Bài, ảnh: ÁI LAM
Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ÐBSCL (gồm 7 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) đã có một năm phục hồi sau COVID-19 ấn tượng với những chỉ số tăng trưởng về doanh thu và lượt khách. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong năm 2023; các địa phương đã bàn giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch hiệu quả và bền vững.
Lễ trao cờ An Giang là Cụm trưởng Cụm phía Tây ÐBSCL năm 2023.
Những chuyển biến tích cực
Năm 2022, Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ÐBSCL (Cụm phía Tây) đón gần 29 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 350.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 27.000 tỉ đồng. Về chỉ số doanh thu hay lượt khách đều tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2021. Các chỉ số này phần lớn từ khách nội địa, nhưng đây cũng được xem tín hiệu đáng mừng trong giai đoạn phục hồi du lịch của 7 tỉnh, thành trong cụm. Bởi trên thực tế, hoạt động du lịch thực sự chỉ diễn ra vào nửa cuối năm 2022, vì nửa đầu năm còn ở giai đoạn thích ứng bình thường mới, chưa có nhiều hoạt động du lịch và tâm lý du khách vẫn chưa ổn định. Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, thông tin: “Hoạt động du lịch của Cụm phía Tây có nhiều tiến bộ tích cực, các địa phương đã dần thích ứng và nắm bắt được xu hướng của du khách trong tình hình mới. Các địa phương cũng đã năng động xây dựng nhiều sản phẩm mới, thúc đẩy liên kết, xúc tiến quảng bá”.
Theo đó, Cần Thơ phát triển tuyến du lịch mới Ðền thờ Vua Hùng - Ðiểm du lịch Phi Yến - CanTho Eco Resort, An Giang tổ chức thành công chương trình Caravan du lịch An Giang, Cà Mau tạo dấu ấn với Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2022” với hàng loạt hoạt động: Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, Hoạt động đi bộ xuyên rừng U Minh, Ngày hội Cua… Kiên Giang nổi bật với nhiều hoạt động và loạt sản phẩm đón khách quốc tế. Ðây cũng là địa phương đứng đầu Cụm phía Tây về doanh thu lẫn lượt khách tham quan, trong đó tỷ lệ khách quốc tế chiếm hơn 2/3 lượt khách trong cụm. Các tỉnh, thành trong cụm hợp tác không ngừng nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm du lịch mới, xây dựng các liên tuyến hợp tác về du lịch giữa Cần Thơ - Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau, Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang...
Nổi bật trong các hoạt động của các địa phương trong Cụm phía Tây là hợp tác tham gia gian hàng chung tại không gian trưng bày giới thiệu hình ảnh, sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc trưng, quà lưu niệm, sản phẩm OCOP của các địa phương trong nước và quốc tế, như: Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2022 tại Thủ đô Hà Nội, Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE HCMC) năm 2022, Lễ hội Biển năm 2022 tại Vương quốc Campuchia… Ðồng thời tổ chức thành công các hoạt động lễ hội tại các địa phương trong cụm hợp tác, như: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Liên hoan Ðờn ca tài tử quốc gia lần thứ III, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX năm 2022 (TP Cần Thơ); Ngày hội Mắm Châu Ðốc, An Giang - Ðặc sản các vùng miền (An Giang); Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang (Bạc Liêu); Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Ok-Om-Bok - Ðua ghe Ngo Sóc Trăng… Hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành trong cụm hợp tác được đánh giá là ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp với điều kiện và bản sắc của từng địa phương.
Bàn giải pháp thúc đẩy liên kết
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, đặt vấn đề: “Mặc dù năm qua du lịch Cụm phía Tây phục hồi tốt nhưng vẫn cần nhìn lại kết quả để có những định hướng phát triển phù hợp trong thời gian tới. Ðặc biệt, phải xác định rõ những thách thức, khó khăn, từ đó mới đưa những giải pháp tháo gỡ kịp thời”. Bởi vì trên thực tế, kết quả kinh doanh du lịch nếu so với năm 2019 - năm đỉnh cao của du lịch ÐBSCL, thì doanh thu và lượt khách của Cụm phía Tây giảm, cụ thể giảm 15% về lượt khách và 22% về doanh thu. Do đó, các địa phương trong Cụm phía Tây phải vạch ra những định hướng, giải pháp để kéo mọi chỉ số về như năm đỉnh cao trước dịch, nhất là về thị trường khách quốc tế.
Các đơn vị lữ hành khảo sát các sản phẩm du lịch trong liên tuyến Cần Thơ - Hậu Giang.
Bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, chia sẻ: “Tôi cho rằng hoạt động liên kết trong cụm hiện vẫn còn rời rạc, chưa hiệu quả như mong muốn. Vì thế trong thời gian tới các địa phương phải cùng nhau xây dựng một số các chương trình hợp tác xúc tiến, quảng bá hướng đến các thị trường trọng điểm. Xác định cụ thể các thị trường nội địa và quốc tế và xây dựng phương án kéo khách về từ các vùng trung tâm có đường bay. Trên cơ sở này, các địa phương trong cụm sẽ chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp hiệu quả. Mặt khác, chúng ta cũng nên khảo sát lại các sản phẩm du lịch và xây dựng những liên tuyến đặc trưng để quảng bá. Ðồng thời chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch vì đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để thúc đẩy việc liên kết, quảng bá hiệu quả”. Ðồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hậu Giang, nói: “Thực tế mỗi địa phương đều có những sản phẩm đặc trưng riêng và chúng ta phải làm sao để tránh giẫm chân nhau trong việc xây dựng sản phẩm du lịch. Ðiều này cần phải có sự điều phối và định hướng của Hội đồng vùng ÐBSCL. Chúng ta muốn đi xa thì phải đi cùng nhau nên phải cân nhắc địa phương nào là tối ưu để xây dựng một sản phẩm đặc trưng nào đó, từ đó mới liên kết thành chuỗi sản phẩm liên vùng hiệu quả”.
Ông Ðào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh An Giang, thông tin năm 2023 Cụm phía Tây tiếp tục tập trung vào 6 nội dung chính, đó là liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL, trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quản lý du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết xây dựng tour tuyến du lịch. Trên cơ sở này các địa phương xây dựng và thực hiện những kế hoạch, định hướng phù hợp trong kết nối quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng sản phẩm và kết nối thị trường khách.
Du lịch Cụm phía Tây thường chiếm khoảng 2/3 về doanh thu và số lượng khách của vùng ÐBSCL. Do đó, sự phục hồi và phát triển du lịch của cụm có ảnh hưởng lớn đến toàn vùng. Thách thức đặt ra cho du lịch trong cụm nói riêng và ÐBSCL nói chung vẫn là bài toán về sản phẩm du lịch và tính hiệu quả của các hoạt động liên kết. Hiện các địa phương đang nỗ lực xây dựng những chương trình liên kết theo mô hình nhỏ liên tuyến, như sản phẩm du lịch đường sông Cần Thơ - Hậu Giang, tam giác du lịch An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang… Về lâu dài, Cụm phía Tây cần có những định hướng phối hợp năng động trong công tác xúc tiến, quảng bá và những chính sách hỗ trợ kịp thời để tháo gỡ những khó khăn về hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực… Từ đó, mới có nền tảng để phát huy hiệu quả các liên kết, hợp tác phát triển du lịch.l