25/12/2009 - 09:01

Đường băng nào cho giáo dục ĐBSCL cất cánh?

* LY GIANG

Bài 1: Thành quả của sự đầu tư lâu dài

ĐBSCL là vùng đất trù phú, đầy tiềm năng, là vựa lúa lớn nhất cả nước, nhưng phát triển chậm hơn so với các vùng, miền khác trong cả nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của ĐBSCL chính là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Đó là hệ quả của tình trạng giáo dục đào tạo yếu kém trong thời gian dài.

Xác định được điều đó, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề (GD, ĐT & DN) vùng ĐBSCL. Thế nhưng, trong khi giáo dục ĐBSCL bắt đầu phát triển thì ở các vùng miền khác cũng vươn lên mạnh mẽ hơn. Và do xuất phát điểm thấp lại thiếu sự đột phá nên khoảng cách giữa GD, ĐT & DN vùng ĐBSCL với các vùng, miền khác có nguy cơ ngày càng nới rộng. Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách này?

* Mạng lưới trường lớp mở rộng, khang trang hơn

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Chính phủ liên tục ban hành nhiều nghị quyết về phát triển GD, ĐT & DN vùng ĐBSCL nhằm rút ngắn khoảng cách chất lượng nguồn nhân lực giữa ĐBSCL và các vùng miền khác trong cả nước. Nhiều chương trình, dự án được triển khai, góp phần làm thay đổi bộ mặt cơ sở vật chất trường lớp trong toàn vùng. Hệ thống trường lớp học được rà soát, quy hoạch lại phù hợp với đặc điểm dân cư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển GD-ĐT. Trong 4 năm gần đây, tốc độ phát triển trường lớp từ mầm non đến THPT tăng 10,5%, toàn vùng có 6.537 trường học. Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới, trường lớp cũng được tập trung chuẩn hóa, kiên cố hóa với trên 12.000 phòng học được xây dựng mới từ nhiều chương trình, dự án; trong đó có trên 9.300 phòng học được xây dựng theo chương trình kiên cố hóa trường học, giai đoạn I. Giai đoạn II của chương trình kiên cố hóa đang được triển khai gần nửa chặng đường và đã có thêm hơn 12.000 phòng học được xây dựng mới... Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng được quan tâm đầu tư và có những chuyển biến tích cực. ĐBSCL hiện có 561 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng hơn 80% so với năm 2004.

Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (TP Cần Thơ) được xây dựng mới với kinh phí đầu tư khoảng 20 tỉ đồng.
Ảnh: L.G.  

Một trong những điển hình nổi bật của sự thay đổi cơ sở vật chất trường lớp là quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Năm 2004, quận có 51 trường học thì 31 trường xuống cấp trầm trọng. Sau 5 năm, 36 trường này đã được nâng cấp, xây dựng mới với qui mô lớn, kinh phí hàng trăm tỉ đồng, như: Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi được đầu tư 23 tỉ đồng xây mới trên nền của Trường Tiểu học An Hội cũ; Trường Tiểu học Lê Quí Đôn được xây mới với kinh phí 23 tỉ đồng; Trường THCS Lương Thế Vinh được đầu tư 10 tỉ đồng... Ngoài ra, còn có 2 trường được thành lập mới là Tiểu học Kim Đồng và Mầm non Hoa Cúc với kinh phí đầu tư xây dựng hàng chục tỉ đồng. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn về diện tích đất nhưng quận Ninh Kiều vẫn có 8 trường đạt chuẩn quốc gia. Ở 8 quận, huyện còn lại của TP Cần Thơ cũng có hàng loạt trường được xây dựng mới, như: THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn; Mầm non Tân Lộc, quận Thốt Nốt; THCS Thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ... Ông Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: “Trước đây, tỉnh Cần Thơ (cũ) có chương trình kiên cố hóa trường lớp xã anh hùng đã góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt trường lớp của vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. GD, ĐT & DN là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của thành phố Cần Thơ”.

Còn tại tỉnh An Giang, ngân sách đầu tư cho GD, ĐT&DN luôn chiếm khoảng 30% ngân sách tỉnh An Giang. Kết quả là, hiện nay toàn tỉnh đã có 55,24% trường tiểu học, 81,12% trường THCS, 87,47% trường THPT... có phòng học kiên cố và bán kiên cố. Ông Lê Minh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Tỉnh tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư cho giáo dục. Ngoài các chương trình của Chính phủ, An Giang còn xây dựng riêng những chương trình phát triển giáo dục tại địa phương”.

Chính việc mở rộng mạng lưới trường lớp đã tạo ra nhiều cơ hội học tập, nhất là đối với học sinh vùng sâu, xa. Năm 2003, khi hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Luôl từ ấp Rạch Dược sang ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, lập nghiệp thì đường sá đi lại còn rất khó khăn, chủ yếu bằng ghe, xuồng. Hai năm sau, con gái lớn của vợ chồng anh Luôl sắp vào lớp 1 nhưng từ nhà ra trường hơn 3 km, lại không có đường bộ. Vợ chồng anh phải lo chạy ăn từng bữa, không thể đưa rước con đi học. Quay qua quay lại, thấy nhiều nhà khác cũng khó như mình, anh Luôl bàn với vợ hiến đất xây dựng trường học. Lãnh đạo huyện Cái Nước đã chỉ đạo ngành giáo dục huyện ghi vốn công trình xây dựng điểm Tân Tạo của Trường Tiểu học Tân Hưng Đông 3 với 4 phòng học kiên cố, từ chương trình kiên cố hóa trường học. Chị Nguyễn Hương Giang, vợ anh Luôl, cười nói: “Khi về đây lập nghiệp, hai vợ chồng lo nhất là 2 đứa con bị dốt nhưng bây giờ thì an tâm làm ăn rồi”.

Đặc thù của ĐBSCL là có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất so với các vùng miền trong cả nước. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được mở rộng và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc Khmer được học hành đến nơi đến chốn. Ông Kim Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, phấn khởi cho biết: “Năm học 2008-2009, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Trường THPT Dân tộc Nội trú Huỳnh Cương đứng thứ 3 trong toàn tỉnh, thành tích này trước đây trường chưa bao giờ đạt được”. Hàng loạt trường dân tộc nội trú bậc THCS ở các huyện của tỉnh Sóc Trăng cũng được hình thành và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 1 trường THPT và 5 trường THCS dân tộc nội trú với gần 1.500 học sinh. Tại tỉnh Trà Vinh, tổng số học sinh Khmer chiếm 28,52% học sinh toàn tỉnh, trong đó, có 330 học sinh bán trú học tại 6 trường THCS, THPT dân tộc nội trú của tỉnh và tại các huyện. Tỉnh Trà Vinh cũng đã nâng cấp trường dân tộc nội trú huyện Trà Cú thành trường cấp 2-3 và xây dựng mới thêm trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Duyên Hải...

Hệ thống đào tạo của ĐBSCL phát triển nhanh chóng với 312 cơ sở dạy nghề; trong đó, có 5 trường cao đẳng nghề, 24 trường trung cấp nghề, 114 trung tâm dạy nghề... Nếu như hơn 10 năm trước, ĐBSCL chỉ có 1 trường đại học là Đại học Cần Thơ thì hiện nay toàn vùng có 11 trường đại học và 1 phân hiệu đại học Nha Trang. Trường Đại học Cần Thơ hướng đến xây dựng thành trường đại học trọng điểm của cả nước. Số lượng trường cao đẳng cũng tăng thêm 8 trường so với 10 năm trước, nâng số lượng trường cao đẳng của vùng lên 27 trường.

Tỉnh Cà Mau thành lập Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh. Trường cũng vừa được UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận đề án xây dựng mới với tổng kinh phí khoảng 400 tỉ đồng. Trước đây, cơ sở của Trường Đại học An Giang là cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm An Giang. Đến nay, trường đã mở thêm 5 chi nhánh tại: Tân Châu, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn. Năm học 2009-2010, trường cũng vừa đưa vào sử dụng khu trung tâm với kinh phí xây dựng gần 700 tỉ đồng trên diện tích 40 ha tại TP Long Xuyên. Tại khu trung tâm có 90 phòng học được trang bị màn hình LCD, màn chiếu, hệ thống âm thanh phục vụ giảng dạy. Ngoài ra, còn có 60 phòng thí nghiệm, 6 đại giảng đường liên hoàn. Thư viện điện tử của trường có 600 máy vi tính.

Có thể nói, trong khoảng 10 năm trở lại đây, cơ sở vật chất, trường lớp ở các bậc học ở ĐBSCL đã có sự thay đổi đáng kể: số trường học của toàn vùng tăng, trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng nhiều. Đó là kết quả của một quá trình quan tâm đầu tư lâu dài của Trung ương và các địa phương.

* Chuyển biến về đội ngũ giáo viên

Cùng với sự phát triển cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên của ĐBSCL ngày càng được nâng cấp. Số lượng giáo viên tăng nhanh, đáp ứng yêu cầu phát triển GD, ĐT & DN của khu vực. Chỉ trong 3 năm gần đây, số lượng giáo viên toàn vùng tăng 6,4%; tỷ lệ đạt và vượt chuẩn ở mầm non là 85%, tiểu học là 97,38%, THCS và THPT là 98,47%. Đội ngũ giáo viên ở các trường trung cấp chuyên nghiệp tăng 26%, các trường đại học, cao đẳng tăng 7,4%, trong đó, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đạt gần 5%, thạc sĩ đạt gần 30%...

Nếu như khoảng 3 năm trước đây, chỉ có khoảng 70% giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hưng Nam 1, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đạt chuẩn thì hiện nay con số này là 97,05%. Cụ thể, toàn trường có 34 giáo viên thì có 33 giáo viên đạt và vượt chuẩn. Giáo viên tham gia học các lớp đạt và vượt chuẩn bằng nhiều hình thức: chính qui, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Toàn huyện Gò Quao hiện có trên 95% giáo viên tiểu học, THCS đạt và vượt chuẩn. Ông Phạm Thiên Tuế, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Gò Quao, cho biết: “Ngoài lực lượng do ngành đưa đi học chuẩn hóa, nâng chuẩn, nhiều giáo viên đã tự đăng ký đi học. Với những trường hợp này, ngành giáo dục huyện chỉ đạo các trường sắp xếp giờ dạy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên học tập nâng cao trình độ”. Tương tự, ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, khoảng 5 năm trước, lực lượng giáo viên vừa thiếu vừa không đạt chuẩn. Nhưng hiện nay, hầu hết giáo viên các bậc học đều đạt và vượt chuẩn. Điển hình, 96% giáo viên mầm non của quận đạt và vượt chuẩn, 4% giáo viên còn lại cũng đang theo học các lớp nâng chuẩn. Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, hiện nay, toàn thành phố có 93,94% giáo viên mầm non đạt và vượt chuẩn; tỷ lệ này ở bậc phổ thông là gần 100%. Phần lớn giáo viên tự học để đáp ứng yêu cầu về nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển nhanh mạnh, nhu cầu về đội ngũ cán bộ giáo viên cũng tăng theo. Năm 1998, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Cà Mau chỉ có 3 cán bộ, giảng viên. Năm 2008, khi có quyết định thành lập Trường CĐ Cộng đồng Cà Mau trên cơ sở nâng cấp Trung tâm, lực lượng cán bộ giáo viên cơ hữu của trường là 40 người, trong đó chỉ có một vài người có trình độ thạc sĩ. Hiện nay, trường đã có 1 nghiên cứu sinh, 9 thạc sĩ và 8 người khác đang học cao học. Trường Cao đẳng Nghề An Giang khi được thành lập, hầu hết cán bộ, giảng viên chưa có trình độ sau đại học. Đến nay, trong tổng số 198 giáo viên, giảng viên trực tiếp giảng dạy của trường, có 13 người là thạc sĩ và 30 người đang theo học cao học.

Hầu hết lực lượng cán bộ, giảng viên của các trường CĐ, ĐH, trường nghề mới được thành lập là lực lượng cán bộ trẻ, được đào tạo căn cơ. Năm 2001, ngay sau khi tốt nghiệp đại học tại TP Hồ Chí Minh, chị Phùng Thị Phượng Khánh về công tác tại Trường CĐ Cộng đồng Trà Vinh vừa được thành lập. Chị Khánh là 1 trong 10 cán bộ trẻ của trường được chọn đi tập huấn ở Canada về chương trình quản lý trường học. Chị đang chuẩn bị làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Chị Khánh cho biết: “Để chuẩn bị cho việc nâng cấp Trường CĐ Cộng đồng Trà Vinh thành trường đại học, cán bộ giảng viên của trường đều cố gắng học tập nâng cao trình độ. Ban giám hiệu trường cũng tạo mọi điều kiện về kinh phí, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để tìm kiếm sự hỗ trợ của các trường đại học, các tổ chức nước ngoài trong đào tạo cán bộ”. Từ 10 cán bộ giảng viên ban đầu, hiện nay, Trường ĐH Trà Vinh có gần 500 cán bộ, giáo viên, công nhân viên; trong đó, có 2 tiến sĩ, 26 người đang là nghiên cứu sinh và đang học cao học tại nước ngoài.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư, đội ngũ cán bộ giáo viên được đào tạo bài bản, gần như không còn tình trạng thiếu giáo viên, tỷ lệ đạt và vượt chuẩn ngày càng cao... những yếu tố trên đã cộng hưởng, góp phần nâng cao chất lượng GD, ĐT&DN cho ĐBSCL.

* Chất lượng giáo dục nâng lên

Mạng lưới trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất trường lớp được chuẩn hóa, điều kiện học tập được cải thiện nên chất lượng giáo dục các bậc học, ngành học được nâng lên. Trong đó, đáng chú ý chính là việc huy động học sinh ra lớp ở bậc học phổ thông. Những năm qua, ở ĐBSCL, quy mô giáo dục các cấp học đều tăng đáng kể. So với năm học 2005-2006, hiện nay, số lượng trẻ mầm non tăng 17,7%, trong đó, các cháu dưới 3 tuổi đi nhà trẻ tăng 8,22%, trẻ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo tăng 10,61%, mẫu giáo 5 tuổi tăng 6,49%. Tổng số học sinh trung cấp chuyên nghiệp của ĐBSCL tăng 24,4%; quy mô sinh viên đại học, cao đẳng tăng 28,6%... Các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang... đã có những chuyển biến tích cực trong việc huy động trẻ mầm non đến trường. Chẳng hạn tại tỉnh Vĩnh Long, tỷ lệ huy động các cháu từ 3-5 tuổi vào mẫu giáo đạt 70%, đặc biệt, tỷ lệ trẻ 5 tuổi được đến trường đạt 100%. Tại tỉnh Bến Tre, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,88%. Đối với bậc học phổ thông, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đều tăng, tiểu học tăng 1,02%, THCS tăng 1,04%, THPT tăng 2,1%.

Về chất lượng, tuy không có những bước đột phá mạnh mẽ nhưng nhìn chung các tỉnh, thành ĐBSCL đều phát triển về chất lượng đại trà và chất lượng các phong trào mũi nhọn. Tham gia các kỳ thi cấp quốc gia, tỉnh An Giang có 26 học sinh đoạt giải. Ở TP Cần Thơ, tỷ lệ học sinh giỏi các cấp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đậu vào các trường cao đẳng, đại học tăng dần hàng năm. Năm học 2008-2009, tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ở TP Cần Thơ là trên 13% tổng số học sinh tốt nghiệp THPT, tăng hơn năm trước khoảng 2%.

Một trong những đơn vị có thay đổi lớn về chất lượng giáo dục là tỉnh Trà Vinh. Năm học 2006-2007, tỉnh Trà Vinh đứng đầu cả nước về tình trạng học sinh bỏ học với tỷ lệ bỏ học trung bình là 7,4%. Trong đó, tỷ lệ bỏ học ở bậc THCS là 7%, tỷ lệ bỏ học ở bậc THPT lên tới 10%. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành phối hợp cùng ngành giáo dục tìm giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng này. Ông Triệu Văn Phấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Đối với học sinh bỏ học vì học yếu, ngành chỉ đạo các trường phân công giáo viên phụ đạo cho các em song song với mô hình đôi bạn cùng tiến. Còn học sinh nghèo thì vận động các ban, ngành, mạnh thường quân hỗ trợ tập, sách, gạo...”. Hiện nay, tỷ lệ học sinh bỏ học của Trà Vinh chỉ còn bằng khoảng 1/3 so với năm học 2006-2007. Điều đáng mừng là không chỉ hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, mà chất lượng giáo dục của tỉnh Trà Vinh còn được nâng lên: tỷ lệ học sinh yếu kém giảm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh năm học 2008-2009 tăng hơn năm học trước 1% và xếp thứ 3 toàn vùng. Đặc biệt, tại tỉnh Trà Vinh, năm học 2008-2009, số lượng học sinh giỏi lớp 12 của tỉnh vươn lên đứng hàng thứ 4 trong khu vực. Trường THPT chuyên tỉnh Trà Vinh có số lượng học sinh đạt học sinh giỏi cấp quốc gia xếp thứ 50 trong hơn 200 trường THPT chuyên của cả nước.

Chất lượng bậc học phổ thông được nâng lên làm nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Thanh Đức Hải, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Trước đây, số lượng sinh viên năm thứ nhất chưa thích nghi được với phương pháp dạy học mới ở bậc đại học khá nhiều do các em không có kiến thức nền nhưng gần đây, tình hình đã thay đổi. Nhờ vậy, giảng viên có thể áp dụng được nhiều phương pháp giảng mới, nâng cao chất lượng đào tạo”. Theo ông Mạc Bỉnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng- Thương mại - Vận tải Phan Thành, TP Cần Thơ, những năm gần đây, đơn vị ông rất an tâm khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Cần Thơ và các trường khác trong vùng bởi đội ngũ này ngày càng năng động và làm việc hiệu quả hơn.

* * * * *

Sự quan tâm đầu tư cùng những chuyển biến trong quá trình phát triển kinh tế xã hội đã thúc đẩy giáo dục ĐBSCL có những bước chuyển biến khá mạnh mẽ về cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên. Chính sự phát triển này đã mở ra cơ hội học tập cho nhiều người, chất lượng giáo dục được nâng dần lên. Tuy nhiên, GD,ĐT&DN ĐBSCL vẫn còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm.


Kỳ 2: Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Chia sẻ bài viết