01/10/2008 - 22:42

Phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội lần thứ tư

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững

* Xây dựng quy hoạch đô thị phải quan tâm đến quyền lợi của người dân

Ngày 1-10, tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến vào Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.

Về tình hình năm 2008, nhiều ý kiến phát biểu đồng tình với những nhận định được nêu trong báo cáo: với sự quyết tâm cao trong lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo quyết liệt, tập trung cao của Chính phủ, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của toàn dân, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì được sự phát triển...

Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự chưa thỏa mãn với bản báo cáo vì chưa phân tích sâu sắc những hạn chế, tồn tại, chưa chỉ ra được những bài học tương xứng với thực tiễn. Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng năm 2008 đã đạt được những kết quả bước đầu là do có chủ trương đúng (ưu tiên kiềm chế lạm phát, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng...), chỉ đạo đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng hơn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị... Theo đại biểu, cần phải tổng kết 3 bài học này cho năm 2009 và những năm tiếp theo.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu lên trong 25 chỉ tiêu đề ra, trong năm 2008 có 9 chỉ tiêu chưa đạt, hầu hết ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân. Đại biểu Ánh Tuyết và nhiều đại biểu khác nêu vấn đề bất cập trong việc dự báo của các bộ, ngành. Các ý kiến nêu lên thực trạng trồng lúa, nuôi cá trong nhân dân..., việc thu mua không kịp thời đã đẩy bà con vào hoàn cảnh khó khăn trong sản xuất. Nhiều ý kiến đại biểu cũng nêu lên những vấn đề bức xúc về môi trường, giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề..., rất cần có sự phân tích sâu sắc, những nội dung trong báo cáo đề cập mờ nhạt. Các đại biểu đề nghị cần thấy được nguyên nhân và nêu các giải pháp cụ thể để năm 2009, cuộc sống của người dân được cải thiện nhiều hơn.

Phát biểu kết thúc nội dung phân tích, đánh giá Báo cáo tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nêu rõ: cần tập trung phân tích sâu sắc một số nội dung: những mặt hạn chế, yếu kém của nền kinh tế; chính sách trung hạn và dài hạn; tăng trưởng kinh tế; điều hành kinh tế vĩ mô; chính sách tiền tệ, tài khóa, sự phối hợp của hai chính sách này; quản lý đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư; hoạt động thu chi ngân sách; các vấn đề liên quan tới chính sách cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; các vấn đề về xã hội, môi trường, trong việc thực hiện chính sách về an sinh xã hội. Đối với nội dung năm 2009, báo cáo thẩm tra cần phân tích những khó khăn, thách thức, sự ảnh hưởng của nên kinh tế Mỹ tới nước ta, các phương án tăng trưởng kinh tế...

* Buổi chiều 1-10, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật quy hoạch đô thị.

Đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật quy hoạch đô thị, vì thực hiện Luật sẽ làm cho đất đai trong đô thị được sử dụng tiết kiệm, hợp lý hơn. Các đại biểu cho rằng, việc quy hoạch phải tính đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, vấn đề bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế. Trong quy hoạch cần hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa để làm khu công nghiệp, sân gôn...

Theo đại biểu Trần Du Lịch, thực tế hiện nay, người dân rất sợ quy hoạch bởi sợ bị thiệt thòi. Việc xây quy hoạch nhanh, dễ nhưng quá trình thực hiện kéo dài, thậm chí đến vài chục năm. Trong thời gian đó mọi quyền lợi chính đáng của người dân bị ảnh hưởng rất lớn do những nhu cầu thay đổi đều bị dừng lại. Đại biểu đề nghị trước khi xây dựng quy hoạch cần thực hiện điều tra xã hội học, tránh việc xây dựng quy hoạch trên máy, để người dân yên tâm khi có quy hoạch, quyền lợi của họ sẽ được đảm bảo.

Đại biểu Lê Quốc Dung và một số đại biểu khác đồng tình với việc thành lập Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng, đề nghị xác định rõ thẩm quyền về chuyên môn cho Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng như cho phép được phản biện với Hội đồng nhân dân cùng cấp nhằm tránh hình thức hóa hai chức danh trên. Đại biểu cũng cho rằng quy hoạch đô thị cần có tính bền vững, lâu dài, cần quy định cụ thể để có thể bảo lưu, gắn với mục tiêu, chính sách của chính quyền địa phương tránh bị chi phối bởi những ý tưởng, lợi ích cá nhân.

QUỲNH HOA - BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết