18/01/2008 - 10:36

UNESCO khuyến cáo:

Đưa giáo dục mầm non vào chương trình nghị sự quốc gia

Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã đưa ra khuyến cáo trên tại lễ công bố Báo cáo giám sát toàn cầu về giáo dục cho mọi người, chủ đề giáo dục mầm non năm 2007 tổ chức ngày 17-1 tại Hà Nội.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, đại diện Vụ Giáo dục Thường xuyên, Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Sở Giáo dục và Đào tạo một số tỉnh, thành phố và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế.

Dựa trên kết quả nghiên cứu thực trạng giáo dục ở 125 quốc gia, trong đó có Việt Nam năm 2007, UNESCO cho rằng: Giáo dục mầm non đã có tiến bộ rõ ràng nhưng vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Về mặt kinh tế, việc tiến hành các biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em ngay từ giai đoạn mầm non có lợi hơn là phải đền bù cho những thiệt thòi mà chúng phải chịu đựng khi lớn lên về: sức khỏe, dinh dưỡng, sự phát triển nhận thức... Chính vì vậy cần đưa giáo dục mầm non lên chương trình nghị sự quốc gia và quốc tế để có biện pháp giải quyết đồng bộ; tăng nguồn tài trợ và tăng tài chính công cho chăm sóc giáo dục mầm non, nhất là nhóm trẻ nghèo và trẻ hoàn cảnh đặc biệt. Nhà nước cần ban hành các tiêu chuẩn tối thiểu đối với các cơ sở dịch vụ giáo dục mầm non công lập cũng như ngoài công lập; Đội ngũ cán bộ mầm non cần được đào tạo và hỗ trợ tốt hơn.

Báo cáo của UNESCO chỉ rõ: Hiện nay trên thế giới có tới 77 triệu trẻ em chưa có cơ hội tới trường, tỷ lệ nhập học thô của trẻ mầm non vẫn thấp. Ở Việt Nam, tỷ lệ này là: 47%, thấp hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (91%), Malaysia (hơn 100%)... Trẻ nhỏ tuổi thường là đối tượng bị sao lãng: hầu như một nửa số nước trên thế giới không có các chương trình chính quy cho trẻ dưới 3 tuổi. Theo các chuyên gia của UNESCO, chất lượng của mối quan hệ giữa người chăm sóc và trẻ sẽ quyết định chất lượng của giáo dục mầm non. Vì thế các giáo viên phải có kỹ năng sư phạm tốt. Hiện nay trình độ giáo viên mầm non chưa được đảm bảo. Ở các nước công nghiệp phát triển: chuẩn chuyên môn của giáo viên mầm non là đại học và đào tạo chuyên sâu. Tại các nước kém phát triển, các nước đang phát triển, giáo viên mầm non thường có trình độ thấp và ít có nghiệp vụ sư phạm. Ở Việt Nam, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non cũng chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới: 1/4 số giáo viên ở trình độ dưới chuẩn, tỷ lệ giáo viên dân tộc thiểu số ở các vùng có đồng bào thiểu số chưa đáng kể (5,1%).

NGỌC ANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết