17/11/2022 - 10:30

Duy trì lối sống vận động, dinh dưỡng hợp lý để phòng bệnh đái tháo đường 

DUY LÊ - H. HOA

Cứ 5 giây có 1 người mắc bệnh đái tháo đường (ÐTÐ), 10 giây có 1 người tử vong và 30 giây có 1 chi bị mất vì ÐTÐ. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5 triệu người đang mắc phải bệnh ÐTÐ và con số này còn tiếp tục gia tăng nếu như người dân không biết cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân.

Xét nghiệm đường máu chẩn đoán bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ. Ảnh: H. HOA

ÐTÐ diễn tiến âm thầm nên nhiều người dân khi có biến chứng hoặc đến bệnh viện điều trị bệnh khác mới phát hiện bệnh. Chị Nguyễn Thị Mai, đường Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, kể: "Cách đây 3 tháng, ba em bị té xe đạp, trật gót chân nên đến cơ sở y tế sơ cứu. Sau khi về nhà, chỗ bị thương loét, không lành. Ba em đến bệnh viện khám thì mới biết mình bị ÐTÐ, vết thương nhiễm trùng, hoại tử, phải phẫu thuật cắt lọc. Nếu không thuyên giảm, buộc tháo khớp chân”. Sau hơn 3 tháng điều trị, số tiền tiêu tốn hơn 100 triệu đồng".

Gia đình chị Phạm Hồng Minh Diễm, ở đường Lê Bình, quận Cái Răng cũng đang lo lắng vì căn bệnh ÐTÐ của mẹ chồng chị. Bà bị tiểu đường nhiều năm, có lần biến chứng phải nằm viện dài ngày điều trị ở TP Hồ Chí Minh. Mới đây, bà lấy tay móc chỗ da đầu ngón chân, chẳng may bị xước, chảy máu. Vết thương không lành, loét ra, đau nhức, phải phẫu thuật cắt lọc phần thịt nhiễm trùng, loét. Ðến nay, vết thương vẫn còn đau nhức, phải tiếp tục điều trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Huơng cho biết, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc ÐTÐ ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh ÐTÐ. Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. 

Thống kê năm 1990, tỷ lệ ÐTÐ chỉ ở mức 1% đến 2%, nhưng nay đã gia tăng đến khoảng 6% trong tổng số dân cả nước. Ðó là hậu quả của lối sống sử dụng nhiều thực phẩm dư thừa dinh dưỡng, ăn nhiều thức ăn nhanh chứa dầu mỡ và chất đạm, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, môi trường sống bị ô nhiễm. 

PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng Khoa Nội tiết cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết thêm do bệnh tiến triển âm thầm nên khi phát hiện bệnh, có khoảng 50% đã có ít nhất 1 biến chứng. Vì thế để dự phòng ÐTÐ, cần duy trì lối sống vận động, tập thể dục kết hợp dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát cân nặng. Ðối với những người mắc bệnh ÐTÐ cần được dự phòng, trì hoãn biến chứng.

Cũng theo PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền, ÐTÐ đang gia tăng và trẻ hóa do thói quen ăn thức ăn nhanh, không phù hợp; lối sống ít vận động. Trước đây, ÐTÐ phổ biến ở tuổi từ 40 trở lên thì nay trẻ hóa, khi các em tuổi teen (học sinh) đã mắc bệnh. Vì vậy, mọi người cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát nguy cơ mắc bệnh ÐTÐ, tiền ÐTÐ, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giúp ngăn chặn quá trình phát triển bệnh và nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi có các biểu hiện như: khát nước và uống nước nhiều, đi tiểu nhiều lần, sụt cân, mệt mỏi, vết thương lâu lành, rối loạn cương dương... nên xét nghiệm đường máu. Với người tiền ÐTÐ, bệnh ÐTÐ thì luôn duy trì 3 trụ cột: Dinh dưỡng hợp lý (không khiêng kem quá mức) - tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và điều trị (thuốc).

Chia sẻ bài viết