20/05/2009 - 08:56

Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Đứng trước nhiều thách thức

Thiếu- thừa giáo viên cục bộ giữa các cấp học, các bộ môn; trình độ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chưa đạt chuẩn… Đó là thực tế kéo dài nhiều năm, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL- vốn là “vùng trũng” giáo dục của cả nước- gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả dạy học. Quyết định 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005- 2010” ra đời nhằm khắc phục tình trạng này. Tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 09 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức, những thành tựu cũng như những hạn chế đã được thẳng thắn nhìn nhận.

Bước phát triển

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Vinh Hiển, sau 3 năm thực hiện Quyết định 09, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (NG&CBQLGD) vừa tăng về số lượng vừa nâng cao về chất lượng. Tính đến năm học 2007-2008, cả nước có 1.055.078 NG, tăng 79.800 NG (7,56%) so với năm học 2004-2005. Riêng ĐBSCL, năm 2005 có 152.733 NG, thì đến năm 2008 con số này tăng lên 160.051 NG. Về cơ bản, đội ngũ NG&CBQLGD đã đạt chuẩn, một phần vượt chuẩn. Các địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chủ động cân đối giáo viên thừa- thiếu đảm bảo đủ giáo viên các cấp, bậc học, tăng cường chuẩn hóa giáo viên.

Thầy và trò Trường Cao đẳng Cần Thơ trong giờ thực hành tin học. Ảnh: BÍCH NGỌC 

Trước khi triển khai Quyết định 09, đội ngũ NG&CBQLGD của tỉnh Cà Mau- một trong những địa phương vốn bị xếp vào vùng “trũng” giáo dục của cả nước- vừa yếu, vừa không đồng bộ. Trong khi ngành học mầm non thiếu khoảng 250 giáo viên, bậc học THPT thiếu trên 300 giáo viên thì tỉnh lại thừa trên 2.000 giáo viên tiểu học. Đặc biệt, vẫn còn bộ phận không nhỏ giáo viên đứng lớp chưa đạt chuẩn theo qui định. Đối tượng này đa số lớn tuổi, không có điều kiện tham gia bồi dưỡng chuẩn hóa hoặc hạn chế về năng lực chuyên môn, sức khỏe... Trong khi đó, sinh viên sư phạm ở địa phương được đào tạo chính qui từ các trường đại học, cao đẳng sư phạm, tốt nghiệp hằng năm với số lượng đáng kể nhưng lại không được tuyển dụng vì tổng biên chế đã thừa. Thực tế đó cũng dẫn đến tình trạng mất cân đối kinh phí. Nhiều địa phương phải dành đến 90% kinh phí hoạt động giáo dục để trả lương cho giáo viên. Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Thực hiện Quyết định 09, tỉnh đã sắp xếp lại đội ngũ NG&CBQLGD, cho nghỉ 1.759 người. Số lượng cán bộ, giáo viên nghỉ việc khá lớn nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giải quyết đúng đối tượng nên tất cả chấp hành tốt. Số cán bộ, giáo viên còn lại yên tâm công tác, tranh thủ mọi điều kiện để đi học tập nâng cao trình độ”. Hiện tại, Cà Mau chỉ còn thiếu khoảng 120 giáo viên mầm non; thừa khoảng 300 giáo viên tiểu học. Gần 200 cán bộ, giáo viên có trình độ sau đại học, 116 người đang học thạc sĩ và nghiên cứu sinh...

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, nhận định: “Sau 3 năm thực hiện Quyết định 09, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh có thể giải quyết tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn cơ bản ở vùng sâu, vùng xa. Thiết lập chương trình đào tạo các chức danh từ bảo vệ, lao công, tạp vụ đến các trưởng, phó phòng...”. Còn theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, một trong những kết quả bước đầu khi triển khai Quyết định 09 là công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện, thị xã được thực hiện tốt. Qua rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ quản lý đương chức, cán bộ dự nguồn của các phòng giáo dục và đào tạo, các cán bộ có năng lực được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình chuẩn hóa các chức danh.

Bất cập từ những “cỗ máy cái”

Trong 3 năm qua, hệ thống các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng NG&CBQLGD đã được củng cố, tăng cường. Đến năm học 2007-2008, cả nước đã có 14 trường đại học sư phạm, 23 trường đại học đa ngành có khoa sư phạm, 1 học viện Quản lý Giáo dục, 1 Viện Khoa học Giáo dục và 3 trường Cán bộ Quản lý Giáo dục. Hiện cả nước có 5 trường đại học sư phạm kỹ thuật, 15 khoa sư phạm kỹ thuật trong các trường đại học khác. Sự phân bố theo vùng, miền của hệ thống trường sư phạm đã tương đối hợp lý: TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều có trường đại học sư phạm trọng điểm. Các khu vực hoặc các tỉnh, thành phố đều có trường đại học sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi, sắp xếp lại hệ thống các trường, khoa sư phạm cũng bộc lộ nhiều bất cập như: trình độ đội ngũ giảng viên của một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ tương ứng; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục ở một số cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển giáo dục... nên chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Mô hình trường đại học đa ngành được chuyển đổi, nâng cấp từ các trường sư phạm chưa phát huy tính ưu việt trong đào tạo giáo viên. Nhìn chung, hệ thống các trường, khoa sư phạm chưa thực sự trở thành các trung tâm đào tạo tiên tiến trong toàn hệ thống. Vai trò các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng giáo viên còn mờ nhạt. Việc quản lý bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho các đối tượng tốt nghiệp chuyên ngành khác để được tuyển dụng làm giáo viên còn lỏng lẻo. Thiếu các trường thực hành sư phạm và công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, thực tập tốt nghiệp của sinh viên sư phạm chưa được quan tâm thỏa đáng. Tuy đã có chương trình khung, nhưng chương trình chi tiết của các trường, khoa sư phạm chưa thật sự đổi mới, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, không bắt kịp với thực tiễn đổi mới phát triển giáo dục và hội nhập quốc tế.

Theo ông Phạm Minh Giản, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp, rào cản lớn nhất của đội ngũ NG&CBQLGD vùng ĐBSCL trong việc tiếp cận với các chương trình đào tạo sau đại học là ngoại ngữ. Các địa phương có nhiều dự nguồn nhưng các ứng viên không thể đáp ứng vì yếu ngoại ngữ. Vì vậy, Bộ GD&ĐT nên quan tâm xây dựng Trung tâm Ngoại ngữ cấp vùng để chuẩn bị dự nguồn cho đào tạo nhân lực trình độ cao ở ĐBSCL. Ông Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, kiến nghị: “Bộ GD&ĐT cần hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống văn bản, qui chế đào tạo. Hiện nay, các trường sư phạm có đào tạo giáo viên THPT vẫn áp dụng Qui chế về thực tập, thực tế do Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) ban hành từ năm 1986. Nhiều điểm trong qui chế này đã lạc hậu, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và qui mô phát triển của các trường sư phạm”. Ông Hoàng Văn Cẩn cũng đề nghị Bộ GD&ĐT nên có chủ trương đào tạo liên thông trong trường sư phạm ở các cấp học mầm non- tiểu học, THCS- THPT... Bên cạnh đổi mới phương pháp dạy học, cần đầu tư Trường Thực tập Sư phạm cho các trường sư phạm trọng điểm để phục vụ tập huấn thay đổi chương trình sách giáo khoa và tập huấn giảng dạy ở các cấp học...

* * *

Nâng cao chất lượng đội ngũ NG&CBQLGD là nền tảng để nâng cao chất lượng dạy học. Mặc dù đội ngũ NG&CBQLGD đã có bước phát triển về số lượng lẫn chất lượng nhưng so với những chỉ tiêu đề ra theo Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ NG&CBQLGD giai đoạn 2005-2010”, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

DUYÊN KHÁNH

Đề nghị lùi thời hạn đạt các chỉ tiêu về xây dựng đội ngũ nhà giáo đến 2012

Sau 3 năm thực hiện Quyết định 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010, tỷ lệ nhà giáo đã tăng 7,56% so với năm học 2004-2005; tuy nhiên, một số chỉ tiêu về phát triển, nâng cao chất lượng giáo viên sẽ không được hoàn thành đúng thời hạn.

Hiện nay, tổng số giáo viên THPT là 134.246, tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,98 thấp so với định mức quy định là 2,25. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo là 98%, trong đó giáo viên có trình độ thạc sĩ trở lên là 3,8%. Như vậy, trong 2 năm tới sẽ không kịp đào tạo 8.000 thạc sĩ cho các trường THPT để đạt chỉ tiêu đến năm 2010 có 10% giáo viên THPT là thạc sĩ.

Ở bậc đại học, tổng số giảng viên là 38.217, riêng năm học 2006 - 2007 đã tuyển dụng được 2.700 giảng viên đại học, bằng số tuyển 5 năm trước đó. Tuy nhiên ở một số trường tỷ lệ sinh viên/giảng viên vẫn cao hơn 50sv/gv, thậm chí có trường khối kinh tế là gần 100sv/gv. So với chỉ tiêu đã đề ra là 20 sv/gv thì với quy mô sinh viên như hiện nay cần phải tuyển thêm 21.783 giảng viên nữa và điều này rất khó đạt được trong vài năm tới. Chỉ tiêu có 40% giảng viên đại học, cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó 25% là tiến sĩ nhưng thực tế, chỉ tiêu này chỉ có thể đạt được ở một số trường đại học. Tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ sau đại học đã tăng từ 36,53% (năm 2005) lên 40,35% (năm 2008) nhưng tỷ lệ có trình độ tiến sĩ lại giảm xuống còn 14,77%, tỷ lệ giảng viên được bổ nhiệm GS, PGS năm học 2005-2006 là 1,14% nhưng năm học 2007 - 2008 đã giảm còn 0,79%. Nguyên nhân là do số giảng viên có trình độ tiến sĩ đến tuổi nghỉ hưu nhiều hơn số giảng viên kế cận có trình độ tương đương. Ở các trường cao đẳng cũng xảy ra tình trạng tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có tăng nhưng số có trình độ tiến sĩ lại giảm. Nguyên nhân là do số giảng viên sau khi đạt trình độ tiến sĩ đã chuyển lên giảng dạy ở bậc đại học.
Ngoài ra, một số chỉ tiêu đã đặt ra đến năm 2010 đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS... đã đạt nhưng vẫn còn thiếu so với định mức quy định hay vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế như: tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn là 89,1%, vượt chỉ tiêu 9,1% nhưng vẫn còn thiếu so với định mức quy định; tỷ lệ giáo viên/lớp ở bậc tiểu học là 1,29 vượt 0,09 so với định mức nhưng mới chỉ đáp ứng được 86% so với nhu cầu...

Để có thể hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra cũng như nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện Đề án 09 đến năm 2012. Ngoài ra, có thể cho phép kéo dài thời gian công tác của nhà giáo có trình độ tiến sĩ, GS, PGS đã đến tuổi nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, có nguyện vọng tiếp tục được giảng dạy đến 65 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ ở các cơ sở giáo dục có nhu cầu, có chế độ bảo lưu phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề nghiệp cho cán bộ quản lý giáo dục.

NGỌC ANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết