26/06/2009 - 08:04

Dựa vào thế mạnh về biển và sông nước để phát triển ngành thủy sản bền vững

(Chinhphu.vn) - Chiều 25-6, tại cuộc họp với các Bộ, ngành góp ý cho Chương trình Phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì xây dựng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về biển và sông nước vì vậy cần dựa vào đó để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững. 

Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã phát triển một cách mạnh mẽ và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế của đất nước. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ chỗ chỉ có 262.000 ha mặt nước được đưa vào NTTS, cho sản lượng chưa đầy 200.00 tấn năm 1980, đến năm 2008, diện tích NTTS đã được mở rộng lên trên 1 triệu ha và sản lượng đạt gần 2,45 triệu tấn, tăng gấp 12 lần so với năm 1980. Với sự đóng góp chủ yếu của sản phẩm từ NTTS, giá trị xuất khẩu TS của Việt Nam năm 2008 đạt trên 4,5 tỉ USD, đứng thứ tư trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của cả nước.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, trong quá trình phát triển đã nảy sinh không ít tồn tại, bất cập như công tác quy hoạch không kịp với tốc độ phát triển; sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch, môi trường một số nơi có dấu hiệu suy thoái dẫn đến dịch bệnh phát sinh và mất cân bằng giữa cung cầu; đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất; vấn đề chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế...

Chương trình đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020, NTTS sẽ trở ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Là ngành sản xuất TS chủ lực cung cấp cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế; tạo thêm nhiều việc làm tăng thu nhập cho ngư dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo của Tổ quốc.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình sẽ tập trung đẩy mạnh công tác chọn giống, sản xuất giống có chất lượng cao; ưu tiên phát triển sản xuất giống phục vụ nhu cầu nuôi tại chỗ ở những nơi có điều kiện thuận lợi; đầu tư xây dựng các vùng sản xuất giống TS tập trung, đặc biệt khu vực Nam Trung bộ đầu tư khu sản xuất giống TS nước mặn, lợ phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu; Thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi, ưu tiên những đối tượng có ưu thế xuất khẩu và khả năng cạnh tranh cao; Phát triển NTTS trong mối quan hệ liên ngành với các ngành kinh tế xã hội khác như phục vụ giải trí, thể thao và du lịch, duy trì, phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ để bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Đóng góp ý kiến xây dựng Chương trình, hầu hết đại diện các Bộ, ngành đều cho rằng, cần đánh giá lại thực trạng NTTS trong thời gian qua đã hợp lý chưa, đặc biệt là đánh giá những mặt tác động xã hội, môi trường để có mục tiêu và giải pháp phát triển cụ thể và phù hợp. Ngoài ra cần có những giải pháp đột phá cho NTTS. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thắng, những giải pháp đột phá đó tập trung vào giống, chủ động về thức ăn, quy trình nuôi trồng và môi trường. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp cùng vào cuộc.

KIỀU LIÊN

Chia sẻ bài viết