18/12/2007 - 15:28

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), đồng chí Trương Tấn Sang:

Đưa khu vực kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn

Ngày 17-12, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể với sự tham dự của các đồng chí Phó Bí thư thường trực các tỉnh, thành ủy; Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước phụ trách về kinh tế; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực chủ trì hội nghị.

Trong 5 năm qua, kinh tế tập thể đã đạt được những kết quả như: Tổ hợp tác phát triển mạnh và là mô hình phổ biến, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều vùng hiện nay. Các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Trong đó số tổ hợp tác, hợp tác xã tăng lên đáng kể, tính đến tháng 6-2007, cả nước có trên 320.000 tổ hợp tác (tăng 32% so với năm 2001) và số hợp tác xã là 17.599, Liên hiệp hợp tác xã là 39 (tăng 17,92% so với năm 2001). Các tổ hợp tác, hợp tác xã thu hút trên 12,5 triệu xã viên, hộ xã viên (là người lao động, các hộ kinh tế gia đình, kinh tế cá thể và doanh nghiệp nhỏ). Hiện cả nước có trên 100.000 tổ hợp tác, 8.535 hợp tác xã nông, lâm, diêm nghiệp với 6,9 triệu xã viên, hộ xã viên tham gia... Mặc dù có những chuyển biến tích cực, nhưng các tổ hợp tác, hợp tác xã vẫn trong tình trạng yếu kém, còn nhiều khó khăn và bất cập lớn.

Tại hội nghị có 20 ý kiến phát biểu, tập trung phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, trong đó nổi lên là các yếu tố về năng lực nội tại, điều kiện triển khai các hoạt động, đặc biệt là mặt bằng, vốn, cơ sở vật chất, công nghệ và trình độ quản lý của các hợp tác xã thấp và yếu. Nhiều hợp tác xã còn lúng túng, thiếu định hướng hoạt động, lợi ích mang lại cho xã viên ít, không đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi bức xúc của xã viên về vốn, vật tư cho sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tiêu thụ sản phẩm... nên xã viên, thành viên còn thờ ơ, thiếu gắn bó với hợp tác xã; đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã cũng còn nhiều yếu kém; tâm lý ỷ lại, dựa dẫm trong xã viên, hợp tác xã còn lớn. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về các đường lối, quan điểm phát triển kinh tế tập thể, bản chất và mô hình hợp tác xã mới chưa đầy đủ dẫn đến trong chỉ đạo vừa có biểu hiện lúng túng, buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu vào tổ chức, hoạt động của hợp tác xã. Công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết của Đảng về kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã và các chính sách đối với hợp tác xã làm chưa tốt; chưa chú trọng tổ chức thông tin, phổ biến đến dân. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương chưa quan tâm đến phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể...

Kết luận hội nghị, Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương tập trung thực hiện cho được mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) đã đề ra, trong đó cần sớm đưa khu vực kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Về các giải pháp, đồng chí nhấn mạnh: Trong công tác tuyên truyền phải chú trọng tổ chức thông tin, phổ biến các Nghị quyết của Đảng về kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã và các chính sách đối với hợp tác xã đến người dân, nhất là người lao động trong khu vực kinh tế tập thể. Ban Tuyên giáo của các Tỉnh ủy, Thành ủy phải vào cuộc, làm quyết liệt và kiên trì công tác tuyên truyền về vấn đề này. Những mô hình kinh tế tập thể phải đa dạng (đa dạng về quy mô, trình độ, cũng như những chính sách mới của Nhà nước ban hành). Phải rà soát lại các cơ chế, chính sách để bổ sung, hoàn thiện và kiểm tra xem cơ chế, chính sách có vào cuộc sống hay không. Cần quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, có chính sách bảo hiểm xã hội, đất đai, tài chính tín dụng, hỗ trợ về thị trường để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế này có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế đất nước...

ĐỖ CƯỜNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết