ÁI LAM
Sau dịch COVID-19, xu hướng du lịch toàn cầu ghi nhận sự lên ngôi của du lịch xanh, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường. Ðiều này phù hợp với tài nguyên thiên nhiên vùng ÐBSCL - nơi có không gian xanh lý tưởng của văn minh miệt vườn, đậm bản sắc văn hóa sông nước. Du lịch vùng đất Chín Rồng cũng mở lối mới, hình thành các sản phẩm đặc sắc cùng những cách làm độc đáo.
Đoàn du khách của An Giang đến Bảo Gia Farm Camping tham quan và học tập du lịch nông nghiệp. Ảnh: Kiều Mai
Tạo bản sắc từ nông nghiệp
Diện tích ÐBSCL gần 4 triệu héc-ta, trong đó có hơn 2,5 triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp được xem một trong những yếu tố gốc tạo bản sắc văn hóa vùng đất và con người nơi đây, cũng như đang là nền tảng cho những sản phẩm du lịch đậm chất bản địa.
Gặp gỡ đã ba lần, cô Nguyễn Thị Bích Vân, Tổ trưởng Tổ hợp tác điểm du lịch cộng đồng cồn Chim (ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) vẫn đón chúng tôi bằng sự chân chất thuở ban sơ: “Người cồn Chim đón khách bằng tấm lòng, có sao giữ vậy để níu chân du khách”.
“Có sao giữ vậy” là chắt chiu nguyên sơ ruộng lúa, bờ ao, vườn cây và nếp sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây khi làm du lịch. Cồn Chim có diện tích 62ha (trong đó đất nông nghiệp là 34ha), tọa lạc tại hạ lưu sông Cổ Chiên, gần biển nên chịu ảnh hưởng của nước mặn. Người dân sống thuận hòa với thiên nhiên, cứ 6 tháng trồng lúa, làm vườn; từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm thì chuyển sang nuôi tôm, cua. Bà con làm nông nghiệp hữu cơ, thuận theo tự nhiên. Từ đó cũng hình thành nên mô hình “con tôm ôm cây lúa” trong hoạt động du lịch. Chị Trần Như Hạnh, chủ vườn dừa Bé Thảo, chia sẻ vườn nhà có diện tích 14.000m2 trồng lúa, bao quanh là dừa. Mỗi năm nhà chị chỉ làm một vụ lúa, khi nước mặn thì nuôi tôm, phân tôm với phù sa là phân bón tự nhiên rất tốt cho cây lúa. Mùa nước ngọt, lúa cấy thưa, cứ 1.000m2 sạ 2kg lúa giống để khoảng trống nuôi tôm nước ngọt trên ruộng.
Tại cồn Chim có 17 hộ làm du lịch theo định hướng cộng đồng dựa trên các yếu tố thuận thiên. Cô Nguyễn Thị Bích Vân cho biết: “Chúng tôi xác định làm du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng nông nghiệp, gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa. Nhà nào có thế mạnh gì thì làm sản phẩm đó, mỗi nhà một sản phẩm, hỗ trợ lẫn nhau”. Tại cồn Chim có hơn 15 dịch vụ, mùa nào thức nấy, nguyên liệu do người dân tự nuôi trồng. Cô Phạm Thị Sữa, chủ điểm trải nghiệm bánh lá Ba Sữa, chia sẻ nghề bánh lá học được từ mẹ cô, đến nay cũng hơn 40 năm. Bánh làm từ lá mơ và dừa trồng quanh nhà, ruộng lúa trước nhà canh tác thuận thiên tạo ra gạo sạch, còn lá dừa nước để nắn bánh thì ở quanh cồn lúc nào cũng có. Chị Cao Thị Miền, Công ty du lịch Ðại Lợi (Trà Vinh), nói: “Tại đây, từng sản phẩm đều được chăm chút sử dụng các nguyên liệu thân thiện môi trường như lá chuối, lá dừa, ống hút cỏ… Người dân lại chất phác, thân thiện”.
Du khách check-in trên đồng lúa sạch tại vườn dừa Bé Thảo (Trà Vinh). Ảnh: Kiều Mai
Còn du lịch tỉnh Ðồng Tháp khai thác tập quán nông nghiệp truyền thống, với những sản phẩm đa dạng và gắn liền đặc sản địa phương: Quýt hồng Lai Vung, Sen Tháp Mười, Làng hoa Sa Ðéc, các mô hình “Cây xoài nhà tôi” (Làng du lịch xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) và “Cây cam vườn tôi” (xã Tân Thuận Ðông, TP Cao Lãnh)… Trong đó, “Cây xoài nhà tôi” gắn kết du khách với nhà vườn qua việc khách đăng ký mua cây xoài tại vườn trong một năm. Nhà vườn có mã QR, cập nhật quá trình sinh trưởng và kết trái của cây xoài. Ðến mùa, khách trực tiếp đến hái xoài hoặc giao nhà vườn hái, đóng gói, gửi cho khách. Triển khai từ năm 2016, đến nay có hơn 500 “Cây xoài nhà tôi” được đặt mua. Mô hình này đang được nhân rộng đến các loại cây ăn trái khác. Từ đó, huyện Cao Lãnh được chọn thí điểm tour nông nghiệp “Về vườn Cao Lãnh, trải nghiệm du lịch xanh” với các sản phẩm “dỡ chà đãi bạn”, làm nông dân trồng xoài. Mở rộng hơn nữa, du lịch Ðồng Tháp đang sáng tạo các sản phẩm để du khách trải nghiệm trồng hoa ở Làng hoa Sa Ðéc; trồng quýt hồng, cam xoàn ở Lai Vung; trồng sen và chế biến sản phẩm từ sen Tháp Mười...
Giữ gìn văn hóa bản địa, với cốt lõi là nông nghiệp, cũng là tiêu chí mà Bảo Gia Farm Camping (xã Ðông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) theo đuổi nhiều năm nay. Chị Nguyễn Minh Thư, Quản lý dự án Bảo Gia Farm Camping, cho biết: “Tại đây chúng tôi làm nông nghiệp theo hai hướng. Ðó là nghiên cứu, bảo tồn các giống cây bản địa; đồng thời gắn hoạt động sản xuất nông nghiệp với du lịch và giáo dục”. Với diện tích khoảng 10ha, ở đây có nhiều phân khu để du khách tham quan và trải nghiệm: trồng rau, trái cây, dược liệu... Nơi đây trở thành mô hình mẫu về nông nghiệp sạch ở Hậu Giang. Về dịch vụ du lịch, tùy theo mùa sản xuất mà Bảo Gia Farm Camping sẽ xây dựng những chương trình trải nghiệm phù hợp, như: “Ra vườn nhặt nắng”, “Trồng thêm một cái cây”, “Be a Farmer”, “Family Outing”, “Summer Camp”, “Cultural Exchange”, “Happy Family”, các workshop chuyên đề về nông nghiệp, sản phẩm thủ công, các khóa kỹ năng sống ứng dụng trong môi trường tự nhiên…
Tại ÐBSCL có rất nhiều mô hình làm du lịch nông nghiệp. Mỗi một mô hình đều có những bản sắc riêng làm nên nét độc đáo của du lịch nông nghiệp ÐBSCL.
Mekong mạch nguồn kết nối
Sông ngòi, kênh rạch của ÐBSCL có tổng chiều dài khoảng 28.000km, trong đó hai hệ thống chính là sông Tiền và sông Hậu, là điều kiện tự nhiên lý tưởng phát triển các tour đường sông. Du lịch đường sông đất Cửu Long có nhiều trải nghiệm đa dạng, là mạch nguồn kết nối, gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa.
Một chiều cuối năm, trên chuyến tàu khám phá hệ du lịch các cồn giữa sông Tiền, ông Lê Văn Luông, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre, tâm tình: “Những sản phẩm du lịch sinh thái, đường sông rất được chú trọng. Chúng tôi cũng xác định sản phẩm đặc trưng của Bến Tre là “sông nước xứ Dừa”, trong đó có điểm nhấn là chợ nổi dừa và hệ thống các cù lao, cồn sinh thái”. Còn ông Trì Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch Vĩnh Bình, chia sẻ: “Du lịch nông nghiệp, sinh thái, sông nước là những sản phẩm mà chúng tôi đang theo đuổi. Xuôi theo những dòng sông, sẽ kết nối hệ thống các cù lao, cồn nổi để thiết kế những sản phẩm đặc trưng đậm chất văn hóa bản địa...”. Còn ông Phan Văn Thông, Tổng Giám đốc Khu du lịch Cồn Phụng Bến Tre, chia sẻ: “Sản phẩm du lịch ở mỗi tỉnh ÐBSCL có những nét riêng biệt chứ không trùng lắp. Du lịch sông nước là thế mạnh đặc trưng của ÐBSCL và cần được khai thác hiệu quả, nhất là ở hệ thống các cù lao, cồn nổi. Phải xây dựng sản phẩm để du khách có những trải nghiệm đúng về mỗi địa phương”.
Du khách quốc tế trên du thuyền Mekong Princess được chào đón khi ghé trải nghiệm du lịch tại Cần Thơ. Ảnh: Kiều Mai
Và chúng tôi có dịp trải nghiệm du lịch cồn “có một không hai” khi xuôi dòng sông Tiền, rẽ nhánh sông Cổ Chiên, cập bến cồn Hô (ấp Mỹ Hiệp A, xã Ðức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) lúc hoàng hôn buông, từ phía cồn ánh sáng đèn dầu hắt lên sông đầy hoài niệm. Chúng tôi được chú Hai Nguyên (Huỳnh Văn Nguyên), người dân cố cựu ở cồn Hô, tiếp đón và bộc bạch: “Trải nghiệm đêm cồn Hô với đèn dầu là một sản phẩm du lịch ở đây. Cồn có diện tích hơn 25ha, hiện có 12 hộ dân sinh sống. Nhìn từ trên cao hoặc trên bản đồ, cồn có hình dạng giống như con cá hô”. Cồn Hô có những vườn cây ăn trái sum suê, đặc trưng là bưởi da xanh. Du lịch cồn Hô chỉ mới đi vào hoạt động từ tháng 10-2020 với mô hình “tự thân”, nghĩa là có gì làm đó. Chị Châu Thị Phụng, chủ điểm vườn thảo dược Hai Trải, nói: “Bà con bàn với nhau nhà ai có gì thì làm sản phẩm du lịch đó. Ðược du khách đón nhận mọi người vui lắm”. Gói ngâm thảo dược là bí quyết gia truyền của gia đình chị Phụng dùng để làm ấm chân, lưu thông mạch máu, giảm mệt mỏi, nay thành sản phẩm du lịch. Tại cồn Hô có khoảng 8 dịch vụ: tham quan vườn cây ăn trái, làm rượu, chèo ghe, bơi xuồng, câu cá, ngâm chân thảo dược, thưởng thức ẩm thực…
* * *
Hệ thống cù lao, cồn nổi là nét đặc trưng độc đáo của vùng ÐBSCL, là nền tảng hình thành nên hệ thống sản phẩm du lịch sông nước, sinh thái. Ðó là cù lao Tân Phong, cồn Lân, cồn Long (Tiền Giang), cù lao Minh, cồn Phụng, cồn Quy (Bến Tre), cù lao Tân Quy, cồn chim, cồn Hô (Trà Vinh), cù lao An Bình, cù lao Mây (Vĩnh Long), cù lao Tân Lộc, cồn Sơn (Cần Thơ), cù lao Dung, cồn Mỹ Phước (Sóc Trăng)… Ở mỗi nơi đều có những sản phẩm độc đáo riêng, như cồn Sơn (Cần Thơ) nổi tiếng với nhiều hoạt động trải nghiệm về cá rất độc đáo, như: cá bú bình, cá lóc bay, massage cá… Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon, Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp cồn Sơn, cho biết: “Hồi trước nuôi cá làm kinh doanh nhưng cũng có trăn trở là làm sao giữ được nguồn thủy sản tự nhiên trên sông Hậu, nên tôi đã sưu tầm không ít giống để nuôi rồi nhân giống. Thành ra ở đây có nhiều giống cá ÐBSCL và thu hút du khách”.
Các sản phẩm du lịch đường sông cũng dần được kết nối quốc tế bởi các du thuyền Victoria Mekong Cruises (TP Cần Thơ), Mekong Princess (TP Hồ Chí Minh). Hành trình rất đa dạng: Cần Thơ - An Giang, TP Hồ Chí Minh - Bến Tre - Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh - Bến Tre - Cần Thơ - An Giang - Phnôm Pênh (Campuchia), Cần Thơ - An Giang - Campuchia. Ông Giang Hoàng Hải, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần du thuyền Viet Princess - đơn vị chủ quản của Mekong Princess, chia sẻ: “ÐBSCL có hệ thống kênh rạch đẹp, vườn cây ăn trái, di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc… Vì thế, chúng tôi đã xây dựng những sản phẩm xuôi theo dòng Mekong giới thiệu những nét đẹp văn hóa bản địa đến với du khách”.
Sức hút của những hành trình khám phá đường sông ở ÐBSCL đang ngày càng được mở rộng, đồng hành cùng xu hướng du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên.
Du khách tham quan bè cá Bảy Bon tại cồn Sơn. Ảnh: Kiều Mai
Ðánh thức tiềm năng du lịch chăm sóc sức khỏe
Tại diễn đàn Du lịch quốc gia “Phục hồi du lịch Việt Nam - Ðịnh hướng mới, hành động mới”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết nhu cầu du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Tại ÐBSCL, du lịch chăm sóc sức khỏe cũng đang hình thành với những nét riêng.
“Farming and Art Therapy”, “Vigorous Pronery - Bring out the most of the wellness”, “Happy Family”… là những chương trình trải nghiệm kết hợp chăm sóc sức khỏe Haiau Tourist Cần Thơ đang khai thác. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Phó Giám đốc Haiau Tourist Cần Thơ, chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng nhiều chương trình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe mà đối tượng hướng đến chủ yếu là gia đình và trường học. Các sản phẩm chú trọng đến những yếu tố khám phá, trải nghiệm và chữa lành”. Cụ thể như chương trình “Vigorous Pronery - Bring out the most of the wellness” dành cho học sinh khám phá các điểm đến, hoạt động thiền, yoga, các bài tập nghệ thuật, workshop chuyên đề vừa giúp học sinh giải trí vừa để nâng cao sức khỏe tinh thần. Trong năm 2022, Haiau Tourist Cần Thơ đã nhận khoảng 30 đoàn (từ 120-200 người/đoàn) tham gia những chương trình này, chưa kể nguồn khách lẻ từ các gia đình, nhóm bạn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương chia sẻ: “Chúng tôi có đội ngũ cố vấn là các chuyên gia để xây dựng hoạt động phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi. Trong nhiều chuyến đi còn có bác sĩ, các huấn luyện viên đồng hành”.
Du lịch chăm sóc sức khỏe cũng được hình thành với những chuyến đi chữa lành trên các du thuyền. Ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc du thuyền Victoria Mekong Cruises, cho biết: “Hành trình khám phá của Victoria Mekong Cruises có các trải nghiệm khám phá văn hóa miền Tây ở An Giang, Cần Thơ. Du khách còn được thưởng thức đờn ca tài tử, nhạc acoustic, hay tham gia các lớp học yoga, nấu ăn…”. Victoria Mekong Cruises còn kết hợp với Lumina Retreats xây dựng những hành trình tìm lại sự bình yên, điển hình như “Mekong Wellness Cruises”.
ÐBSCL còn được đánh giá giàu tiềm năng du lịch kết hợp khám chữa bệnh. Trong đó Cần Thơ đang là điểm đến được đánh giá cao về loại hình du lịch này bởi hệ thống y tế hiện đại, hạ tầng giao thông thuận lợi. Ông Chin Kwee Peter Tay, Cố vấn Cục Tiếp thị và Xúc tiến nước ngoài thị trường ASEAN, cho rằng: “Cần Thơ là điểm đến tiềm năng với thị trường quốc tế, nhất là Ðông Nam Á. Tôi đánh giá cao tiềm năng du lịch kết hợp khám chữa bệnh của Cần Thơ”. Mô hình du lịch kết hợp khám chữa bệnh đang hình thành ở Cần Thơ. Thiếu tướng Vũ Cao Quân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ, Thành viên Hội đồng quản trị Bệnh viện đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ, đơn vị đang khai thác mô hình du lịch kết hợp khám chữa bệnh chia sẻ: “Bệnh viện có định hướng phát triển mô hình khám bệnh kết hợp nghỉ dưỡng du lịch. Chúng tôi xây dựng tour riêng cho khách lựa chọn, bên cạnh đó cũng kết hợp với các đơn vị lữ hành như: Vietravel, Hieu’s Tour… để xây dựng các tour kết hợp đa dạng, phù hợp với nhu cầu của du khách”. Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Du lịch Hồng Hiếu, cho biết: “Du lịch kết hợp khám chữa bệnh có sức hút với dòng khách chi trả cao và lưu trú dài ngày. Cần Thơ có thế mạnh về các loại hình này với cơ sở hạ tầng đáp ứng các nhu cầu của du khách không chỉ trong nước mà còn quốc tế”.
Trên tiến trình hội nhập, du lịch ÐBSCL vẫn giữ bản sắc riêng với nhiều sản phẩm độc đáo đã hình thành: du lịch nông nghiệp, du lịch đường sông, du lịch sức khỏe… Các mô hình du lịch đa dạng và đều được xây dựng trên nền tảng gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa, hướng đến yếu tố bền vững, bảo vệ những giá trị từ thiên nhiên.
Các gia đình trải nghiệm chương trình “Happy Family” của công ty Haiau Tourist Cần Thơ. Ảnh: Kiều Mai