06/12/2021 - 08:11

Du lịch mở cửa, vẫn lo nguồn khách

Du lịch Việt Nam mở cửa và dần đón trở lại những đoàn khách quốc tế đến một số địa phương được cấp phép, khi đảm bảo an toàn. Những đoàn khách đầu tiên đã đến và có những chuyến đi đạt yêu cầu, là tín hiệu tích cực cho ngành Du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trăn trở với ngành công nghiệp không khói trong quá trình mở cửa trở lại.

 Điểm biểu diễn nghệ thuật tại Hội An. (Ảnh chụp trước dịch).

Bắt nhịp đón khách du lịch quốc tế

Tháng 11 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việc thí điểm được chia theo 3 giai đoạn, với 5 địa phương được phép đón khách là: TP Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Ðà Nẵng và Quảng Ninh. Ngành Du lịch Việt Nam cũng xác định mở cửa du lịch quốc tế phải an toàn và xác định rõ các tiêu chí: du khách an toàn, hành trình an toàn, điểm đến an toàn và xây dựng đội ngũ phục vụ du lịch xanh. Theo đó, những chuyến bay đưa khách quốc tế đến Việt Nam đã được kết nối trở lại.

Ngày 20-11-2021 trở thành cột mốc quan trọng với ngành Du lịch Việt Nam khi đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại sau gần 2 năm tạm dừng. Phú Quốc là địa điểm đầu tiên trong lộ trình thí điểm, đón đoàn khách hơn 200 người từ Hàn Quốc, với hành trình tour khép kín 4 ngày 3 đêm. Hành trình này diễn ra thuận lợi, an toàn và để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách. Do đó, Kiên Giang mạnh dạn đề ra mục tiêu Phú Quốc có thể đón 400.000 khách du lịch nội địa và quốc tế đến cuối năm 2021.

Cùng ngày, Hội An (Quảng Nam) cũng đã đón những du khách quốc tế đầu tiên đến tham quan, nghỉ dưỡng sau gần 2 năm vắng lặng do COVID-19. Lộ trình đón khách của Hội An cũng khép kín với điều kiện tiên quyết là vaccine và chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án xử lý tình huống và đảm bảo an toàn. Theo đó, đoàn du khách quốc tế đã được phép ghé 5 điểm tham quan và một điểm biểu diễn nghệ thuật. Khép lại hành trình an toàn, tốt đẹp, Hội An tiếp tục mở cửa đón khách quốc tế từ nay đến cuối năm. Du khách đến Hội An sẽ tham quan theo hành trình 3 giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 1 du khách tham gia các chương trình và sản phẩm tại 3 khu nghỉ dưỡng: Hoiana Hotel & Suites, Vinpearl Nam Hội An và Tuiblue Nam Hội An, tham quan phố cổ Hội An và Mỹ Sơn. Giai đoạn 2 và 3 sẽ mở rộng không gian và giới thiệu cho du khách nhiều sản phẩm mới phù hợp định hướng phát triển du lịch xanh, trong đó ưu tiên khách ở thị trường: Mỹ, Canada, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc.

Ngày 25-11, Khánh Hòa cũng đón đoàn khách quốc tế đầu tiên với hành trình 7 ngày. Ðây cũng là tour khép kín với các tiêu chí an toàn, hộ chiếu vaccine. Ðoàn khách được đưa về nơi nghỉ dưỡng tại Vinpearl Resort & Spa Long Beach Nha Trang ở bãi Dài trong khu vực riêng biệt. Hiện toàn tỉnh Khánh Hòa có 36 cơ sở đáp ứng điều kiện đón khách quốc tế, trong đó có 25 cơ sở lưu trú biệt lập tại bãi Dài. Bên cạnh đó, còn có 6 khu, điểm du lịch, một cơ sở mua sắm và 4 đơn vị lữ hành chuyên nghiệp đủ điều kiện đón khách quốc tế. Với định hướng này, ngành Du lịch Khánh Hòa đề ra mục tiêu đón hơn 163.000 lượt khách, trong đó 2.600 lượt khách quốc tế từ nay đến cuối năm 2021.

Hiện Ðà Nẵng và Quảng Ninh cũng đã xây dựng lộ trình để đón khách quốc tế. Những đoàn du khách nước ngoài đến Việt Nam đã mang lại tín hiệu tích cực cho ngành Du lịch. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế tháng 11 đã đạt trên 15.000 lượt, tăng 42,4% so với tháng 10.

Vẫn còn nỗi lo nguồn khách

Mặc dù khách quốc tế cũng dần trở lại, nhưng vẫn còn không ít thách thức với ngành Du lịch Việt Nam. Thực tế, việc các địa phương thí điểm mở cửa đón du khách hiện chỉ hướng tới các chuyến bay charter (bay thuê chuyến), đón khách kiểu combo trọn gói, nên số lượng chuyến bay không nhiều. Ðối tác tại các thị trường nguồn phải tốn rất nhiều thời gian để xây dựng sản phẩm, quảng bá sản phẩm, gom khách để thực hiện các chuyến charter trọn gói. Thêm vào đó, các địa phương rất cẩn trọng lựa chọn những đơn vị lữ hành, vận chuyển, lưu trú, điểm đến và dịch vụ theo đúng tiêu chí, nên gây khó cho chuỗi cung ứng phối hợp. Nỗi lo của các doanh nghiệp du lịch chính là nguồn khách không ổn định, môi trường kinh doanh cũng chưa được thông thoáng thuận lợi nên hoạt động của các đơn vị trong ngành sẽ không dễ dàng.

Một thực tế là những đơn vị lữ hành lớn có thị trường kết nối khách quốc tế rộng thường ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hai địa phương cũng có số lượng đường bay kết nối quốc tế thường xuyên và nhiều nhất nước, nhưng lại không nằm lộ trình đón khách quốc tế thí điểm. Thế nên, việc kết nối thị trường của các đơn vị lữ hành gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu chỉ phụ thuộc vào nguồn khách theo charter. Ðó là chưa kể, quy trình đón khách quốc tế của Việt Nam vẫn mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu chuẩn thống nhất, thông thoáng hơn. Ðặc biệt lưu ý đến tình huống khách có khả năng là F0, F1 thì việc điều trị, cách ly cần được quy định cụ thể hơn. Vì điều này dễ tác động đến tâm lý du khách nếu không được tư vấn rõ ràng. Mặt khác, quy định du khách đến Việt Nam phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000USD, trở thành gánh nặng tài chính cho du khách và cả các công ty cung cấp dịch vụ du lịch ở nước ngoài, gây tâm lý e ngại khi chọn Việt Nam làm điểm đến.

Trước những thách thức, khó khăn này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng việc đón khách quốc tế thí điểm phải đảm bảo an toàn, chuyên nghiệp là cơ sở để đề xuất lên Chính phủ rút ngắn thời gian thí điểm, tạo thuận lợi cho việc mở rộng ra các địa phương khác, tiến tới mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Chỉ khi mở cửa trên diện rộng, du lịch mới hồi sinh hiệu quả. Trên cơ sở này, ngành Du lịch tiếp tục rà soát những địa phương có sân bay đến trực tiếp, cơ sở vật chất, hạ tầng y tế tốt, tỷ lệ tiêm vaccine cao… để cho phép thí điểm mở cửa, tạo thành một “hành lang xanh” du lịch Việt Nam. Từ đó mới có thể đa dạng điểm đến, dịch vụ du lịch, thu hút du khách đến Việt Nam. Trên cơ sở này, hiện Tổng cục Du lịch cũng đã khởi động chương trình “Live fully in Vietnam”- “Sống trọn vẹn tại Việt Nam”, tích cực quảng bá, xúc tiến, kích cầu phục hồi du lịch.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết