôi tôm tự nhiên và làm lúa mùa, nhưng 2-3 năm nay, nuôi tôm kiếm đỏ con mắt chỉ hơn 10 triệu đồng/năm. Con cá kèo lại chịu nguồn nước ở đây, thả 75.000 con giống thu hoạch 1 tấn, trừ chi phí tôi còn khoảng 40 triệu đồng. Tôi sẽ đeo mô hình này”…

Từ tỉnh biển ngược về Vĩnh Long- nơi có nguồn nước ngọt quanh năm. Đến xã Trường An, TP Vĩnh Long thăm vườn hoa lan Dendrobium, Mokara… của anh Văn Duy Phú- một trong 65 mô hình được tỉnh hỗ trợ trong chương trình phát triển nông nghiệp đô thị. Anh Phú bộc bạch: “Tham gia mô hình hơn 1 năm với 150m2, tỉnh hỗ trợ 1.200 cây lan, giàn lan hiện cho thu nhập trên chục triệu đồng và còn tăng nữa. Trồng lan thân thiện với môi trường, đầu ra lan cành dễ dàng nên thuận lợi cho phát triển ở khu vực đô thị, tăng thêm thu nhập”. Quỹ đất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long gần 119 nghìn ha, trong đó diện tích vườn cây ăn quả gần 47 nghìn ha. Với mục tiêu phá thế độc canh cây lúa, Vĩnh Long chủ trương đưa giá trị kinh tế từ vườn cây ăn quả thành thế mạnh thứ hai sau cây lúa. Tỉnh đã có nhiều vùng chuyên canh cây đặc sản như: cam sành ở Tam Bình, bưởi Năm Roi ở Bình Minh, nhãn, chôm chôm, sầu riêng ở Long Hồ… “Tới đây, tỉnh triển khai Dự án xây dựng chuỗi giá trị cây bưởi da xanh và Năm Roi theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP diện tích 500 ha ở huyện Bình Minh để phục vụ xuất khẩu. Mô hình hoa kiểng và rau màu chất lượng cao đang tạo thêm thu nhập cho người dân cũng sẽ được nhân rộng”- ông Huỳnh Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp Vĩnh Long, cho biết.

*   *   *

Các địa phương đã tự chuyển động để giải bài toán phát triển bền vững và thích ứng cho vùng châu thổ trẻ. Những “điểm nghẽn” trong phát triển và liên kết đã được chỉ ra. Sự chung sức của Duyên hải đang được tính toán căn cơ để tất cả cùng thắng.

Duyên hải phía Đông ĐBSCL có diện tích tự nhiên gần 14.000km2 , dân số 5 triệu người. Đây là vùng có các hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, nên lợi thế phát triển thủy sản, cây ăn trái, cảng biển. Đồng thời là cửa ngõ của ĐBSCL ra biển Đông và gần với TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết