28/04/2018 - 07:36

Đừng đẩy trở ngại thành bế tắc 

Ông bà ta thường nói “chén trong sóng còn khua”, vật vô tri là vậy, huống chi vợ chồng, con cái sống chung nhà, sao tránh khỏi những lúc bất hòa, xích mích. Cuộc sống vốn nhiều áp lực, đôi khi gặp khó khăn nhưng người trong cuộc không tiện giãi bày, nếu thiếu suy nghĩ sẽ dẫn đến hành động nông nổi. Trong tình cảnh này, các thành viên khác không hiểu, gây áp lực, càng khiến sự việc thêm rối. Dù chuyện riêng hay chung, là người thân phải cùng trách nhiệm, hợp tác tìm cách giải quyết để nhà cửa yên ấm, đừng vì sự vô tình, chủ quan tạo thêm xung đột, gây thảm kịch đau lòng.


Bức bối, áp lực dồn nén khiến Hồ mất lý trí, giết vợ, phải lãnh án tử hình. Ảnh: KIỀU CHINH

Đến giờ, người dân phường An Cư còn bàn tán về cái chết thương tâm của chị N.P. (47 tuổi), thi thể được phát hiện trên rạch Cái Khế cách đây gần nửa tháng. Do gia đình từ chối khám nghiệm tử thi nên không rõ nguyên nhân chị tử vong. Một người hàng xóm kể, trước đây, cuộc sống vợ chồng chị P. cũng hạnh phúc. Thời gian sau này, kinh tế khó khăn, chị P. vay mượn nợ, vốn lãi chồng chất, gia đình thường lục đục. Chị P. có vẻ rất buồn, trở nên lặng lẽ, ít nói. Đêm trước khi chị P. bỏ đi, trong nhà xảy ra cự cãi. Thấy khuya chị P. không về, mọi người đổ xô đi tìm nhưng không gặp, đến sáng thấy xác chị trôi sông.

Cuối tháng 12 năm 2017, ở quận Ninh Kiều xảy ra vụ chồng tự tử trước mặt vợ tại cầu Rạch Ngỗng 2, nạn nhân là anh Đ. (ngụ phường Thới Bình). Nguyên nhân cũng xuất phát từ những chuyện buồn, mâu thuẫn âm ỉ, dồn nén, nên chỉ cần vài câu khích bác, thiếu cảm thông liền thổi bùng ngọn lửa mặc cảm, tức giận. Công an viên thụ lý vụ việc cho biết, anh Đ. làm ăn thất bại sinh chán nản, vợ chồng ít chia sẻ nên giữa đôi bên có lúc hiểu lầm. Anh Đ. từng có ý định tự tử nhưng gia đình biết được, khuyên can. Sau này, thấy anh đi làm, sinh hoạt bình thường, người thân cứ tưởng anh đã bình tâm, vượt qua giai đoạn khó khăn. Đâu ai dè, chỉ vì cuộc cãi nhau với vợ trên đường, anh dừng xe, bước lên cầu, trèo qua lan can và nhảy sông, kết thúc cuộc đời. Mọi việc diễn ra trong tích tắc, không ai kịp can ngăn.

Thời gian gần đây, thành phố xảy ra nhiều vụ việc đau lòng liên quan mâu thuẫn gia đình, bắt nguồn từ những gút mắc gặp phải trong cuộc sống, không được giải quyết thấu đáo. Vì nhiều lý do, người trong cuộc trở nên bế tắc, tìm đến cái chết hoặc gây ra thương tích, án mạng. Như vụ Nguyễn Văn Hồ (SN 1988) dùng dao giết vợ, bị TAND TP Cần Thơ tuyên án tử hình cuối năm 2017. Có vợ con nhưng Hồ thiếu trách nhiệm, rượu chè bê tha, còn gây nợ nần, phải bỏ trốn. Chị N., vợ Hồ, vừa nuôi con, vừa làm lụng vất vả kiếm tiền trả nợ cho chồng. Không hiểu nỗi khổ của vợ, Hồ còn nghe lời gièm pha, ghen tuông vô cớ, vợ giải thích nhưng Hồ không tin, hễ gặp mặt là... sinh chuyện. Mặc cảm ăn bám, gây họa cho gia đình cộng với những lời chỉ trích của người thân và sự phản ứng khá gay gắt của vợ, trong lần cự cãi, Hồ nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của vợ tại ngôi nhà từng là tổ ấm lứa đôi. Bà ngoại chị N. buồn bã kể: “Biết vợ chồng nó có mâu thuẫn, tôi khuyên hoài, việc gì cũng nên bình tĩnh giải quyết. Phải chi tụi nó nhường nhịn, thông cảm cho nhau, sửa bớt cái sai, đâu xảy ra chuyện tày trời”. Một phút thiếu kiềm chế “biến” Hồ thành kẻ sát nhân, đẩy con thơ vào cảnh côi cút.

Vợ chồng cần có sự thấu hiểu, chia sẻ vui buồn cùng nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh mang tính minh họa.
Vợ chồng cần có sự thấu hiểu, chia sẻ vui buồn cùng nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh mang tính minh họa.

Anh bạn tôi (39 tuổi, kỹ sư tin học ở quận Ninh Kiều) luôn khiến bạn bè ngưỡng mộ bởi sự linh hoạt, khôn khéo trong xử lý chuyện nhà. Cách nay khoảng 2 năm, anh phát hiện vợ có biểu hiện lạ, hay lo lắng, cáu gắt, còn đem việc về làm thêm ban đêm, chồng hỏi thì tránh né. Có lần con gái (lớp 8) than mẹ dạo này tiết kiệm quá, xin mua cái áo mới cũng không cho, thức ăn mua không ngon như trước… Anh dò hỏi, biết vợ lén cho người yêu cũ mượn 60 triệu đồng với lý do chữa bệnh, sau đó không liên lạc được. Sợ chồng biết, vợ anh tìm cách bù số tiền đó, cắt giảm chi tiêu trong nhà, cật lực làm thêm, bán cả dây chuyền cưới. Anh tâm sự: “Tôi rất giận nhưng nghĩ lại thấy tội nghiệp vợ, mất tiền còn mất cả lòng tin, tình cảm, chắc cô ấy buồn lắm. Tôi nói chuyện thẳng thắn với vợ, góp ý chân thành, không nặng lời, xem như tặng bạn số tiền. “Được lời như cởi tấm lòng”, vợ tôi như trút được gánh nặng, cảm ơn rối rít và hứa sau này sẽ bàn bạc với chồng mọi việc. Nếu lúc đó tôi nổi giận, làm căng, chắc khó giữ hạnh phúc”.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Ngô Thành Thuận, Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, chia sẻ: “Rạn nứt gia đình thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ về tính cách, thói quen, sở thích… của vợ hoặc chồng. Từ những khác biệt này cộng thêm áp lực trong cuộc sống, tạo nên cảm giác ngột ngạt, bất lực và bế tắc, dẫn đến hành xử nông nổi, gây hậu quả  thương tâm. Để không rơi vào nghịch cảnh phải kết liễu đời mình hoặc do thiếu kiềm chế làm chuyện vi phạm pháp luật, mỗi người khi gặp khó khăn cần xác định việc quan trọng nhất phải làm ngay; cần ai giúp; suy nghĩ vấn đề đơn giản theo kiểu chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không có. Cuối cùng, hãy nghĩ mình được sống trên đời là điều may mắn nên phải quý trọng bản thân để luôn hạnh phúc bên gia đình yêu thương”.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết