* Ký sự: Đặng Duy Khôi
Đồng bằng sông Cửu Long với cây lành trái ngọt, đồng lúa vàng bông cùng hệ thống kinh rạch chằng chịt đã tạo nên một bản sắc rất riêng. Những năm gần đây, nhiều nông dân đã biết khai thác những nét đẹp hoang sơ, mộc mạc ấy để hình thành những loại hình du lịch nông nghiệp khá độc đáo.
Những tấm lòng hào sảng, hiếu khách lưu truyền từ ngàn xưa của nông dân là “đặc sản du lịch” níu chân du khách
Đi dọc triền đê của rừng tràm Trà Sư, ngọn gió chướng đưa hương tràm thoang thoảng, anh Nguyễn Thanh Tùng, phụ trách Marketing Dự án thành lập Trung tâm Du lịch nông dân An Giang, giới thiệu: “Với loại hình du lịch nông dân, du khách sẽ trải nghiệm về cách sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của bà con. Đặc biệt, du khách sẽ ngủ qua đêm tại nhà dân để hòa cùng nhịp sống đồng quê”. Anh Tùng mời tôi thử một ngày làm nông dân ở nhà chị Kim Niên - một hộ nông dân làm du lịch ở ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên. Mới tới cổng rào, chị Kim Niên đã đón khách bằng nụ cười cởi mở. Chị nói: “Sẵn dịp các anh đến, vào đây cùng thưởng thức đờn ca tài tử với đoàn du khách người Pháp”. Trong căn nhà tường cặp kinh Trà Sư, không khí ấm lên với tiếng đờn, lời ca hòa nhịp. Trời về chiều, sau tiết mục đờn ca, tôi cùng đoàn khách nọ xuống kinh Trà Sư lặn ngụp, ném bùn đùa giỡn với nhau. Trên trời, từng đàn cò, ốc cao, gà nước
xếp hàng bay về rừng già. Hầu hết du khách người Pháp rất thích thú. Riêng tôi, bao tháng ngày xa làng quê, kinh rạch, được hòa mình vào dòng nước còn nồng dậy mùi phù sa quả là một cảm giác đầy thú vị.

Du khách Nhật tập làm nông dân. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Bữa cơm chiều với thực đơn gồm lẩu mắm cá linh, gỏi sầu đâu khô cá lóc và cá rô kho tộ. Trong lúc chị Niên chuẩn bị bữa ăn, mấy vị du khách Pháp hào hứng xắn tay phụ chủ nhà làm bếp, nhóm lửa, vo cơm
Bữa cơm chiều đơn giản, mặn mòi khô, mắm được bày trên chiếc chiếu trước hàng ba, khách ăn ngon lành. Cũng chẳng biết nên gọi “khách sạn” nhà chị Niên “đạt chuẩn mấy sao” bởi căn nhà khá đơn sơ, giường ngủ cho khách chỉ là bộ vạt tre trải chiếu cùng chiếc quạt máy, nằm day mặt ra cửa sổ ngắm sao trời Thất Sơn lung linh trong tiết cuối đông. Chị Niên trần tình: “Cũng ngộ, cho ngủ nệm họ không chịu. Đơn giản vậy chứ ai cũng mê
”. Sáng hôm sau, tôi cũng như những du khách Pháp đã bị cuốn hút bởi những tiết mục: cưỡi trâu trên đồng, dỡ chà bắt cá, bơi xuồng len lỏi theo những con kinh nhỏ của rừng tràm Trà Sư... Một ngày với miệt vườn sông nước biếc xanh, với bà con quê chân chất, chắc rằng du khách thấy lòng nhẹ tênh và sẽ mang theo nhiều ký ức đẹp khi trở về.
Chị Kim Niên kể rằng, chị đã làm du lịch kiểu này được hơn hai năm. Lúc trước, gia đình sống nhờ mấy công đất trồng cây ăn trái và quán cóc ven đường nên cuộc sống khá khó khăn. Bây giờ thu nhập tăng lên gấp đôi ba lần ngày trước, chuyện chi tiêu, học hành của con cái giờ cũng “dễ thở”. Chị cười: “Cũng nhờ du lịch đó!”.
Ở xã Văn Giáo dưới chân núi Cấm này ngoài gia đình chị Niên còn có hàng chục gia đình khác cũng làm du lịch kiểu nông dân. Đi dọc tuyến lộ trong xã, tôi nhìn thấy nhiều đoàn khách vai mang ba lô, tay xách máy ảnh thích thú khám phá vẻ đẹp của Thất Sơn. Văn Giáo cách đây hơn chục năm như một viên ngọc thô, như một thiếu nữ còn say giấc nồng
Nhờ mô hình nông dân làm du lịch mà cuộc sống bà con nâng lên thấy rõ, xóm làng cũng được chỉnh trang sạch đẹp hơn.
* * *
Tôi có dịp xuôi dòng sông Tiền. Từ trên cầu Rạch Miễu ngó ra sông, bốn cù lao Long, Lân, Quy, Phụng mướt xanh như những dãy lụa. Cồn Lân hay còn gọi là cù lao Thới Sơn (TP Mỹ Tho) từ lâu được biết đến với bốn mùa cây trái tốt tươi. Nhãn xuồng và mật ong nhãn là đặc sản trứ danh của cù lao. Người dân Thới Sơn đã biết tận dụng những lợi thế mà mẹ thiên nhiên ban tặng để “hái ra tiền” từ dịch vụ du lịch. Đến cù lao, du khách được ăn trái cây, uống trà mật ong, nghe đờn ca tài tử, chèo xuồng len lỏi trong các kinh rạch ngoằn ngoèo, lắt léo, rợp mát bóng dừa nước, mang đến cho du khách cảm giác như khám phá động thiên đường
Khi đã mệt nhoài với một ngày du ngoạn, khách có thể đến nhà dân để nghỉ qua đêm và thưởng thức những món ngon dân dã. Điểm thu hút ở cù lao Thới Sơn là có nhiều ngôi nhà vẫn giữ được nét cổ kính. Cách bày trí trong các ngôi nhà này cũng theo phong cách cổ: chiếc tủ thờ cẩn xà cừ lóng lánh, bộ trường kỷ chạm trổ rồng phụng tinh xảo, đôi liễn sơn son thếp vàng... Hara, một cô gái Nhật đang quảy quang gánh trên đường làng Thới Sơn, chia sẻ: “Thích nhất là được cùng nấu ăn, sinh hoạt với dân. Ở đây không gian rất yên tĩnh, người dân rất thân thiện, nhiệt tình. Tôi rất hài lòng!”.
Hơn 6 năm làm du lịch homestay, bà Nguyễn Thị Hồng Cúc, hộ dân ở cù lao Thới Sơn, đã quen thuộc với công việc này. Bà con nói rằng nhờ du lịch mà gia đình bà trở nên khấm khá. Đến nay các thành viên trong nhà bà Cúc đã quen thuộc với cung cách phục vụ khách, chế biến thức ăn
Bà Cúc “bật mí” kinh nghiệm: “Phải làm sao để du khách khi đến nghỉ ở nhà mình được thoải mái như đang ở gia đình là thành công. Điều đó đồng nghĩa mình phải coi du khách như người nhà”. Đặc biệt, từ người lớn đến cậu bé cháu nội mới học lớp 4 của bà Cúc đều ít nhiều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với du khách.
Cù lao Thới Sơn mùa này rộn rịp những đoàn khách quốc tế. Họ đến đây để cảm nhận cái se lạnh từ gió sông Tiền, sự yên bình của làng quê. Riêng tôi tìm đến cù lao này dù không phải là lần đầu, nhưng vẫn thích thú khi nhâm nhi chút rượu cùng một vài lão nông, nghe chuyện làm du lịch, chuyện đổi đời của người dân, lắng tai nghe vọng về câu hát Nam Xuân trong gió đêm và hình ảnh cô gái Tiền Giang trong chiếc áo bà ba, nón lá duyên dáng, khẽ đưa mái dầm trong hoàng hôn đầy nắng.
Hiện nay, nhiều hộ dân ở vùng châu thổ Cửu Long đã bén duyên, mặn mòi với ngành công nghiệp không khói như: Vĩnh Long, Bến Tre, Bạc Liêu, Cần Thơ... Toàn tỉnh An Giang hiện có khoảng 15 xã có nông dân làm du lịch. Còn ở Vĩnh Long, Tiền Giang, xuôi theo hai bờ sông Tiền, cuộc sống của bà con dần thay đổi sau những chuyến khách đến, khách đi.
* * *
Điểm chung mô hình du lịch miệt vườn là không tốn nhiều chi phí đầu tư. Chỉ là ngôi nhà, mảnh vườn, thửa ruộng, bà con sửa sang cho tinh tươm để đón khách. Bà con hay nói “lấy công làm lời”. Nếu như cây trái trước đây phải chờ quả ngọt thì bây giờ, bà con có thể “thu hoạch” ngay từ ánh nhìn của du khách.

Du khách thích thú cưỡi trâu trên đồng. Ảnh: THANH TÙNG
Đi trong bóng nhãn rợp mát, ông Cao Tấn Thành, một hộ dân làm du lịch ở cù lao Thới Sơn, phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, thu nhập chính của gia đình tôi là từ vườn nhãn. Bây giờ tới mùa nhãn vẫn bán được hàng tấn nhưng “cái được” là có thêm thu nhập từ du lịch. Nhãn, dừa, xoài trong vườn đem phục vụ khách cũng mang lại lợi nhuận đáng kể”.
Đi du lịch nông dân là một chuyến về với thiên nhiên, về với sông nước để lắng nghe nhịp sống đồng bằng. Nhưng cái thu hút nhất là sự chơn chất, mộc mạc và hồn hậu của bà con. Những vườn cây trái trĩu quả vài ba công đất nhưng chẳng hề có bảng báo “Hái trái cây, xin trả tiền: 100 ngàn/ trái” như vẫn thường thấy ở các khu du lịch. Những bữa cơm du lịch nông dân đầy ắp đặc sản nhà quê, ăn đến no bụng đã thèm thì thôi chứ không ai nghĩ chuyện tính thêm tiền. Sau khi đã “chẳng còn gì giấu giếm” thì nhiều chủ nhà xem du khách là bạn mới. Vậy đấy, tính cách phóng khoáng, hiếu khách của người dân Nam bộ được lưu truyền từ ngàn xưa như lời mời gọi bình dị khiến du khách “cầm lòng không đậu”.
* * *
Những ngày cuối năm, tôi cảm nhận được niềm vui về sự “đổi đời” của nông dân làm du lịch. Không chỉ là phục vụ khách, bà con đã giới thiệu về bản sắc văn hóa, hồn quê, tình quê đến bạn bè trong và ngoài nước. Đến nhiều địa phương phát triển mạnh du lịch, bà con “phất” lên thấy rõ. Nhiều căn nhà đơn sơ, đượm chất thôn quê nhưng có đủ tiện nghi, đời sống thoải mái hơn. Vui hơn nữa khi nghe chuyện trước đây thanh niên thường bỏ quê lên các thành phố lớn để kiếm sống; nhưng từ khi xóm làng làm du lịch, họ đã tha thiết với quê hương, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất cha ông.
Bà con khoe rằng, họ được trợ lực rất nhiều từ chính quyền địa phương và các ngành hữu quan. Chúng tôi có dịp chứng kiến Dự án thành lập Trung tâm du lịch nông dân An Giang tổ chức lớp nấu ăn cho các hộ làm du lịch ở Văn Giáo. Ai cũng vui vì được hướng dẫn bài bản cách nêm nếm, trang trí món lẩu mắm sao cho đẹp mắt ngon miệng. Được biết, dự án đã tổ chức nhiều khóa về kỹ năng giao tiếp, cách tiếp tân, phục vụ
Từ năm 2007 đến nay, bà con ở An Giang được tổ chức Hỗ trợ nông dân Hà Lan (Agriterra) tài trợ kinh phí thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Tùng, phụ trách Marketing của dự án kỳ vọng: “Dù chưa tương xứng với một nền nông nghiệp giàu truyền thống và đa màu sắc như An Giang nhưng đây cũng là tín hiệu tích cực trong việc đánh thức những tiềm năng lâu nay bị quên lãng. Với đà này, du lịch nông dân cùng với du lịch tâm linh sẽ là hai “đặc sản” ở vùng Bảy Núi này”.
Tôi nghĩ, những hộ nông dân làm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long chắc hẳn năm nay sẽ “ăn Tết lớn” sau một năm “làm ăn tấn tới”. Bạn hãy thử làm một chuyến du xuân miệt vườn để hòa vào Tết quê, cùng bà con gói bánh tét, dọn bàn thờ cúng ông bà
để thư giãn và cảm nhận.