Đến năm 2020, du lịch thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng chuyên nghiệp với các dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, bền vững. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Trên cơ sở này, năm 2019 đánh dấu bước chuyển mình của ngành công nghiệp không khói. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, có cuộc trao đổi với Báo Cần Thơ:
Thời gian qua, Cần Thơ mở nhiều tuyến bay quốc tế và nội địa. Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc mở các đường bay này đối với ngành du lịch Cần Thơ?
- Tính đến nay, Cần Thơ đã có 11 tuyến bay thẳng đến các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, trong đó phải kể 2 tuyến quốc tế đến Thái Lan và Malaysia. So với năm 2018, số lượng đường bay đã tăng từ 2-3 lần. Sau khi có thêm các đường bay, thì lượng hành khách đi bằng đường hàng không tăng so với trước, ước khoảng 25%. Việc gia tăng chuyến với nhiều điểm đến, cũng như đa dạng dịch vụ của các hãng bay giúp cho du khách có thêm nhiều lựa chọn. Mặt khác, đây cũng là điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trong nước và quốc tế vào Cần Thơ, các tỉnh ĐBSCL. Thực tế, Cần Thơ được xem là trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch, giáo dục đào tạo, y tế… của vùng ĐBSCL. Nơi đây tập trung đa dạng cơ sở lưu trú du lịch, vui chơi giải trí và ẩm thực với hơn 275 cơ sở lưu trú và hơn 7.100 phòng nghỉ, nhiều nhà hàng, hội trường có sức chứa trên 1.000 khách... Với nhiều loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; làng nghề truyền thống và ẩm thực, các loại hình dịch vụ và vui chơi giải trí đa dạng, Cần Thơ vì thế trở thành điểm trung chuyển, kết nối đưa khách đến các tỉnh, thành ĐBSCL.
Việc các đường bay mới đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch trong nước. Năm 2019, các tỉnh, thành phố ĐBSCL sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua việc tham gia các sự kiện, hội chợ lớn về du lịch. Dự kiến năm 2019, các tỉnh, thành phố ĐBSCL sẽ tổ chức xúc tiến quảng bá du lịch tại TP Hồ Chí Minh và đặc biệt là thị trường phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên…; và ngoài nước: Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản…
Sản phẩm du lịch sông nước đang được ngành du lịch thành phố quan tâm xây dựng và khai thác. Trong ảnh: Bơi xuồng hái trái ở điểm vườn Phong Điền. Ảnh: K.M
Cần Thơ đang nghiên cứu đề xuất triển khai mô hình du lịch thông minh nhằm tạo sự tiện lợi và thu hút sự quan tâm của du khách. Ông có thể cho biết thêm thông tin về mô hình này, thưa ông?
- Hiện nay, trong Dự thảo xây dựng Đề án Đô thị thông minh của thành phố, có lĩnh vực du lịch thông minh. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, VNPT Cần Thơ, nghiên cứu đề xuất triển khai thử nghiệm “Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động”. Việc đầu tư thí điểm sẽ do VNPT Cần Thơ triển khai thực hiện và đảm bảo về kinh phí, nhân lực. Dự kiến thời gian triển khai thí điểm là 6 tháng, bắt đầu vào quý 3 năm 2019.
Trong định hướng quy hoạch của Cần Thơ, du lịch đường sông là loại hình đang được chú trọng. Vậy Cần Thơ có những kế hoạch, đề án gì liên quan đến loại hình du lịch này, thưa ông?
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ đưa đề án phát triển du lịch đường sông vào đề tài khoa học công nghệ cấp thành phố. Sau đó, Viện Kinh tế - Xã hội thành phố phối hợp Trường Đại học Cần Thơ viết đề án, dự kiến trong tháng 7-2019 sẽ hoàn thành, nghiệm thu. Đây là cơ sở khoa học để thành phố triển khai các đề án, kế hoạch phát triển du lịch đường sông trong thời gian tới, tập trung ở các quận, huyện: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp UBND quận Cái Răng triển khai thực hiện đề án Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, nhằm thúc đẩy du lịch đường sông phát triển bền vững… Ngành cũng tham mưu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng các sản phẩm đường sông, như tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2019.
Trong năm 2019, Cần Thơ sẽ tổ chức một sự kiện rất đáng quan tâm là Hội chợ Du lịch Quốc tế. Ngành du lịch thành phố kỳ vọng gì ở sự kiện này, thưa ông?
- Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với TP Cần Thơ tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Cần Thơ 2019. Đây là lần đầu tiên sự kiện chuyên ngành và có quy mô lớn được tổ chức tại Cần Thơ, góp phần quan trọng cho các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp vùng ĐBSCL, các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch trong và ngoài nước quảng bá điểm đến, giới thiệu và cung cấp thông tin về sản phẩm du lịch đến doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, sự kiện cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp giao lưu, trao đổi, ký kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường phát triển du lịch.
Hội chợ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 29-11 đến 1-12, tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ (108A Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), có chủ đề “Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước”. Sự kiện sẽ có trên 250 gian hàng gồm: các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các trung tâm xúc tiến du lịch ở các tỉnh, thành… Các hoạt động đa dạng, như: quảng bá, xúc tiến, giới thiệu mua, bán sản phẩm du lịch; liên hoan ẩm thực quốc tế; diễn đàn về phát triển du lịch ĐBSCL, các cuộc hội thảo và biểu diễn văn nghệ truyền thống Việt Nam và quốc tế…
Từ thành công của sự kiện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng sự kiện sẽ diễn ra tốt đẹp và tạo được hiệu ứng lan tỏa cho ngành du lịch Cần Thơ và ĐBSCL. Từ đó xây dựng nên thương hiệu VITM Cần Thơ, dần trở thành sự kiện du lịch tiêu biểu hàng năm của khu vực ĐBSCL.
Xin cảm ơn ông!
ÁI LAM (Thực hiện)